Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc gặp của mẹ con tử tù 9X trước ngày tiêm thuốc độc

Bên ngoài song sắt, người mẹ cố gắng đứng sát lại để nhìn mặt con cho rõ hơn. Bà khóc cạn nước mắt, nghẹn lời không nói được gì nhiều kể từ khi thấy cán bộ trại dẫn con mình vào phòng thăm gặp.

Cuộc gặp của mẹ con tử tù 9X trước ngày tiêm thuốc độc

Bên ngoài song sắt, người mẹ cố gắng đứng sát lại để nhìn mặt con cho rõ hơn. Bà khóc cạn nước mắt, nghẹn lời không nói được gì nhiều kể từ khi thấy cán bộ trại dẫn con mình vào phòng thăm gặp.

Đẫm nước mắt chứng kiến cuộc thăm gặp của 2 mẹ con tử tù

Dù đường sá xa xôi, nhà tận xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), cách TP. Vinh cả trăm km, nhưng mới tờ mờ sáng, trời mưa tầm tã, bà Nguyễn Thị Sơn (SN 1969) cùng đứa con út đã có mặt trước cổng trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An để mong được gặp đứa con tử tù.

Hai mẹ con, anh em tử từ Lê Ngọc Quân gặp nhau trong phòng thăm gặp. Họ khóc thì nhiều mà nói chẳng được bao nhiêu.

Nét mặt buồn nhìn vô định, bà chậm rãi nói về con mình: “Lê Ngọc Quân (SN 1991) là con thứ 2 trong gia đình. Năm 2009, Quân thi đậu vào trường đại học Y Khoa Vinh. Chưa học xong thì Quân đã gây ra án mạng tày đình khi giết chết bạn gái học cùng trường tên là Thái Thị Thanh, quê ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) rồi tự sát nhưng bất thành”.

Quân dùng dao đâm chết Thanh vì cho rằng cô này đã hết “yêu” mình. Sau thời gian tạm giam, Lê Ngọc Quân bị tòa kết án tử hình vào năm 2011. Hơn 2 năm sau ngày vào phòng biệt giam, giờ đây, hơn ai hết, Quân nhận thức được việc làm sai trái của mình. Từng ngày, từng giờ tử tù 9X này mong muốn được có cơ hội để chuộc lại lỗi lầm, nhưng hy vọng đó rất mong manh.

Đang mải nhớ về quá khứ lỗi lầm của Quân, bà Sơn vội liếc nhìn chiếc điện thoại rồi bảo đã đến giờ thăm gặp phạm nhân. Bà vội vàng vào làm thủ tục rồi tới phòng thăm gặp chờ nhìn mặt đứa con của mình.

Một lúc sau, Quân được 2 cán bộ trại giam dẫn vào phòng, nhìn thấy con từ đằng xa, bà Sơn cùng đứa con út cố gắng đứng sát vách ngăn để nhìn rõ đứa con tử tù. Hai mẹ con, anh em gặp nhau, nước mắt giàn dụa, những khuôn mặt như dán vào khung sắt phía trước để có thể nhìn nhau rõ hơn.

Sau những câu hỏi thăm sức khỏe mọi người, tử tù Quân bỗng dưng không cầm được nước mắt khi nhớ lại tội lỗi mình đã gây ra: “Con xin lỗi mẹ và em, con đã làm một việc sai trái để giờ phải trả giá như thế này. Con đã làm khổ bố mẹ, các anh chị em nhiều lắm. Giờ con ân hận lắm nhưng e là đã quá muộn rồi mẹ ơi!”. Quân khóc to hơn làm bà Sơn cùng đứa con gái út cũng không cầm nổi nước mắt.

Qua những lời tâm sự, bà không trách gì con mà chỉ trách số phận. Rồi những kỷ niệm ùa về, hai mẹ con họ kể cho nhau nghe những câu chuyện diễn ra thường nhật nhưng đối với những tử tù như Quân thì quả là quá xa vời.

Quân cũng cho mẹ biết cuộc sống nơi trại giam của mình, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cán bộ trại nên em cũng bớt phần cô đơn. Là tử tù nhỏ tuổi nhất, nên Quân thường được các đàn anh ưu tiên mỗi khi có quà thăm gặp hoặc có gì đều chia sẻ với cậu. Quân còn khoe với mẹ mới được một anh cho cái đài nghe thời sự nên phần nào đỡ cô đơn hơn.

Nhìn đứa con gầy yếu, hai chân bị cùm xích, bà Sơn ước gì mình sẽ có một phép màu để giảm án cho con, để Quân sớm được về đoàn tụ với gia đình, anh em, bạn bè. Bà biết đó chỉ là một điều ước rất xa vời với thực tế.

