Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc gọi cuối cùng của trung tá Hải trước khi vào Rào Trăng

"Trên đường hành quân, Hải chụp một bức ảnh ngồi trên xe quân đội rồi gửi cho con qua điện thoại", bà Xuân nghẹn ngào kể.

13 can bo,  chien si hy sinh o Rao Trang anh 1

Ngồi bệt giữa phòng khách, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (70 tuổi) thẫn thờ nhìn lên bàn thờ mới lập nhưng chưa có di ảnh, bát hương. Trước hiên nhà, các chiến sĩ bộ đội đang giúp gia đình dọn dẹp để đón con trai bà về.

Bà Xuân là mẹ của trung tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, người đã hy sinh trong quá trình giải cứu 40 công nhân mất tích ở nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.

Không tin con trai vĩnh viễn ra đi

Ngôi nhà của trung tá Hải nằm trong con ngõ nhỏ đường Mang Cá (TP Huế). Mưa lớn nhiều ngày khiến đường vào bắt đầu ngập nước.

Trong ngôi nhà cấp 4, ánh mắt ông Trần Thiện Cường (cha trung tá Hải) không giấu được nỗi buồn mỗi khi có người đến hỏi thăm.

Ông có 4 người con thì anh Hải học giỏi nhất. Năm 1997, anh Hải nhập học Trường Sĩ quan Lục quân, bước khởi đầu cho sự nghiệp quân ngũ.

13 can bo,  chien si hy sinh o Rao Trang anh 2
Ông Cường, bà Xuân thẫn thờ khi nghe tin con mình đã hy sinh. Ảnh: Việt Hùng.

Ra trường, anh Hải trải qua nhiều thử thách ở các cương vị khác nhau, từ trung đội trưởng, huyện đội phó rồi giữ chức Huyện đội trưởng huyện Phú Lộc. Thời gian sau, chàng thanh niên quê Hương Trà được điều động về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Anh Hải lập gia đình với chị Hoàng Thị Hạnh Phúc và sinh được 2 cháu trai kháu khỉnh.

Ngồi bên cạnh lau hai hàng nước mắt, bà Xuân nói vẫn không tin con trai đã vĩnh viễn ra đi, để lại cha, mẹ già, người vợ trẻ và hai con thơ dại.

Không chỉ với gia đình, những người hàng xóm xung quanh cũng xót xa trước sự hy sinh của trung tá Hải và các đồng đội. "Không thể tin được trung tá Hải đã hy sinh. Từ nay bà con lối xóm không còn thấy chú Hải ra chặt cây, khơi thông cống rãnh mỗi khi lũ về", chị Trần Thị Thoa (trú phường Thuận Lộc, TP Huế) ngậm ngùi.

Trong tâm trí của nhiều người, trung tá Hải dễ gần và luôn quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó. Hàng xóm có việc, người chiến sĩ ấy đều xắn tay lao vào giúp, không quản ngại gian khó.

Nói về trung tá Hải, thiếu tá Hồ Thị Thanh Bình (công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhận xét đó là một "sĩ quan chiến trường", rất thân quen với người dân vùng lũ.

"Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa lụt bão, thủ trưởng lại ra đường giúp dân, chỉ đạo các đơn vị khắc phục hậu quả. Ở cơ quan, anh Hải là người nghiêm khắc trong công việc nhưng gần gũi, thân tình và rất quan tâm đến anh em chiến sĩ", thiếu tá Bình chia sẻ.

Nếu không có sự hy sinh, nhiều người gặp nạn sẽ khó về

Đã trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông Cường luôn răn dạy con trai đã là người lính thì chấp nhận hiểm nguy.

Người cha nhớ lại ngày 8/10, anh Hải nghe tin 12 thuyền viên trên tàu Vietship 01 bị lũ cuốn trôi ra biển nên cùng một số cán bộ, chiến sĩ xung phong ra Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Khoảng 3 ngày sau, khi những thuyền viên trên được đưa vào bờ, anh Hải về nhà với bộ quân trang ướt sũng và dính đầy đất cát. "Hải về được một hôm rồi lại vào đơn vị", bà Xuân kể.

Ngày 12/10, nhiều vị trí ở huyện Phong Điền ngập chìm trong biển nước. Vị phó tham mưu trưởng cùng 20 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế lại đi vào rốn lũ giúp dân.

Trưa hôm đó, một cuộc điện thoại từ nhà máy thủy điện Rào Trăng báo về có nhiều người mất liên lạc do hàng trăm khối đất, đá sạt lở xuống lán trại công nhân.

13 can bo,  chien si hy sinh o Rao Trang anh 3

Người mẹ bật khóc khi kể về con trai. Ảnh: Việt Hùng.

Ngay lập tức, 21 người trong đoàn công tác do thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, dẫn đầu đã tức tốc lên đường vào Rào Trăng 3 cứu người bị nạn.

Trên đường đi, anh Hải chỉ kịp gọi điện thoại về nhà dặn con trai đầu dạy em học và không được ra đường khi mưa gió. "Trong lúc hành quân, Hải chỉ kịp chụp một bức ảnh ngồi trên xe quân đội gửi cho con qua điện thoại. Tôi không ngờ, đây là lần cuối cha con nó nói chuyện với nhau", người mẹ kể, giọng nghẹn ngào.

Chiều 13/10, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế mưa to kèm theo gió lớn nên bà Xuân gọi điện thoại cho anh Hải để căn dặn phải cẩn thận nhưng không liên lạc được.

Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, ông Cường, bà Xuân bỏ ăn, quên ngủ mong ngóng tin con.

Người cha cho biết từ hôm 15/10, cả gia đình đến cổng đơn vị chờ tin anh Hải. Khi những chiếc xe cứu thương lần lượt đưa thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ về Bệnh viện Quân y 268 thì những người có mặt không cầm được nước mắt.

Là người đã từng vượt qua mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ, ông Cường có phần bình tĩnh hơn khi kể về con trai. Khi phép màu không xảy ra, ông luôn trấn an gia đình và mọi người.

"Thiên tai ập đến sẽ tiềm ẩn mất mát, đau thương. Trong cuộc giải cứu ấy, nếu không có sự dũng cảm, thậm chí hy sinh thì nhiều người gặp nạn cũng khó về. Hải đã nguyện theo đường binh nghiệp thì phải chấp nhận thôi chứ biết sao hả bà", ông Cường động viên vợ rồi lại lặng lẽ ngồi vào góc khuất của ngôi nhà.

Hình ảnh cuối cùng của tướng Man cùng đồng đội ở Rào Trăng Hình ảnh đoàn công tác do thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu trên đường vào Rào Trăng 3, trước khi gặp nạn tại tiểu khu 67.
13 can bo,  chien si hy sinh o Rao Trang anh 4

Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Đoàn Nguyên - Việt Hùng

Bạn có thể quan tâm