Diễn ra ngay sau Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc và đúng một năm sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo Mỹ là dịp để ông và Chủ tịch Tập Cận Bình thu hẹp bất đồng và ổn định mối quan hệ Washington - Bắc Kinh, vạch ra lộ trình phát triển quan hệ song phương trong thời đại mới.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang trước chuyến thăm đã tiết lộ rằng chuyến đi lần này của Tổng thống Trump “sẽ có ý nghĩa đặc biệt” và cam kết sẽ biến nó trở thành cuộc gặp lịch sử.
Ông Trump được tiếp đón long trọng
“Ông Tập sẽ đón tiếp ông Trump ở Trung Quốc giống như một vị hoàng đế”. Quả như dự đoán của giáo sư Ming Wang thuộc Đại học George Mason, Bắc Kinh đã tìm cách gây ấn tượng cho nhà lãnh đạo Mỹ bằng những nghi lễ long trọng, thiết đãi theo kiểu biệt lệ trong sự kiện mà họ gọi là "chuyến thăm cấp nhà nước đặc biệt".
Chưa một nhà lãnh đạo nước ngoài nào được tiếp đãi như vậy trong gần 70 năm qua, kể từ khi nhà nước Trung Quốc ra đời vào năm 1949.
Đón Tổng thống Trump và phu nhân tại sân bay là Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, thay vì một lãnh đạo Bộ Ngoại giao như quy định thông thường. Đáng chú ý, ông Dương vừa được bầu vào Bộ chính trị sau Đại hội 19. Việc cử ông ra đích thân đón Tổng thống Trump chứng tỏ Bắc Kinh đang đánh giá rất cao quan hệ với Washington.
Ông Trump cũng là tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc hiện đại có vinh dự dùng bữa tại Tử Cấm Thành.
"Chính quyền Trung Quốc hiểu họ đang đối thoại với ai", nhà sử học tại Bắc Kinh Jeremiah Jenne nhận định trên CNN. Trong khi đó, giáo sư Ming Wang cho rằng Bắc Kinh muốn ông Trump hài lòng bằng cách tiếp đón đặc biệt bởi điều này cũng có lợi cho Trung Quốc.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập cùng 2 phu nhân xem kinh kịch trước khi dùng bữa tại Tử Cấm Thành. Ảnh: New Work Times. |
Nhà phân tích Lu Xiang thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói rằng việc nâng tầm nghi thức chủ yếu nhằm thể hiện thái độ lịch sự của Bắc Kinh với nhà lãnh đạo Mỹ, bất chấp những bất đồng giữa hai bên trong vấn đề thương mại và Triều Tiên.
Ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phục Đán, cho rằng việc cùng thưởng trà trong chuyến thăm Tử Cấm Thành nhằm nhấn mạnh "tình bạn và mối quan hệ công việc giữa ông Tập và ông Trump". "Đây không phải là một hoạt động chính thức, nhưng phản ánh mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo", ông Wu nói.
Giới quan sát ở Trung Quốc nhận định thông qua những hoạt động ít chính thức hơn, Bắc Kinh hy vọng thúc đẩy "tình bạn và mối quan hệ công việc" giữa ông Tập và ông Trump trong những tháng tới.
Thỏa thuận thương mại kỷ lục hơn 250 tỷ USD
Tân Hoa Xã cho hay Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sáng 9/11 chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận trị giá hơn 250 tỷ USD tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
Đây là các thỏa thuận chung trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ và Trung Quốc, từ các dự án khai thác khí tự nhiên cho tới sản xuất xe chạy bằng năng lượng điện.
Tổng thống Trump (trái) phát biểu tại cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty. |
SCMP cho hay nổi bật trong số các hợp đồng khổng lồ về khai thác khí tự nhiên tại Alaska giữa Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc và Mỹ. Một ông lớn về năng lượng khác của Trung Quốc là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cũng đạt thỏa thuận với công ty Cheniere Energy của Mỹ về một hợp đồng cung cấp lâu dài khí tự nhiên hóa lỏng.
Các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD giữa hãng sản xuất máy bay Boeing, tập đoàn đa quốc gia General Electric với các công ty Trung Quốc cũng được ký dịp này. Qualcomm ký các thỏa thuận không ràng buộc trị giá 12 tỷ USD với Xiaomi, OPPO và Vivo. Đây là 3 nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc hợp tác lâu dài với Qualcomm.
"Đây thực sự là một điều kỳ diệu, không chỉ trong lịch sử Mỹ - Trung mà còn đối với cả lịch sử thế giới", Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đánh giá về các gói thỏa thuận.
