Cuộc đua cấu hình smartphone sắp sửa kết thúc?
Sự ganh đua giữa các hãng sản xuất vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng thời gian gần đây, có vẻ như các hãng đang chú ý nhiều đến yếu tố trải nghiệm, hơn là cấu hình thuần túy.
Trong khoảng vài năm qua, việc các hãng sản xuất ồ ạt tung ra các mẫu điện thoại mới với cấu hình ngày một mạnh mẽ đang khiến giới công nghệ “chóng mặt”. Nếu như một số người hồ hởi đón nhận, bởi họ có cơ hội sở hữu những sản phẩm tiên tiến nhất, thì một số khác lại “méo mặt” vì sản phẩm họ sở hữu mất giá, lạc hậu quá nhanh.
Hướng đi đúng đắn của Apple
Có thể nói, Apple chính là hãng đi tiên phong trong việc đứng ngoài cuộc đua cấu hình của các hãng sản xuất điện thoại. Sau 6 thế hệ iPhone, họ chỉ một lần duy nhất thay đổi kích thước màn hình, còn chip xử lý của sản phẩm cũng chỉ được đẩy từ lõi đơn lên thành lõi kép.
Ở thời điểm hiện tại, khi các sản phẩm đối thủ sử dụng chip 4 nhân, màn hình trên 5 inch, độ phân giải Full HD thì họ vẫn trung thành với một chiếc iPhone 4 inch, lõi kép và màn hình chưa đạt chuẩn HD.
Apple tập trung vào yếu tố trải nghiệm, thay vì chạy đua cấu hình. |
Tuy nhiên, nhờ đó mà khách hàng của họ được đặc biệt hưởng lợi. Cho đến thời điểm hiện tại, những sản phẩm như iPhone 3GS, iPhone 4 vẫn bán chạy như tôm tươi, bởi suy cho cùng trải nghiệm của nó thua kém không quá xa so với iPhone 5 mới nhất. Trong khi đó, với điện thoại Android, gần như không có model nào “sống sót” quá 2 năm bởi khi đó, chúng đã trở nên quá lạc hậu và không ai chú ý đến.
Cũng phải nói thêm rằng, nhờ danh tiếng đã được đảm bảo, Apple mới có quyền đứng ngoài cuộc chơi về cấu hình, bởi lẽ ngay cả khi sản phẩm của họ có cấu hình thua kém, khách hàng vẫn mua ào ào. Tuy nhiên, điểm nhấn của các sản phẩm đến từ Apple chính là yếu tố trải nghiệm. iPhone luôn là sản phẩm chuẩn mực về khả năng chụp hình, lướt web, chơi game... Nói cách khác, sản phẩm này mang đến sự tiện ích và đảm bảo mức độ hài lòng rất cao từ phía khách hàng, với những phần mềm mà nó cung cấp.
Các hãng bắt đầu chuyển hướng
Nếu để ý, bạn sẽ thấy cuộc đua cấu hình trên thị trường điện thoại vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng thời gian gần đây, yếu tố trải nghiệm đã được chú ý hơn nhiều.
Bắt đầu từ chiếc Galaxy S3, Samsung thay đổi chiến lược bằng cách cho ra mắt hàng loạt ứng dụng thông minh và lấy đó làm vũ khí để tuyên chiến với Apple. Bước sang chiếc Galaxy S thế hệ thứ 4, họ tiếp tục bổ sung một loạt các tính năng khác, trong khi thiết kế sản phẩm chỉ thay đổi chút ít.
Galaxy S4 hay HTC One đều có những nét riêng rất độc đáo, bên cạnh cấu hình mạnh mẽ. |
Một đại diện khác là HTC cũng đang có cách làm tương tự. Họ vẫn là nhà sản xuất đi đầu trong việc tung ra các sản phẩm cấu hình mạnh, nhưng đi kèm với chiếc HTC One (ra mắt tháng 2 năm nay) là giao diện Sense 5 lạ mắt và camera độ phân giải chỉ 4 megapixel, nhưng dùng công nghệ ultrapixel. Kích thước màn hình của sản phẩm hoàn toàn không thay đổi so với chiếc One X ra mắt một năm trước đó.
Có thể thấy, đây là sự chuyển mình cần thiết của các hãng sản xuất, để tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm của mình, thay vì chỉ biết đưa ra các sản phẩm cấu hình cao đến mức phí phạm.
Bao giờ cuộc đua cấu hình kết thúc?
Có thể khẳng định, cuộc đua cấu hình sẽ không có hồi kết, bởi công nghệ sẽ liên tục phát triển và các sản phẩm di động sẽ ngày một mạnh lên. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, cuộc đua đó sẽ chậm lại, nhường chỗ cho yếu tố trải nghiệm, cho các tính năng độc đáo của riêng từng nhà sản xuất. Khi đó, smartphone sẽ không đơn thuần là những cỗ máy có khả năng duyệt web nhanh, chụp ảnh hay xem video siêu nét, mà sẽ trở thành những người bạn đồng hành thực sự của người dùng.
Thành Duy
Theo Infonet