Thời gian cho phép thăm gặp cũng hết, hai mẹ con bà Sơn như dán mắt vào nhau không muốn xa rời. Quân được cán bộ trại dẫn về phòng, cậu cố ngoái lại nhìn mẹ đang đứng trân người dựa vào khung sắt. Cô con út thấy anh bị dẫn đi vội vàng chạy đến cửa chính nhìn theo đến khi dáng anh trai khuất dần rồi mất hút.

Bà Sơn và đứa con út lặng người nhìn Quân rời khỏi phòng thăm gặp.

Khoảnh khắc hai mẹ con, anh em gặp nhau nhanh chóng tan biến, bà Sơn lại ôm mặt khóc trong phòng thăm gặp làm đứa con gái út cũng khóc theo. Chứng kiến cảnh đó, không chỉ nhiều người đứng chờ thăm gặp người thân mà chính những cán bộ trại giam cũng không cầm được lòng.

Bố mẹ bị hại viết đơn xin tha tội chết cho kẻ giết con mình

Dù chỉ là một tia hi vọng nhỏ nhoi, nhưng bà Sơn tâm sự bà vẫn hy vọng con mình được Chủ tịch nước tha tội chết và xa hơn là trở về bù đắp lại nỗi đau cho người thân của Thanh. “Từ ngày Quân bị kết án tử và đưa vào phòng biệt giam, không đêm nào tôi được yên giấc. “Con dại cái mang”, tôi không trách gì Quân có suy nghĩ nông nổi dẫn đến hành động đáng tiếc. Giờ đây, tôi chỉ mong con mình được nhà nước ân xá để sống tiếp. Nó còn quá nhỏ, tương lai còn xa vậy mà... . Giá như tôi được chết thay nó thì tôi cũng sẵn sàng”, bà Sơn nói trong nước mắt.

Vợ chồng ông Quang, bà Xoan dù mất con nhưng họ vẫn tràn đầy lòng vị tha, mong cho Quân được thoát án tử.

Không chỉ bà Sơn mà chính bố mẹ của Thanh dù thương con bị chết oan nhưng họ vẫn phần nào hiểu được nỗi lòng của người làm cha, làm mẹ. Từ sự hận thù, giờ đây, bằng tình yêu thương và lòng bao dung, bà Xoan, ông Quang (bố mẹ của Nguyễn Thị Thanh) cũng mong muốn Quân được giảm án để có cơ hội làm lại.

“Cái Thanh nó mất rồi, hãy để cho nó yên nghỉ, bây giờ còn thằng Quân, dù rằng hành động của nó độc ác thật, nhưng nó còn trẻ, nó còn tương lai nên phải cứu lấy nó. Hôm thấy mẹ Quân xuống nhà, bà ấy khóc mà tôi cũng thấy xót”, bà Xoan tâm sự.

Chính từ sự bao dung đó, sau khi biết tòa tuyên án tử hình bị cáo Quân, vợ chồng bà đã từng viết đơn xin giảm án cho Quân dù điều đó đã muộn. Bà nói giờ bà xem Quân như một đứa con trong nhà nên nếu Quân bị tử hình thì bà cũng đau xót như mất thêm một đứa con nữa.

Những lá thư đơn giảm án được chính ông Quang, bà Xoan viết ra để xin tha tội chết cho Quân.

Ba lá đơn được chính tay vợ chồng bà Xoan viết, là chừng ấy niềm tin mà vợ chồng ông bà gửi đi để mong Quân thoát án tử. Ôm di ảnh của Thanh trong tay, ông Quang nghẹn ngào chia sẻ: “Thời gian trước, tôi rất căm thù Quân và gia đình của nó, cứ nhắc lại chuyện là tôi thấy đau. Con gái mất đi, chưa một đêm nào tôi ngủ yên giấc. Phải mất rất nhiều thời gian, tôi mới nguôi ngoai và tha thứ được cho thằng Quân. Tôi nghĩ, cái Thanh nó cũng suy nghĩ giống bố mẹ mà thôi”.

Chưa bao giờ chúng tôi thấy bố mẹ người bị hại lại bịn rịn nắm tay chúng tôi gửi gắm nguyện vọng hãy tìm mọi cách để cứu lấy kẻ đã giết con mình. Tha thứ cho chính kẻ giết chết con mình đã khó, nay ông bà lại cố gắng làm mọi cách để cứu sống tử tù Lê Ngọc Quân thì chắc ai cũng phải cảm phục.

Phạm Hòa

Theo Infonet

 

Phạm Hòa

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm