Theo phong cách điển hình, tôi chốt một cái tựa: “Sự minh triết của tài chính”, nhưng vẫn không chắc nó mang ý nghĩa gì. Trong những tuần sau đó, tôi ngạc nhiên khi thấy mình có thể dễ dàng kết nối những bài học từ tài chính với cuộc sống, và ngạc nhiên vì những chiếc cầu nối đó thật phong phú biết bao.
Sau khi bài giảng kết thúc, tôi ngạc nhiên xúc động trước sự đón nhận của các bạn sinh viên MBA, họ rõ ràng là vẫn đang rất ngóng trông những lời minh triết không phải từ trên cao ép xuống mà bắt nguồn từ chính thế giới và công việc của họ.
Những quản lý cấp cao đang ở lưng chừng sự nghiệp thậm chí còn đón nhận nồng nhiệt hơn, bởi họ hiểu những thử thách mà cuộc sống đặt ra cho mình sâu sắc hơn. Và rồi, chuyện cũ lặp lại, tôi vô tình mang vào mình một cam kết đem lại những lợi ích lớn hơn rất nhiều so với khoản đầu tư tôi đã bỏ ra.
Tuy rằng bài giảng đó đã thành công trong việc vẽ ra những khái niệm cốt lõi của tài chính và những câu hỏi liên quan đến một cuộc đời có ý nghĩa, việc viết một quyển sách lại mang đến một vấn đề khác. Những mối tương quan của tài chính với những vấn đề của cuộc sống có thể được đàm đạo trong cả tiếng đồng hồ giữa những người vốn thông hiểu ngành này.
Nhưng liệu tôi có thể duy trì buổi đàm đạo này một cách sống động trong phạm vi cả một cuốn sách với nhiều độc giả khác nhau không? Tôi đang có một bài nói chuyện hay một cuốn sách?
Khi vật lộn với những câu hỏi trên, tôi nhớ ra rằng sự mô tả hay nhất về tài chính mà tôi được biết không phải đến từ một quyển sách giáo khoa hay một chương trình đặc biệt trên đài CNBC, mà từ một câu chuyện ngụ ngôn viết bằng tiếng Tây Ban Nha của một người Do Thái Sephardic ở Amsterdam vào năm 1688.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Vlada Karpovich/Pexels. |
Trong tác phẩm Confusion de Confusiones, Joseph de la Vega đã tái hiện đầy sống động những thị trường tài chính mới thành lập và vô cùng thu hút đối với những người quan sát đương thời. Những thị trường sôi động lúc đó chỉ có cổ phiếu của đúng một công ty là Công ty Đông Ấn Hà Lan, một công ty mà ngày nay sẽ có tầm ảnh hưởng và vị trí thống lĩnh ngang với Google, Alibaba và General Electric cộng lại.
Một số lời bình của De la Vega có vẻ thật xa lạ. Chẳng hạn, ông giải thích rằng cổ tức của Công ty Đông Ấn Hà Lan “đôi khi được thanh toán bằng cây đinh hương theo ý chí của các thành viên Hội đồng quản trị”. Một số phần khác trong lời kể của ông lại mang tính thời sự lạ thường, chẳng hạn như khi ông giải thích tại sao thị trường bong bóng được thúc đẩy bởi lãi suất quá thấp, và làm cách nào một doanh nghiệp phá sản có thể được tái cơ cấu.
Thay vì chỉ đơn thuần kể lại một cách khô khan những bản chất của thị trường đó thì ông đã kể lại một câu chuyện, một cuộc đối thoại giữa một nhà buôn, một triết gia, và một cổ đông. Nhà buôn và triết gia là những ví dụ điển hình cho người chuyên làm mà người chuyên nghĩ. