Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc gặp bước ngoặt tại trụ sở NATO

Các quan chức quốc phòng chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí của hơn 40 quốc gia đã thảo luận về cách tăng cường sản xuất trước một cuộc xung đột có thể kéo dài nhiều năm.

Các binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo do Mỹ cung cấp ở khu vực Kharkiv vào tháng 7. Ảnh: AP.

Hôm 28/9, các quan chức quân sự từ hơn 40 quốc gia đã tập trung tại trụ sở của NATO ở Brussels để thảo luận về cách chính phủ của họ có thể tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược.

Theo New York Times, đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh tin rằng cuộc giao tranh ở Ukraine sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Thông thường, các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự hàng đầu của các quốc gia thuộc Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine vẫn họp hàng tháng để xem xét các nhu cầu từ Kyiv cũng như thể hiện cam kết hỗ trợ.

Nhưng hôm 28/9 là lần đầu tiên các quan chức chính phủ chịu trách nhiệm mua vũ khí - còn được Lầu Năm Góc gọi là "giám đốc vũ khí quốc gia" - gặp nhau. William A. LaPlante, quan chức phụ trách mua sắm trang bị của Lầu Năm Góc, dẫn đầu phiên họp kín.

Các nước nào nằm trong nhóm?

Trước đó, vào ngày 26/4, hơn 40 quốc gia đã tham dự cuộc họp khai mạc của Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức. Trong số đó bao gồm tất cả quốc gia trong NATO, một số quốc gia châu Âu kỳ vọng sẽ tham gia khối và 8 nước khác được gọi là "các đồng minh lớn không thuộc NATO" từ châu Phi, Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương. Kể từ đó, một số quốc gia từ châu Mỹ cũng đã ký kết.

Tại sao cuộc gặp lại quan trọng?

Ưu tiên hàng đầu của các cuộc gặp mặt, thảo luận vẫn là tăng lượng đạn dược cho pháo binh Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết.

Bên cạnh đó, một quan chức NATO khác nhấn mạnh các đại biểu cũng nói về những khoảng trống trong kho dự trữ vũ khí và cách điều phối sản xuất để nhanh chóng lấp đầy chúng, sau khi họ dự đoán cuộc xung đột sẽ bước vào thời điểm quan trọng trong những tháng tới.

Người này không nói cụ thể loại vũ khí nào có thể được gửi tới Ukraine trong thời gian tới. Các quan chức Mỹ cũng không đưa ra bình luận về các cuộc thảo luận.

Các quốc gia thành viên NATO có đủ vũ khí để phòng thủ và răn đe trước các mối đe dọa, nhưng cuộc xung đột cường độ cao ở Ukraine đã buộc họ phải xem xét kỹ hơn về các kho dự trữ.

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cung cấp cho Ukraine gần 16 tỷ USD hỗ trợ an ninh, bao gồm 21 gói viện trợ quân sự riêng biệt từ các kho dự trữ của Lầu Năm Góc.

Mới đây, các quan chức Lầu Năm Góc cho hay Mỹ cung cấp lượng đạn dược cho Ukraine nhiều gấp 3 lần so với tất cả thành viên khác trong Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine cộng lại. Nhưng các quốc gia khác cũng đang có những đóng góp đáng kể.

Ông LaPlante nói với các phóng viên trong tháng này rằng Lầu Năm Góc sẽ mua thêm 250.000 quả đạn pháo 155 mm cho Ukraine từ một số công ty trên thế giới. Douglas R. Bush, trợ lý bộ trưởng Lục quân Mỹ về mua sắm, hậu cần và công nghệ cho biết những quả đạn pháo này đến từ 5 quốc gia khác nhau.

AFP đánh giá việc viện trợ quân sự cho Ukraine đã làm tiêu hao một lượng lớn đạn dược mà các nước NATO dự trữ để tự vệ. Trước đó, vào tháng 7, Drive dẫn tin từ một quan chức Mỹ, tiết lộ lực lượng Ukraine tiêu thụ 3.000 quả đạn pháo 155 mm/ngày.

Bên cạnh đó, một số trang thiết bị mà Ukraine cần cũng đã lỗi thời, trong khi tình trạng thiếu vòng bi, linh kiện điện tử và các mặt hàng khác đang tạo ra sự chậm trễ trong sản xuất ở Mỹ.

Giải pháp nào cho phương Tây?

Trong bối cảnh đó, Mỹ đang cố gắng giải quyết những vấn đề bằng cách tăng cường sản xuất, đồng thời cho hay Lầu Năm Góc sẵn sàng áp dụng các giải pháp được đưa ra bởi các quốc gia khác - những nước có thể đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự.

Các quan chức NATO cũng mô tả một số biện pháp ngắn hạn, bao gồm thỏa thuận giữa nhiều quốc gia để mua thêm đạn dược, phần lớn là để lấp đầy kho dự trữ bị giảm sút do cuộc xung đột.

Một quan chức NATO nhận định nếu các đồng minh hiểu họ có thể làm việc cùng nhau để sản xuất thêm vũ khí cho mình, điều đó sẽ khiến họ tự tin để tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong những tháng tới.

Ông nói rằng động thái này cũng sẽ đóng vai trò trong nỗ lực lâu dài hơn để củng cố và chia sẻ các loại bom đạn, đồng thời điều chỉnh chúng tương thích với các hệ thống vũ khí xuyên biên giới.

Liệu Ukraine có thể tiếp nhận nhiều loại vũ khí từ các nước khác nhau?

Là một nước thuộc Liên Xô cũ, Ukraine đã xây dựng quân đội của mình dựa trên các loại vũ khí do Nga sản xuất.

Nhưng kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý ở bán đảo này, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã bắt đầu gửi vũ khí đến nước này.

Vì vậy, trong khi các lực lượng vũ trang của Ukraine vẫn vận hành nhiều trang thiết bị từ thời Liên Xô như súng trường tấn công, pháo, xe tăng và máy bay chiến đấu, họ đã bắt đầu tiếp nhận vũ khí mà các nước NATO sử dụng trước khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2.

Không phải các nước NATO đều có vũ khí giống nhau, nhưng vũ khí của các nước này tương thích với nhau. Vì vậy, đạn dược được sản xuất tại một quốc gia trong NATO có thể được sử dụng bởi quốc gia khác.

Điều này xuất phát từ những năm 1950, khi châu Âu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba tiềm tàng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương mới được thành lập đã làm việc để tiêu chuẩn hóa các cỡ đạn nhất định, nhằm đảm bảo quốc gia thành viên có thể chia sẻ nguồn cung cấp vũ khí như súng trường và súng máy.

Sau đó, vì các lý do chính trị cũng như chi phí, chất lượng và hiệu suất, nhiều quốc gia không thuộc NATO đã áp dụng cái gọi là vũ khí tiêu chuẩn NATO, đồng nghĩa nhiều vũ khí trong các kho dự trữ trên khắp thế giới có thể được gửi đến Ukraine.

Hiện có tới hàng chục quốc gia NATO và không thuộc NATO chế tạo các loại đạn dược sử dụng cho các thành viên của liên minh. Luật liên bang ngăn Washington tiết lộ thông tin họ đã được cấp giấy phép sản xuất vũ khí do Mỹ thiết kế cho những nước nào, nhưng gần 20 quốc gia đã chế tạo loại đạn pháo 155 mm mà Ukraine cần.

Ukraine bắn cháy UAV Iran do Nga sử dụng Quân đội Ukraine vừa chia sẻ một video ghi lại cảnh phá hủy UAV được cho là Shahed-136 do Iran chế tạo và quân đội Nga sử dụng tại khu vực Dnipropetrovsk.

Mỹ công bố gói viện trợ 1,1 tỷ USD cho Ukraine

Lầu Năm Góc ngày 28/9 cho biết sẽ viện trợ thêm 1,1 tỷ USD vũ khí cho Ukraine, trong đó nổi bật là việc chuyển giao 18 hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS).

Nga công bố kết quả sơ bộ trưng cầu dân ý của 4 vùng Ukraine

Moscow công bố kết quả sơ bộ từ các cuộc trưng cầu dân ý ở 4 vùng Ukraine cho thấy đại đa số phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga dù Kyiv phản đối mạnh mẽ việc này.

Minh An

Bạn có thể quan tâm