Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc gọi 911 và cuộc sống địa ngục trong các kho hàng Amazon

189 cuộc gọi khẩn cấp đã phát đi từ 46 kho hàng Amazon trên khắp nước Mỹ, dấy lên quan ngại về môi trường làm việc tại đây. Tự vẫn và suy sụp tinh thần là điều thường thấy.

  • Có ít nhất 189 cuộc gọi khẩn cấp tới 911 đã được gọi từ bên trong kho hàng Amazon trên khắp nước Mỹ trong giai đoạn 2013-2018.
  • Theo báo cáo, các cuộc gọi nhằm thông báo việc tự tử và suy sụp sức khỏe tinh thần của các nhân viên.
  • Đây không phải lần đầu Amazon là tâm điểm của cuộc thảo luận về môi trường làm việc "địa ngục", nơi nhân viên được xem như robot với 10-12 giây để đóng gói một kiện hàng.

 - Xin chào, Sở Cảnh sát và Cứu hỏa Lebanon. Vấn đề của bạn là gì?

- Xin chào, tôi gọi từ 500 Duke Drive, Lebanon, tòa nhà Amazon. Chúng tôi có một nhân viên đang đe dọa tự vẫn. Cô ấy có kế hoạch rất chi tiết và tôi đã nhìn thấy rất nhiều vết cắt trên tay cô ấy. Hiện cô ấy đang cố gắng rời tòa nhà. Cô ấy cần được trợ giúp y tế, chúng tôi không thể giữ cô ấy ở lại đây.

***

- Phòng cảnh sát xin nghe?

- Xin chào, các anh có thể cử một cảnh sát tới cơ sở của Amazon được không. Chúng tôi vừa phát hiện một nhân viên đã viết thư tự vẫn gửi lại cho các con trong túi của cô ấy.

***

-  Xin chào, chúng tôi có một nhân viên muốn tự sát ở văn phòng mình. Anh ấy đã cố cắt tay 3-4 lần trong tối nay. 

ABC anh 1

Hàng trăm cuộc gọi với những nội dung kinh hoàng như vậy đã phát đi từ các kho hàng Amazon trong 5 năm qua, theo The Daily Beast. Các nhân viên Amazon, cả nam lẫn nữ, được báo cáo trong tình trạng đứng trước bờ vực, và tìm mọi cách tự sát. 

Các cuộc gọi khẩn cấp này đến từ khắp nơi trên khắp nước Mỹ, từ Twinsburg, Ohio; Hebron, Kentucky; Joliet, Illinois đến Chester, Virginia. 

Tháng 12/2016, một nhân viên nữ tại kho ở Hebron, Kentucky đã đe dọa rằng sẽ tự đâm vào bụng mình. Lúc đó, cô đang mang thai. Vì thế, mọi người đều lo sợ rằng cô sẽ làm hại đứa bé.

Cùng tháng, tại Joliet, Illinois, cô gái trẻ 22 tuổi muốn "đâm vào bụng mình". Tháng 1/2015, một nhân viên nữ trẻ tuổi dọa nhảy từ lầu 2 của nhà kho ở Chester, Virginia.

Tiết lộ về nội dung các cuộc gọi khẩn cấp từ các kho hàng Amazon khiến công ty của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos trở thành tâm điểm trong cuộc thảo luận về điều kiện làm việc địa ngục. 

Những robot trong địa ngục cô lập

Các cuộc gọi khẩn cấp được phát đi từ khắp 46 nhà kho ở 17 tiểu bang trên toàn nước Mỹ, chiếm một phần tư số lượng các kho hàng trong toàn nước Mỹ của doanh nghiệp này.

Các nhân viên chia sẻ với The Daily Beast rằng họ đã phải trải qua những áp lực không ngừng khi làm việc tại Amazon. Họ miêu tả môi trường làm việc của họ là nơi mà các nhân viên làm việc như những con robot trong một “địa ngục cô lập”.

Jace Crouch, cựu nhân viên của Amazon tại Lakeland, Florida, nói với giới báo chí rằng: “Mọi người gặp vấn đề sức khỏe tinh thần là chuyện thường xuyên xảy ra ở đây”.