Bất đồng được xoa dịu nhưng vẫn bế tắc
Về vấn đề thâm hụt thương mại lâu nay gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung và Tổng thống Trump luôn chỉ trích Bắc Kinh, trong cuộc gặp lần này, ông đã tỏ ra khá mềm mỏng.
Trong bài phát biểu tại Bắc Kinh hôm 9/11, Tổng thống Trump nói quan hệ thương mại giữa hai nước từ lâu đã là "quan hệ một chiều và bất công". Mặc dù vậy, ông chủ Nhà Trắng cho biết không đổ lỗi cho Bắc Kinh về chênh lệch trong cán cân thương mại Trung - Mỹ hiện tại.
"Tôi không trách Trung Quốc", ông Trump nói. Tổng thống Mỹ giải thích rằng ông xem vấn đề thâm hụt mậu dịch khổng lồ với Trung Quốc là lỗi của các chính quyền Mỹ tiền nhiệm.
Đáp lại, Chủ tịch Tập nhấn mạnh Trung Quốc "sẽ không bao giờ thu hẹp hay đóng cửa". “Tôi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Mỹ, đồng thời mời thêm công ty Mỹ tham gia Vành đai - Con đường”, ông Tập nói.
Lãnh đạo Trung Quốc cho hay cần phải có thêm nhiều các cuộc thảo luận sâu sắc về thương mại cũng như dỡ bỏ các hạn chế trong đầu tư giữa hai nước.
Tổng thống Trump cho rằng quan hệ thương mại giữa hai nước "một chiều và bất công" nhưng không đổ lỗi cho Bắc Kinh về chênh lệch trong cán cân thương mại. Ảnh: Getty. |
Về vấn đề hóc búa Triều Tiên, một trọng tâm của thượng đỉnh Mỹ - Trung, trước khi tới Trung Quốc, ông Trump đã ngầm chuyển tới Bắc Kinh thông điệp mạnh mẽ khi phát biểu tại Hàn Quốc. Ông kêu gọi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn và cô lập Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp ngày 9/11, tổng thống Mỹ dịu giọng hơn rất nhiều. Ông cảm ơn Trung Quốc vì nỗ lực hạn chế thương mại và cắt mọi quan hệ ngân hàng với Triều Tiên. Cả hai lãnh đạo đều ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thống nhất cần phải có những biện pháp khẩn cấp để ngăn cản Bình Nhưỡng tiếp tục các hành động khiêu khích.
Mặc dù vậy, ông Trump và ông Tập vẫn còn mâu thuẫn về việc nên xử lý thách thức này theo hướng nào. Tổng thống Trump kêu gọi Trung Quốc "hành động nhanh hơn và hiệu quả hơn” trong việc ngăn chặn chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.
"Trung Quốc có thể xử lý vấn đề này dễ dàng và nhanh chóng. Tôi kêu gọi Trung Quốc và ngài chủ tịch vĩ đại của các bạn nỗ lực xử lý vấn đề này", ông Trump nói. "Nếu ông ấy (Tập Cận Bình) thật sự cố gắng thì điều đó (việc phi hạt nhân hóa) sẽ xảy ra".
Trong khi đó, ông Tập khẳng định cần phải có một giải pháp đối thoại dành cho cuộc khủng hoảng.
Sau các cuộc trao đổi với Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập cho hay ông và lãnh đạo Mỹ đã đạt được sự đồng thuận về nhiều vấn đề. “Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở điểm khởi đầu mang tính lịch sử mới”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.
Ông Trump thì khen ngợi ông Tập, gọi chủ tịch Trung Quốc là “một người đàn ông rất đặc biệt”. Bất chấp rào cản về ngôn ngữ, hai nhà lãnh đạo tương tác khá tự nhiên, thoải mái, thường xuyên cười nói vui vẻ và liên tục nhấn mạnh về tình bạn ngày càng tốt đẹp cũng như "sự tôn trọng lớn lao" dành cho nhau.
Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, Tổng thống Trump được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón bằng nghi lễ long trọng, đặc biệt chưa từng có trong gần 70 năm. Ảnh: Getty. |
"Mỹ và Trung Quốc, hai nước một thời từng thù địch, nay cùng nhau phát triển trong một cộng đồng với những lợi ích hội tụ", Chủ tịch Tập Cận Bình nói.
"Vì nhân dân của đất nước Trung Quốc và vì tình hữu nghị chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong nhiều năm tới", Tổng thống Trump đáp lại.