Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc đua của 2 đại gia điện thoại tại Việt Nam

Câu chuyện PSD, nhà phân phối lớn thứ 2 của Nokia tại Việt Nam, đã chia tay hãng này vào giữa năm ngoái để chọn Samsung là một minh chứng cho thấy, có được thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó gấp bội.

Cuộc đua của 2 đại gia điện thoại tại Việt Nam

Câu chuyện PSD, nhà phân phối lớn thứ 2 của Nokia tại Việt Nam, đã chia tay hãng này vào giữa năm ngoái để chọn Samsung là một minh chứng cho thấy, có được thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó gấp bội.

Dây chuyền sản xuất hiện đại ngang tầm với các nhà máy sản xuất hàng đầu thế giới về điện thoại di động có khả năng kết nối Internet hay có định vị toàn cầu, chip điều khiển trong phạm vi gần là một phần cam kết của Nokia khi đầu tư tại Việt Nam.

 
Sự cạnh tranh khốc liệt của Samsung và Nokia tại thị trường Việt Nam.

"Đặt cược" công nghệ cao

Theo kế hoạch đặt ra trong giấy chứng nhận đầu tư, Nokia sẽ đưa nhà máy tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore Bắc Ninh vào hoạt động trong tháng 4/2013. Tuy nhiên, các thông tin liên quan đến tuyển dụng lao động đều cho hay, nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6/2013. Với quy mô sản xuất trong năm đầu tiên (2013) là 30 triệu sản phẩm, nhà máy này của Nokia cũng sẽ tăng dần quy mô sản xuất lên 180 triệu sản phẩm/năm vào năm 2018.

Mặc dù có tổng vốn đầu tư lên tới 302 triệu USD, nhưng số tiền này cũng sẽ được giải ngân dần dần chứ không phải tất cả ngay lập tức. Cụ thể, trong năm 2013, khoản giải ngân sẽ là 67 triệu USD, con số này sẽ được tăng lên thành 100 triệu USD vào năm 2014 và 102 triệu USD vào năm 2015. Dự án cũng có thời hạn hoạt động lên tới 46 năm, tính từ tháng 11/2011.

Để thu hút Nokia vào Việt Nam, tên tuổi này cũng nhận được những ưu đãi nhất định như áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm đầu tiên kể từ khi đi vào sản xuất kinh doanh. Hay được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Một cơ chế hậu kiểm cũng được đặt ra cho Nokia khi được xếp vào loại doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì các đợt kiểm tra thực tế tại Nokia Việt Nam một năm sau khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động. Với khoản đầu tư lên tới 300 triệu USD, dự kiến sẽ có thêm 10.000 lao động có việc làm tại Nokia Việt Nam.

Việc Nokia đóng cửa một số nhà máy khác trên thế giới, nhưng lại quyết định đầu tư vào Việt Nam cho thấy sức hút nhất định từ thị trường này, nhất là khi đã có những nhà sản xuất điện thoại di động lớn của thế giới như Samsung chọn Việt Nam là một cơ sở sản xuất lớn toàn cầu của mình.

"Ngôi vương" khó giữ

Theo tìm hiểu của công ty nghiên cứu thị trường GFK, về mặt số lượng, năm 2011 thị phần của Nokia tại Việt Nam là 54% và năm 2012 tăng lên 56%. Tuy nhiên, tính theo giá trị thì thị phần của Nokia lại có sự sụt giảm đáng kể, từ 52,6% trong năm 2011 xuống còn 45% trong năm 2012. Sự sụt giảm của Nokia dĩ nhiên là cơ hội cho các nhà sản xuất khác, trong đó đáng kể nhất là Samsung. Nếu như năm 2011, xét thị trường điện thoại nói chung về mặt số lượng, Samsung chỉ chiếm 15% thị phần, nhưng sang năm 2012 đã tăng lên thành 23%. Nếu xét về mặt giá trị, tốc độ tăng trưởng thị phần của nhãn hàng Samsung còn mạnh mẽ hơn, từ 17,8% lên 30,6%. Thậm chí những tháng cuối năm 2012, nhãn hàng này dù vẫn chỉ duy trì thị phần ở mức 21%, nhưng về mặt giá trị đã chiếm tới trên 34% tổng thị trường.

Đáng chú ý nhất là việc Samsung dường như bỏ ngỏ phân khúc điện thoại phổ thông cho Nokia, do phân khúc này vốn được coi là bán hàng vất vả lại thu được lợi nhuận ít. Trong khi Samsung lại giành thắng lợi lớn ở các sản phẩm điện thoại thông minh khi nhắm tới khách hàng có thu nhập cao, yêu thích công nghệ và ưa sự thời thượng.

Vẫn theo nghiên cứu của GFK, về mặt số lượng, thị phần điện thoại phổ thông của Nokia đã tăng từ mức 55,9% trong năm 2011 lên 65,5% vào năm 2012. Trong khi đó, Samsung vẫn duy trì quanh mức 15,1 - 15,3%. Ở phân khúc điện thoại thông minh, về mặt số lượng, từ chỗ chiếm 22,7% trong năm 2011, thị phần của Samsung đã tăng mạnh lên 46% vào năm 2012. Ngược lại, thị phần của Nokia lại giảm mạnh, từ 46,6% năm 2011 xuống còn 24,2% vào năm 2012.

Câu chuyện PSD, nhà phân phối thứ 2 của Nokia tại Việt Nam với thị phần nắm giữ khoảng 45%, chia tay Nokia vào hồi giữa năm ngoái để chọn Samsung là một minh chứng khác cho thấy, có được thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó gấp bội. PSD bắt đầu phân phối Nokia vào giữa năm 2007, khi thị trường đã có 3 nhà phân phối khác cũng đang phân phối điện thoại Nokia, bao gồm cả FPT.

Tới năm 2009, lượng điện thoại Nokia mà PSD và FPT phân phối là ngang ngửa, chiếm tổng cộng tới 95% sản lượng điện thoại bán ra tại Việt Nam của hãng này. Rõ ràng, sự chia tay của PSD là một đòn giáng mạnh vào Nokia tại thị trường Việt Nam.

Thực tế này cho thấy, con đường của Nokia ở thị trường Việt Nam ngày càng gồ ghề, khó đi hơn.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Bạn có thể quan tâm