Từ năm 2011, trong khi những ngân hàng quy mô trong nhóm G14 như ACB, Eximbank hay Techcombank đều sa sút về lợi nhuận thì MBBank duy trì mức tương đối ổn định. Nhiều năm liền, lợi nhuận ngân hàng này liên tục dẫn đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần với con số dao động khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
MBBank “hụt hơi”
Thế nhưng, bước sang năm 2016, mức lợi nhuận của MBBank có phần biến động. Sau 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế ngân hàng đạt 2.788 tỷ đồng, tụt xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng cùng với hai ngân hàng có lợi nhuận thường ở tốp đầu là Techcombank và VPBank. Con số này tại Techcombank là 2.864 tỷ đồng và VPBank lên tới 3.146 tỷ đồng.
MBBank đang hụt hơi trong cuộc đua kết quả lợi nhuận năm 2016. Đồ hoạ: Quang Thắng.
|
Dù năm tài chính chưa kết thúc và MBBank có thể đòi lại ngôi đầu bảng kết quả lợi nhuận nhưng nếu nhìn lại cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng này những năm gần đây, có thể thấy ngôi vị số một đang là "áp lực".
Những năm trước, quý IV luôn là quý mà lợi nhuận của MBBank xuống thấp nhất trong năm. Đơn cử như năm 2012, tổng lãi ngân hàng là 3.090 tỷ đồng thì quý IV chỉ đóng góp vỏn vẹn 1/9 trong số đó, tương đương 341 tỷ đồng. Năm 2013, tổng lợi nhuận trước thuế MBBank đạt 3.022 tỷ đồng thì quý IV cũng chỉ đóng góp 555 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận 3 tháng cuối năm trong những năm tiếp theo của ngân hàng cũng không quá cao lần lượt năm 2014 đạt 749 tỷ đồng và năm 2015 là 652 tỷ đồng.
Trong cơ cấu lợi nhuận của MBBank nhiều năm gần đây đều ghi nhận khoản thu nhập lãi thuần (thu nhập từ việc cho vay) luôn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2012, thu nhập này chiếm 84,5%; năm 2013 cũng xấp xỉ 80%. Sang năm 2014, tỷ lệ này là 78,7% và năm 2015 là 83,4%. 9 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ này cũng lên tới 83,8%. Tuy nhiên, tỷ trọng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng giảm từ trên dưới 10% xuống 7%.
Giới chuyên gia đánh giá đối với các ngân hàng bán lẻ tốt, lợi nhuận từ phí, dịch vụ sẽ đóng góp tỷ trọng lớn. Còn mức dưới 7% so với con số tổng là mức thấp.
Nợ xấu VPBank vượt 3%, nợ nhóm 2 Techcombank "bùng nổ"
Một phép tính đơn giản có thể thấy, sau 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Techcombank đang kém VPBank khoảng 282 tỷ đồng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng khoảng cách này chưa đủ an toàn đối với ngân hàng đang có lợi nhuận tạm dẫn đầu trong khối cổ phần.
Kết quả kinh doanh của Techcombank. |
Những năm trước, lợi nhuận hàng quý của Techcombank chỉ xấp xỉ 500 tỷ đồng mỗi quý. Thế nhưng kể từ quý II năm nay, chỉ số này đã tăng hơn gấp đôi so với mọi năm, đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2015, khi lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 2.037 tỷ đồng thì hơn một nửa trong số đó đến từ hoạt động dịch vụ. 9 tháng đầu năm nay ,tỷ trọng lợi nhuận từ dịch vụ cũng chiếm tới 32%.
Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ của Techcombank 9 tháng đầu năm 2016, nợ cần chú ý tăng từ hơn 1.750 tỷ vào cuối năm 2015 lên gần 3.700 tỷ tính hết quý III/2016. Ngoài ra, khoản nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng cũng tăng từ hơn 1.000 tỷ lên hơn 1.400 tỷ trong vòng 9 tháng.
Lợi nhuận của VPBank có sự biến động. Đồ hoạ: Quang Thắng. |
Dù kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm rất tốt nhưng lợi nhuận từng quý của VPBank lại cho thấy sự thiếu ổn định, thể hiện trên số liệu báo cáo tài chính.
Nếu như quý I/2016, VPBank đạt tới 1.039 tỷ đồng lãi trước thuế thì bất ngờ lợi nhuận quý II lại đạt 588 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với quý I và giảm 24% so với cùng kỳ. Đến quý III, lợi nhuận lại tăng đột biến lên 1.570 tỷ đồng và kéo lợi nhuận luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 3.146 tỷ đồng.
VPBank cũng là một ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào việc cho vay với tỷ lệ thu nhập lãi thuần chiếm phần lớn kết quả lợi nhuận.
Một điểm sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận quý IV của VPBank chính là khoản nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng những năm gần đây. Cụ thể, năm 2014 tổng giá trị nợ xấu ngân hàng là 1.989 tỷ đồng, tương đương 2,54% tổng dư nợ.
Năm 2015, con số tuyệt đối đã là 3.145 tỷ đồng, dù dư nợ tín dụng tăng tới 50% nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng lên 2,69% tổng dư nợ. Tính cho tới hết quý III/2016, tỷ lệ nợ xấu của VPBank đã vượt ngưỡng 3%.
Kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng dự kiến sẽ tranh giành "ngôi vương" lợi nhuận trong khối ngân hàng cổ phần. Đồ hoạ: Quang Thắng. |
Song song với nợ xấu tăng nhanh thì khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng cũng tăng. Nếu như năm 2014, ngân hàng này chỉ phải trích lập dự phòng 979 tỷ đồng thì năm 2015 khoản này đã lên tới 3.278 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, VPBank phải chi ra tới 3.258 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro (riêng quý III đã là 1.941 tỷ đồng).
"Ngôi vương" chưa phân định
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá hiện nay rất khó để nhận định trước rằng ngân hàng nào sẽ đạt kết quả cao nhất năm 2016 do bức tranh lợi nhuận ngân hàng vẫn còn thiếu minh bạch, đặc biệt là vấn đề nợ xấu.
"Các ngân hàng đâu đó vẫn còn che giấu nợ xấu của mình và không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đúng", ông Hiếu bình luận.
Theo chuyên gia, thông thường quý IV là thời điểm các ngân hàng Việt trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhiều nhất. Và không loại trừ khả năng chính điều này sẽ tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các ngân hàng trong quý. Do đó, "ngôi vương" lợi nhuận trong khối ngân hàng cổ phần là đơn vị nào vẫn còn phải chờ thêm.