Cuộc đua siêu thanh sau thế hệ Concorde
Hơn 3 thập qua, máy bay siêu thanh Concorde là đại diện cho đỉnh cao của ngành công nghiệp vận tải hàng không, với khả năng di chuyển nhanh gấp 2 lần vận tốc âm thanh (2.400 km/h).
Được coi là kỳ quan công nghệ hàng không, những chiếc máy bay Concorde có thể đi từ London (Anh) tới New York (Mỹ) trong vòng 3 giờ, nhanh gấp đôi so với những phi cơ chở khách hiện đại nhất hiện nay. Tốc độ bay vượt trội cho phép nó “làm mưa làm gió” trên bầu trời châu Âu, châu Mỹ và nhiều nơi khác trên địa cầu.
Aerion SBJ, máy bay chở khách siêu âm với 8 – 12 ghế ngồi có thể được đưa vào hoạt động năm 2020. |
Tuy nhiên, sự cố thảm khốc năm 2000 với một chiếc Concorde của hãng hàng không Pháp Air France, giết chết 100 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn khiến biểu tượng của ngành công nghiệp hàng không bị lung lay rồi đổ sập. Chi phí vận hành cao nhưng số lượng hành khách ngày một teo tóp khiến phi đội Concorde của Air France và Bristish Airways lâm vào cảnh bi đát và bị đình chỉ 3 năm sau đó.
Một góc nhìn khác của Aerion SBJ. Nếu trở thành hiện thực, những phi cơ loại này sẽ di chuyển với tốc độ Mach 1,6 nhưng có thể hoạt động tốt ở cả tốc độ cận âm và tốc độ âm thanh. |
Không ít người đam mê công nghệ và tốc độ tiếc cho Concorde, biểu tượng mà họ vẫn tôn thờ. Tuy nhiên, giấc mơ bay siêu âm của họ vẫn chưa kết thúc. Các nhà sản xuất máy bay hàng đầu như Boeing, Lockheed Martin và Aerion vẫn đang miệt mài bên những thiết kế máy bay phản lực chở khách siêu âm và tham vọng đưa chúng vào vận hành trong đầu năm 2020.
Phối cảnh bên trong một chiếc Aerion SBJ. |
Chuyên gia công nghiệp Joe Lissenden, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ và Tư vấn Quốc phòng Mỹ tiết lộ, một thế hệ máy bay vận tải hành khách siêu thanh mới đang được hoàn tất và sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Những cải tiến công nghệ “quan trọng” giúp những chuyến bay siêu âm trong tương lai trở nên khả thi và an toàn hơn rất nhiều so với thế hệ trước đó.
Một mẫu máy bay chở khách siêu âm của Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). |
Theo Lissenden, thách thức lớn nhất của những chuyến bay vận tải siêu âm là chi phí nhiên liệu. “Chuyến bay với thời gian ngắn sẽ tiêu thụ nhiều nhiên liệu, khiến giá vé trở nên đắt đỏ. Tuy nhiên, đây là phương thức đi lại cao cấp và hành khách buộc phải trả giá cao để sử dụng chúng”, Lissenden nhận định.
Những máy bay của JAXA sẽ giảm thiểu độ ồn và sự tiêu tốn nhiên liệu, tiêu chí hàng đầu đối với các sản phẩm của Nhật Bản. |
Ngoài ra, những máy báy siêu thanh vẫn đang phải vật lộn với rào cản khí thải, tiếng ồn phát ra khi cất và hạ cánh, khoảnh khắc chiếc phi cơ phá vỡ rào cản âm thanh và lượng lớn sóng sung kích tạo ra khi di chuyển với tốc độ siêu thanh. Peter Coen, người chịu trách nhiệm giai đoạn phá vỡ rào cản âm thanh, thuộc chương trình hàng không cơ bản của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định, chúng tôi có thể phá vỡ rào cản âm thanh và vượt qua nó.
Mẫu máy bay chở khách siêu âm của Boeing. |
Coen cho biết, bộ phận của ông tập trung nghiên cứu nhằm tìm và giải quyết những vấn đề xảy ra khi các máy bay chở khách phá vỡ rào cảnh âm thanh lần đầu tiên bởi: “Nếu bạn không thể phá vỡ được rào cản âm thanh, sẽ không một chiếc máy bay siêu âm nào có thể xuất xưởng”.
Mẫu máy bay siêu âm chở khách của Lockheed Martin. |
Không chỉ có NASA mà Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng tham vọng phát triển một loại phi cơ chở khách siêu âm với độ ồn thấp, thân thiện với môi trường và quan trọng nhất là đưa vào hoạt động ngay trong thập kỷ này. Masahisa Honda, phát ngôn viên của JAXA cho biết, một máy bay phản lực vận tải siêu thanh sẽ được cơ quan này tung ra thị trường sau năm 2015.
Một mẫu phi cơ siêu thanh được thử nghiệm bên trong hầm gió của NASA. |
Trịnh Duy
Theo Infonet