Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc gặp cấp cao chưa diễn ra, Mỹ - Trung đã mâu thuẫn về cách gọi tên

Trong khi Trung Quốc gọi cuộc gặp ngày 18-19/3 là "đối thoại chiến lược cấp cao", chính quyền Mỹ cho rằng họ chưa định khởi động lại các cuộc gặp thường xuyên như trong quá khứ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì - hai nhà ngoại giao số 1 của Mỹ và Trung Quốc - sẽ có cuộc gặp đầu tiên tại Anchorage, Alaska.

Đây cũng là cuộc gặp ngoại giao cấp cao Mỹ - Trung đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh hai nước đang bất đồng từ an ninh quốc gia, thương mại đến kinh tế và nhân quyền.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc đang có cách nhìn khác nhau về tính chất cuộc tiếp xúc lần này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Nhận được lời mời từ Mỹ, Trung Quốc sẽ có cuộc đối thoại chiến lược với các quan chức cấp cao Mỹ trong những ngày tới”.

Cụm từ "đối thoại chiến lược cấp cao" mà ông Zhao nhắc đến làm người ta nhớ đến Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung được tổ chức dưới thời Tổng thống Barack Obama và Đối thoại Kinh tế Chiến lược trước đó dưới thời Tổng thống George W. Bush.

doi dau My - Trung anh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bên phải) trong lễ khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung tại Bắc Kinh năm 2016. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, việc ông Triệu xác định cuộc gặp là "đối thoại chiến lược" mâu thuẫn trực tiếp với phát biểu của ông Blinken tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 10/3.

Trong phiên điều trần, Ngoại trưởng Blinken tỏ ý rằng cuộc gặp với Trung Quốc tại Alaska không đồng nghĩa cả hai nước sẽ duy trì các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên như dưới thời các chính quyền tiền nhiệm.

"Đây không phải là một cuộc đối thoại chiến lược", ngoại trưởng Mỹ nói. “Tại thời điểm này, (chúng tôi) không có ý định cho một loạt các cuộc gặp tiếp theo. Những cuộc gặp đó, nếu có, phải dựa trên đề xuất rằng chúng ta đang thấy được tiến bộ cụ thể,” ông Blinken nói.

Nikkei Asia nhận định thay vì là cuộc đối thoại chiến lược nhằm đạt được các cam kết, cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ - Trung được kỳ vọng là cơ hội để giúp hai nước có thể hiểu nhau “sâu sắc hơn” và tránh những bước đi sai lầm.

Trên thực tế, với tư cách là thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Obama và từng tham gia vào Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung trước đây, ông Blinken tỏ ra nghi ngờ về kết quả của cuộc đối thoại như vậy.

Khi đó, phần lớn những vấn đề quan ngại do Washington đề xuất đều bị Trung Quốc phớt lờ, bao gồm cả yêu cầu ngừng quân sự hóa Biển Đông và tấn công mạng nhằm vào các tập đoàn Mỹ.

Nhiều người ở Mỹ cho rằng các cuộc đối thoại chỉ giúp Bắc Kinh có thêm thời gian xây dựng sức mạnh quốc gia để thách thức Washington.

Căng thẳng vẫn dâng cao

Ngay cả khi hai nước đang chuẩn bị cuộc gặp mặt, căng thẳng vẫn tiếp tục dâng cao ở eo biển Đài Loan.

Khu vực này được xem là “điểm nóng nhất” trong các vấn đề bất đồng giữa hai nước.

Vào ngày 10/3, Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John Finn của lực lượng này đã tiến hành "chuyến đi thường lệ qua eo biển Đài Loan”. Đây là chuyến đi thứ ba của tàu hải quân Mỹ qua eo biển kể từ khi ông Biden nhậm chức.

"Chuyến đi của tàu qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", hạm đội cho biết. "Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu, máy bay và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu mà luật quốc tế cho phép”.

doi dau My - Trung anh 2

Tàu khu trục hạm USS John Finn băng qua eo biển Đài Loan ngày 10/3. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trung Quốc vốn coi Đài Loan là một tỉnh trong lãnh thổ của mình và coi đó là "lợi ích cốt lõi" mà nước này không bao giờ có thể thỏa hiệp. Vì vậy, nước này đã thể hiện sự bất bình trước động thái của Mỹ .

Vào ngày 11/3, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc biết họ đã huy động lực lượng để theo dõi và giám sát các hoạt động của tàu John Finn khi tàu này đi qua eo biển. Quân đội Trung Quốc cũng phản đối chuyến đi này.

Không nhượng bộ Bắc Kinh

Trong phiên điều trần tại Hạ viện ngày 10/3, ​​Hạ nghị sĩ Scott Perry, một đảng viên Cộng hòa từ Pennsylvania, hỏi Ngoại trưởng Blinken rằng liệu ông có dự tính nhượng bộ Bắc Kinh để hợp tác trong các vấn đề như chống biến đổi khí hậu không.

Ông Blinken đã trả lời dứt khoát là không.

Dù là đối với Trung Quốc "hay bất kỳ quốc gia nào khác, công việc của chúng tôi là đảm bảo rằng chúng tôi đang thúc đẩy lợi ích và các giá trị của Mỹ", ông Blinken nói.

doi dau My - Trung anh 3

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: CNN.

“Đặc biệt, xét về mặt quân sự, ngoại giao và kinh tế, Trung Quốc có đủ khả năng làm suy yếu hệ thống luật lệ quốc tế mà Mỹ đã dành nhiều công sức xây dựng”, ngoại trưởng Mỹ nói thêm.

Giữa bối cảnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đưa ra một danh sách về những gì Mỹ “cần làm”.

"Chúng tôi yêu cầu Mỹ nhìn nhận Trung Quốc và mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ một cách khách quan và hợp lý, từ bỏ tư tưởng Chiến tranh Lạnh và ‘trò chơi tâm lý có tổng bằng không’...” ông nói.

Thuật ngữ “trò chơi có tổng bằng không” nhằm ám chỉ việc một trong hai nước sẽ thu được lợi ích chỉ khi nước còn lại bị thiệt hại tương đường.

Quan chức ngoại giao Mỹ, Trung gặp nhau tuần tới ở Alaska

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ hội đàm với các quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì và Vương Nghị, tại Alaska vào tuần tới.

Trực thăng thủy quân lục chiến Mỹ cất cánh giữa eo biển Đài Loan

Hải quân Mỹ cho tàu khu trục di chuyển qua eo biển Đài Loan trong ngày 10/3, "thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở".

Minh An

Theo Nikkei Asia

Bạn có thể quan tâm