"Tôi làm nhiệm vụ bảo vệ và yểm trợ cho lực lượng không quân đang bảo vệ lực lượng mặt đất. Tôi tập trung vào việc tiêu diệt tên lửa và lực lượng hàng không của đối phương. Dù không thể tiết lộ số lượng, tôi đã bắn hạ nhiều tiêm kích Nga", Andriy, một phi công người Ukraine lái chiến đấu cơ Su-27, khẳng định với CNN.
Phi công Andriy, thuộc lực lượng không quân Ukraine. Ảnh: CNN. |
Ban đầu, Moscow được cho là sẽ sớm "làm chủ" bầu trời Ukraine trong một vài ngày, nhờ có số lượng tiêm kích hiện đại lớn hơn nhiều so với Kyiv. Không nơi nào có sự chênh lệch lực lượng giữa Nga và Ukraine rõ rệt hơn trận địa trên không.
Tuy nhiên, sau một tháng giao tranh, chiến đấu cơ của Ukraine vẫn “gầm rú” khắp bầu trời, giống như chiếc máy bay đã cắt ngang cuộc trò chuyện của Andriy với CNN.
“Ban đầu, họ thành công nhờ có lực lượng lớn, nhưng tình hình đang trở nên tốt hơn. Chúng tôi đang bắn hạ họ”, Andriy nói, yêu cầu các phóng viên không tiết lộ danh tính đầy đủ, cấp bậc và vị trí của anh để đảm bảo an toàn.
Chiến thuật tinh vi
Cho đến nay, Andriy và đồng đội của mình vẫn có thể cầm cự trước ưu thế rõ rệt của Nga nhờ các kế hoạch và chiến thuật tinh vi. Andriy không thể kể chi tiết những chiến lược đó là gì, nhưng nói rằng chúng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Ukraine và việc chấp nhận rủi ro cao.
“Các phi công Nga lái máy bay phản lực hiện đại hơn và họ có khả năng bắn tên lửa ở khoảng cách xa hơn nhiều so với chúng tôi. Ví dụ, để ngăn chặn tên lửa được bắn ở khoảng cách 80 km, chúng tôi phải tiếp cận ở cự ly 40 km. Nếu tên lửa đã được phóng ra, bằng cách nào đó chúng tôi phải đánh chặn khi nó đang bay tới", Andriy nói.
Không quân Ukraine đang sử dụng nhiều chiến thuật để đáp trả lực lượng Nga. Ảnh: Getty. |
Anh cho biết thêm một số chiến thuật mà lực lượng Ukraine đang sử dụng là kết quả của quá trình huấn luyện với Mỹ và các đồng minh NATO khác.
“Vài năm trước, chúng tôi đã tập trận 'Clear Sky' ở Ukraine. Chúng tôi bay cùng các máy bay phản lực F-15 và F-16. Khi đó, chúng tôi đã phát triển một số chiến thuật nhất định để ngăn chặn máy bay chiến đấu. Tôi có thể khẳng định rằng những chiến thuật đó thực sự hiệu quả", Andriy kể lại.
Theo anh, kể từ khi các đối tác nước ngoài gửi thiết bị phòng không cho Ukraine, chẳng hạn như tên lửa tầm trung và tầm ngắn, Ukraine đã trở nên tự tin hơn trên không.
Giao tranh trên bầu trời
Đến nay, Nga tuyên bố đã bắn rơi tổng cộng 61 trực thăng và 126 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine, tính đến ngày 12/3. Trong khi đó, hôm 22/3, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố đã bắn rơi hơn 100 máy bay phản lực và 123 trực thăng của Nga. Tuy nhiên, những con số này chưa được xác minh độc lập.
Mỹ và các đồng minh NATO khác cho biết Moscow đang mất nhiều thiết bị quân sự, trong đó có máy bay.
“Chúng tôi không tin rằng người Nga đã giành ưu thế trên không so với Ukraine”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói.
Ông Kirby cho rằng người Ukraine đang điều phối và sử dụng các nguồn lực phòng không của họ một cách thông minh.
Trong khi đó, quân đội Ukraine cho biết lý do họ có thể đáp trả là họ đã chuẩn bị cho khả năng bị tấn công từ rất lâu trước khi các binh sĩ Nga bắt đầu cuộc hành quân vào Kyiv.
"Chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản này trong 8 năm, bắt đầu từ khi Moscow chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea vào mùa xuân năm 2014", phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine Yuriy Ignat nói.
Các binh sĩ Ukraine kiểm tra thiệt hại sau cuộc không kích của Nga vào một trung tâm mua sắm ở Kyiv, Ukraine, vào ngày 21/3. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, quân đội Nga đang dần thích ứng với hoàn cảnh và có sự chuyển hướng chiến thuật.
Khi nhận ra phía Ukraine không có ống kính nhìn xuyên đêm cho bệ phóng tên lửa Stinger, Nga chuyển mọi hoạt động trên không vào ban đêm. Có lẽ vì thế, những đòn tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga ở miền Tây và Nam Ukraine cũng đều được thực hiện vào buổi tối.
Hôm 21/3, Lầu Năm Góc cho biết máy bay Nga đã thực hiện 300 lần xuất kích trong 24 giờ trước đó, cao hơn mức trung bình 200 lần/ngày trong giai đoạn đầu.
“Chúng tôi tin rằng họ đã sử dụng hơn 60% kho máy bay cánh cố định và máy bay cánh quay”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, theo Defense One.
Phi công Andriy cũng ghi nhận: “Chiến thuật của (Nga) liên tục thay đổi và bây giờ, hầu hết thời gian, họ đang bay ở độ cao 50.000 feet (15.240 m). Tên lửa Stinger của chúng tôi không thể tiếp cận họ".
Ông Ignat cho rằng Ukraine cần nhiều vũ khí hiện đại hơn để đối phó với lực lượng Nga.
"Nga đang chiến đấu bằng vũ khí hiện đại, bao gồm tên lửa siêu thanh. Do đó, chúng tôi cần vũ khí phương Tây có công nghệ tốt như vũ khí của Nga, chẳng hạn như tiêm kích F-15 Eagle hay F-16 Fighting Falcon", ông nói.
Phi công Andriy cũng cho rằng không quân Ukraine cần thêm vũ khí: “Để giành chiến thắng, chúng tôi không chỉ cần hệ thống phòng không tầm ngắn".
Nga đang dần thay đổi chiến thuật ở Ukraine sau một tháng giao tranh. Ảnh: Reuters. |
Theo CNN, dù bất ngờ cầm cự được qua một tháng giao tranh, các phi công Kyiv vẫn là những kẻ yếu thế trong trận chiến trên bầu trời Ukraine.
Họ cũng phải đối mặt với nhiều gánh nặng tâm lý. Andriy phải xa gia đình, nhiều người thân của anh cũng đang tham gia vào nỗ lực đáp trả của Ukraine. Anh thừa nhận rằng nhiệm vụ của mình đi kèm với sự căng thẳng tâm lý nặng nề.
"Tất nhiên, tôi muốn cuộc chiến này kết thúc sớm nhất, nhưng tinh thần của chúng tôi rất mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến cùng”, anh nói.