Crouch, người đã phải chịu đựng “cuộc khủng hoảng tinh thần” khi làm việc tại Amazon, nói rằng: "Nhân viên Amazon phải đóng thuế là sức khỏe tinh thần để có thể hoàn thành công việc với tốc độ siêu nhanh trong ca làm việc 10 giờ, bốn hoặc năm ngày một tuần".

Một cựu nhân viên khác từ đến từ kho ở Etna, Ohio cho biết anh ta không thể theo kịp được khối lượng công việc ở đây. “Ngay cả khi đó không phải là lỗi của bạn, thì họ vẫn phớt lờ mọi lời giải thích mà bạn đưa ra” - một nhân viên chia sẻ. Anh ta còn nói thêm rằng anh luôn trong tình trạng “lo sợ” cho chính công việc của mình.

ABC anh 2
Mỗi nhân viên phải đóng 300-400 gói hàng trong một giờ. Ảnh: Getty Images.

Một khi đã bóc lột xong, thì sẽ bị đá ra ngoài. Và thế là cũng mất đi kế sinh nhai.

Có một câu hỏi luôn thường trực trong đầu anh ta: “tôi đã làm hỏng nó hả, tôi đã làm hỏng nó chưa, tôi làm hỏng nó rồi hay sao”, nhân viên Amazon cho biết. Anh còn chia sẻ thêm rằng nó giống như một nỗi lo lắng thường trực vậy.

Năm trong số sáu công nhân của Amazon đã và đang được The Daily Beast phỏng vấn tiết lộ: sau khi họ gặp sự cố tại nơi làm việc, họ đã bị cho nghỉ việc tạm thời để chăm sóc y tế, hoặc cho nghỉ mất sức.

Trong thời gian nghỉ phép đó, họ đã tiến hành đấu tranh để đòi được khoản bồi thường như công ty đã hứa. Và cuối cùng, một số trường hợp đã bị sa thải.

Theo The Daily Beast, trong kỳ nghỉ phép, một số công nhân được hưởng chính sách hỗ trợ của Amazon, bao gồm ba cuộc trò chuyện trao đổi qua điện thoại với các chuyên gia tâm lý.

Nhưng ngay cả khi sử dụng bảo hiểm y tế do Amazon cung cấp thì vấn đề chi phí cũng là một gánh nặng tài chính đối với họ.

Tờ báo Daily Beast cũng đã nói về một sự việc cụ thể: Jonathan Forrest, 36 tuổi, đã tự kết liễu đời mình khi làm việc cho Amazon.

Forrest ban đầu rất hào hứng khi bắt đầu ở vị trí mới với tư cách là nhân viên chọn hàng tại Amazon. Thậm chí anh ta đã đứng ở vị trí thứ 8 trong số 100 người được chọn, công việc của họ là đặt các vật phẩm vào thùng hàng.

Nhưng cha của anh - Butch, cho biết sau vài tháng làm việc, con trai của ông trở nên ghét vị trí mà anh đang làm và bắt đầu đưa ra những ý nghĩ tự tử vào mùa hè năm 2017.

Forrest có đủ tiêu chuẩn để được nghỉ phép và có sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm thần. Bác sĩ đã chẩn đoán anh bị rối loạn lưỡng cực và kê đơn thuốc cho anh.

Ngay sau khi Forrest trở lại làm việc tại nhà kho của Amazon, anh lại bắt đầu nảy ra nhiều ý nghĩ tự tử hơn, theo The Daily Beast.

Sức khỏe tinh thần của anh tiếp tục xấu đi và vào tháng 1 năm 2018, Forrest đã tự kết liễu mạng sống của mình.

Cha của Forrest nói với giới báo chí rằng ông biết con trai mình đã từng phải vật lộn với sự căng thẳng ở nhiều cấp độ; nhưng ông cho rằng việc con trai ông làm việc tại Amazon đóng vai trò chính gây ra nguyên nhân của vụ tự tử này.

Butch nói: “ hi nói đến những ngày lễ, đó sẽ là 5 ngày làm liên tiếp không ngừng nghỉ. Nó đã giết con trai tôi.”

Liên hệ với Amazon để truy xét về các cuộc gọi tới 911, công ty đã trả lời rằng: “Sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi tự hào về cả sự nỗ lực và sự thành công về vấn đề này”.

“Chúng tôi cung cấp các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện từ những ngày đầu tiên để nhân viên có thể được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi họ cần; cả dịch vụ tư vấn miễn phí và bảo mật 24 giờ một ngày; cùng nhiều sự lựa chọn về việc nghỉ phép, tất cả đều bao trọn vấn đề về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần”.

Nỗi lo sợ thường trực và hiện tượng "chai vệ sinh"

Đây không phải là lần đầu tiên Amazon được đưa ra làm tiêu điểm về điều kiện làm việc 'địa ngục' của họ.

Tháng 4 năm ngoái, trong một cuộc khảo sát, có ít nhất 100 công nhân Amazon ở Anh cho biết rằng họ bị trầm cảm và tám trong số những người này nói rằng họ đã nghĩ về việc tự sát.

Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Organize, một chiến dịch dành cho các công đoàn công nhân.

ABC anh 3

James Bloodworth, người làm việc theo ca mười giờ tại một nhà kho ở Rugeley, Staffordshire, đã từng khẳng định rằng các nhân viên đã phải đi tiểu vào trong chai vì họ sợ rằng mình sẽ gặp rắc rối trong khi đi vệ sinh.

Nhà kho ở Rugeley có diện tích khoảng 700.000 m2 và một số trong số 1.200 công nhân nơi đây phải đối mặt với việc mười phút đi bộ quãng đường một phần tư dặm để đến hai nhà vệ sinh ở tầng trệt của tòa nhà bốn tầng.

"Những công nhân như chúng tôi làm việc tại tầng trên cùng, nhà vệ sinh gần nhất cũng cách tới 4 nhịp cầu thang" - Bloodworth cho biết. "Mọi người phải tiểu tiện vào chai bởi họ sợ rằng sẽ bị phạt do dùng quá nhiều thời gian rảnh rỗi hay sợ bị mất việc chỉ vì đi vệ sinh".

Bloodworth tiết lộ thêm rằng các công nhân ở đây đã liên tục bị theo dõi bởi các giám sát viên vì việc họ sử dụng lãng phí thời gian. Thêm vào đó, những tuyên bố nghiêm ngặt về việc sử dụng thời gian cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng “chai vệ sinh”.

Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng ba phần tư số nhân viên tại các cơ sở của Amazon ở Anh đều rất sợ đi vệ sinh vì lo ngại rằng nó sẽ tiêu tốn thời gian làm việc của mình. Một vài nhân viên được phỏng vấn đã nói rằng chỉ tiêu bị đẩy lên rất cao, có người còn không dám cả đi vệ sinh. "Tôi không dám uống nước vì sợ không có cả thời gian đi vệ sinh”.

Tuy nhiên, Amazon đã phản hồi lại những lời nói của Bloodworth và xem đó là những cáo buộc “chỉ đơn giản là không đúng sự thật”.

“James Bloodworth đã làm việc tại Amazon chỉ trong vòng chín ngày đầu năm 2016 với một mục đích duy nhất là viết nên những điều tiêu cực cho cuốn sách của anh ta” - theo một tuyên bố đến từ Amazon.

“Trước khi xuất bản, anh ta đã không có sự nỗ lực nào trong việc tìm kiếm và chứng minh từ Amazon cho bất kỳ hình thức kỷ luật nào mà anh ta khẳng định là đã phải chịu trong thời gian giải lao hay là đi vệ sinh. Thay vào đó thì Bloodworth đã thực hiện mọi nỗ lực để tạo nên sự giật gân bằng những lời buộc tội vô căn cứ hoặc chưa được xác thực, chỉ để cho lợi ích cá nhân của anh ta.

Bloodworth thậm chí còn nói rằng làm việc tại Amazon khiến anh ta bắt đầu phải hút thuốc, mặc dù anh ta nói rằng thời gian nghỉ quá ngắn, và thực tế là nghề nghiệp thực sự của anh ta cũng nói lên một điều rằng anh ta có thể rời đi bất cứ lúc nào.

Những cáo buộc của Bloodworth hết lần này đến lần khác đang hạ thấp những người tận tâm và có chuyên môn làm việc tại Amazon. Đây chỉ là một câu chuyện mang tính chất tiêu cực và mệt mỏi được bịa đặt để bán một cuốn sách. Mặc cho trải nghiệm và quan điểm tiêu cực của anh ta về công ty thì Bloodworth cũng không gặp phải một vấn đề gì khi bán hàng trên Amazon”, bản tuyên bố cho biết.

10-12 giây cho một gói hàng

Tại New York, các công nhân tại kho của Amazon đang thúc đẩy phong trào liên minh để chống lại những gì họ đã tuyên bố là hạn ngạch không công bằng và không đủ thời gian nghỉ ngơi.

Nhân viên tại kho mới của Amazon ở Đảo Staten đã chính thức công bố chiến dịch của họ vào tháng 12, được hỗ trợ bởi Liên minh gồm Cửa hàng Bán lẻ, Bán buôn và Bách hóa.

Họ đã đề ra mối lo ngại về sức khỏe với ca làm việc 12 giờ, đóng gói 240 đến 400 mặt hàng mỗi giờ, trung bình mỗi mặt hàng 10 đến 15 giây.

ABC anh 4
Nhân viên Amazon nói rằng bị xem như những robot.

Một nhân viên ở Staten Island nói rằng: “Nếu xem mỗi nhân viên là người chọn hàng, thì họ yêu cầu người đó cứ sau 7 giây phải chọn được một mặt hàng, lấy được 400 mặt hàng mỗi giờ”.

Trong tuyên bố vào tháng 12, Amazon cho biết: “Chúng tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày để đảm bảo rằng tất cả nhân viên của chúng tôi được đối xử công bằng với nhân phẩm và sự tôn trọng.

Amazon mang tới cơ hội việc làm tuyệt vời với mức lương lý tưởng: 16,25 -20,80 USD cho một giờ làm việc. Bên cạnh đó là các lợi ích toàn diện bao gồm chăm sóc sức khỏe, chế độ nghỉ phép lên tới 20 tuần cho những người chồng có vợ mới sinh, hỗ trợ chi phí giáo dục, và nhiều cơ hội tiềm năng hơn nữa.

Amazon có hơn 150 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn quốc, nơi tiến hành đóng gói và vận chuyển hàng hóa. Các trung tâm này có hơn 125.000 nhân viên làm việc toàn thời gian".

Amazon đã không phản hồi khi được hỏi về môi trường làm việc và áp lực thời gian. Trong khi đó, CEO Jeff Bezos của Amazon vẫn là người giàu nhất thế giới, đứng trước Bill Gates và Warren Buffett, theo danh sách mới nhất của Forbes về những người giàu có.

Theo danh sách được Forbes công bố vào thứ ba tuần trước, Bezos, 55 tuổi, đã kiếm được 19 tỷ USD trong một năm và hiện ông đang sở hữu món tài sản trị giá tới 131 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bezos đã dành ra ít tài sản của mình cho việc từ thiện hơn là Gates, Mark Zuckerberg, hoặc thậm chí là Donald Trump.

Hiện tại, Bezos đang đối mặt với cuộc ly hôn đắt giá với người vợ 25 tuổi -MacKenzie. Theo hồ sơ được công khai cho thấy, người này chỉ dành ra 0,0906% tài sản của mình cho việc từ thiện.

Theo tờ New York Post, ông đã dành ra một phần tải sản trị giá 145 triệu USD để giúp đỡ các hoạt động từ thiện.

Điều đó vẽ ra một con đường vĩ đại phía sau Bill và Melinda Gates, người đã cho đi 37% tài sản của họ và Warren Buffet, người đã quyên góp 36% tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện.

Theo thông tin được tiết lộ cho biết, vào tuần trước, các cộng sự của Bezos đã cố gắng hàn gắn anh ta và vợ bằng một khóa tu trị liệu trị giá 12.500 USD kéo dài một tuần ở Hawaii.





Hương Giang

Bạn có thể quan tâm