Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc giải cứu căng thẳng, tốn kém tại 'điểm nghẹt thở Suez'

Công tác cứu hộ siêu tàu Ever Given diễn ra từ ngày 23/3, ngay sau khi tàu lao vào bờ rồi vắt chéo giữa lòng kênh Suez. Chi phí cứu hộ và thiệt hại từ sự cố ngày càng chồng chất.

Theo Bloomberg, vào sáng 23/3 (theo giờ địa phương), Ever Given và hàng loạt con tàu chở hàng từ nhỏ đến lớn có lịch trình di chuyển qua kênh đào Suez. Trước đó, dự báo thời tiết cho cho biết miền bắc Ai Cập sẽ đón một đợt gió mạnh tới gần 70 km/h kèm theo bão cát.

Trong khi có ít nhất một con tàu trong đoàn quyết định hoãn đi vào kênh, Ever Given vẫn tiếp tục hành trình và không sử dụng trợ giúp từ tàu lai dắt.

7h40 sáng cùng ngày, con tàu khổng lồ mang cờ Panama bị mắc kẹt. Sự việc đã gây chấn động toàn thế giới.

Chệch đường vì gió lớn

Một số nguồn tin của Bloomberg tiết lộ tàu Ever Given không sử dụng phương tiện kéo mà tự di chuyển qua con kênh chật hẹp lúc gió bắt đầu thổi mạnh.

Trong khi đó, tàu Cosco Galaxy - chỉ nhỏ hơn Ever Given một chút - đi ngay phía trước và di chuyển với tốc độ tương tự, bơi qua dễ dàng nhờ sự giúp đỡ của tàu kéo. Tàu Al Nasriyah đi trước Cosco Galaxy cũng được sự hỗ trợ tương tự và băng qua con kênh an toàn.

Sau khi đi vào kênh Suez được khoảng 8 km, tàu Ever Given bị chệch hướng và đi về hướng bên phải. Sau đó, siêu tàu 224.000 tấn hơi nghiêng sang trái rồi bất ngờ bị xoay ngang ra giữa lòng kênh và mắc cạn.

tau ever given bi ket anh 1

Vị trí tàu Ever Given bị mắc cạn. Ảnh: Africa Times.

Hàng trăm con tàu lớn nhỏ vận chuyển đủ mọi hàng hóa đã bị kẹt lại 2 bên bờ kênh sau sự cố của siêu tàu đến từ Panama. Dòng thương mại toàn cầu trị giá 10 tỷ USD mỗi ngày cũng bị ùn ứ.

Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết cơn gió mạnh kèm theo bão cát đã làm giảm tầm nhìn và khiến tàu Ever Given bị mất kiểm soát rồi kẹt ngang giữa lòng kênh. Về phần mình, hãng vận tải Evergreen - công ty vận hành tàu Ever Given - cho rằng con tàu bị kẹt do đi chệch hướng vào lúc gió thổi mạnh.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan quản lý đã cho phong tỏa kênh đào Suez và triệu tập đội ngũ cứu hộ để giải thoát cho con tàu khổng lồ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại.

Tám chiếc tàu kéo hoạt động cật lực để đẩy và kéo tàu Ever Given nhưng vô ích. Trên bờ, hàng loạt máy xúc cũng được triển khai để xới bớt cát ở phía mũi tàu, nhưng trầm tích quá lớn khiến con tàu khổng lồ không thể nhúc nhích.

Cuộc giải cứu căng thẳng và tốn kém

Tới ngày 26/3, các công nhân đã nạo vét được khoảng 20.000 tấn cát quanh mũi tàu Ever Given. Giới chức trách kỳ vọng nỗ lực giải phóng siêu tàu sẽ được khởi động lại vào chiều 27/3 và tập trung vào ngày 28/3, theo Reuters.

Trong khi đó, SCA cho biết sẽ cần hút thêm cát quanh hai bên mạn tàu. Nếu nỗ lực này thành công kết hợp cùng thủy triều dâng cao, con tàu có thể di chuyển sớm hơn dự kiến.

Trước đó, cơ quan này cho biết sớm nhất cũng phải đến thứ 4 tuần này (31/3), tàu Ever Given mới được giải phóng.

tau ever given bi ket anh 2

Mũi tàu Ever Given bị vùi sâu trong cát. Ảnh: Reuters.

Vào chiều 27/3, trong một cuộc phỏng vấn nhanh với báo chí, chủ tịch SCA nói rằng bánh lái và đuôi tàu Ever Given đã di chuyển được một chút, nhưng họ vẫn chưa rõ khi nào mới giải cứu xong con tàu khổng lồ này.

Dù vậy, nguồn tin của Reuters tiết lộ một đại lý vận tải biển ở Port Said nói SCA đã thông báo cho các cơ quan chuẩn bị việc cho tàu thuyền lưu thông trở lại. Một nguồn tin khác lại nói rằng SCA đã vạch ra kế hoạch nhanh chóng đưa hàng trăm con tàu đang xếp hàng chờ thông quan sau khi siêu tàu Ever Given được di dời thành công.

Sáng sớm 28/3, một tàu kéo chuyên dụng mang cờ Hà Lan đã được điều động tới kênh đào Suez để giải cứu Ever Given. Dữ liệu vệ tinh từ trang MarineTraffic.com cũng cho thấy một tàu kéo khác treo cờ Italy đã đến gần Biển Đỏ cách đó vài tiếng.

Trước đó, khoảng 10 tàu kéo chuyên dụng đã có mặt tại kênh đào Suez để tham gia giải phóng siêu tàu đến từ Panama. Nhiều tàu nạo vét làm nhiệm vụ hút cát từ bên dưới và bùn bám vào mạn trái tàu.

Trong trường hợp xấu nhất, các nhà chức trách có thể phải sử dụng tới phương án bốc dỡ container ra khỏi con tàu để làm giảm trọng lượng. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi nhiều phương tiện máy móc phức tạp và cũng kéo dài thời gian phong tỏa của kênh đào.

Nỗ lực thành công sau gần 1 tuần

Sáng sớm 29/3 (theo giờ địa phương), nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape đăng trên Twitter rằng các đội cứu hộ đã giải phóng "một phần" con tàu Ever Given sau gần một tuần bị mắc kẹt tại kênh đào Suez. Thông tin này nhanh chóng được Bloomberg, CNBC và nhiều tờ báo lớn dẫn lại.

Hình ảnh trên các trang web theo dõi tàu hàng cho thấy con tàu mang cờ Panama đã di chuyển khỏi vị trí bị mắc cạn trước đó. Phần mũi tàu bị hư hại, tuy nhiên, con tàu vẫn trong tình trạng ổn định.

Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho biết bước đột phá trong nỗ lực giải cứu tàu Ever Given đến từ việc đội cứu hộ đã giải phóng được 27.000 m3 đất cát bám chặt hai bên mạn tàu. Độ sâu đào vét lên tới hơn 18 m. Có 10 chiếc thuyền tham gia vào chiến dịch giải cứu. Nhờ đó, tàu Ever Given đã nổi "một phần" trên mặt nước.

Dù con tàu khổng lồ đã được thả nổi, chưa rõ lúc nào nhà chức trách địa phương sẽ mở cửa trở lại kênh đào Suez. Việc tiếp tục hành trình của Ever Given cũng cần được cơ quan chức năng cho phép.

Ông Osama Rabie, Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào Suez, tuyên bố: "Đây là thông tin tuyệt vời. Chúng tôi chưa xong việc, nhưng con tàu đã di chuyển được". Ông nói thêm rằng các tàu cứu hộ vẫn đang làm việc để đảm bảo tàu Ever Given có thể di chuyển tự do trên kênh đào Suez.

Trong khi đó, thủy thủ đoàn một số tàu đang chờ bên ngoài kênh Suez cho biết đã nhận được thông báo rằng họ có thể di chuyển ngay trong ngày. "Thông báo từ radio cho biết chúng tôi cần chuẩn bị sẵn sàng để di chuyển", người phụ trách liên lạc của một tàu chở dầu phía sau tàu Ever Given kể.

tau ever given bi ket anh 3

Rạng sáng 29/3 (giờ địa phương), tàu Ever Given đã được thả nổi một phần. Ảnh: Forbes.

Làm lệch dòng thương mại 10 tỷ USD/ngày

Sự cố của tàu Ever Given đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Mỗi ngày có khoảng 50 chuyến vận tải đi qua dòng kênh này, vận chuyển khoảng 12% giá trị thương mại toàn cầu. Dòng thương mại trị giá 10 tỷ USD/ngày theo đó cũng bị đình trệ. Con số này tương đương khoảng 400 triệu USD/giờ.

Theo một báo cáo từ hãng nghiên cứu Allianz Research, sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez kéo dài trong vòng một tuần có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu từ 0,2-0,4%. Thống kê của hãng Kpler cho thấy khoảng 9,8 triệu thùng dầu - chiếm 1/10 lượng tiêu thụ toàn cầu - bị ùn ứ khi đi qua con kênh này.

Theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến thời điểm Ever Given được thả nổi một phần, có hơn 450 con tàu đang kẹt cứng ở vùng Địa Trung Hải và Biển Đỏ chờ thông quan. Con số này thậm chí vượt quy mô của toàn bộ hạm đội hải quân Mỹ. Một số tàu đã chuyển hướng quanh mũi Hảo Vọng của châu Phi để tránh điểm ùn tắc.

Trong số các tàu bị mắc kẹt, số tàu chuyên chở các loại hàng hóa như dầu thô, than đá và quặng sắt chiếm tỷ trọng lớn nhất. Bên cạnh đó, SCA ước tính có khoảng 15 tàu đang chở hàng nghìn gia súc như cừu, bò; trong khi 18 tàu vận chuyển 200.000 loài động vật đang mắc kẹt tại con kênh.

Một số chuyên gia ước tính tổng giá trị hàng hóa đang mắc kẹt trên kênh Suez dao động từ 3 đến 9,6 tỷ USD.

Vụ siêu tàu Panama vận chuyển 18.300 container bị vắt chéo giữa kênh Suez cũng khiến các công ty sản xuất khốn đốn. Hãng Ikea (Thụy Điển) cho biết họ có 110 container chứa trên Ever Given và một số tàu khác bị kẹt trên kênh đào. Tập đoàn Van Rees (Hà Lan) cũng xác nhận còn 80 container trà nằm trên 15 tàu hàng tại điểm tắc nghẽn.

Trong khi đó, theo luật hàng hải, các chủ sở hữu và công ty bảo hiểm của Ever Given có thể phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường bảo hiểm lên tới hàng triệu USD sau khi siêu tàu dài 400 m hoàn toàn được giải phóng, theo Reuters.

Hương Giang

Bạn có thể quan tâm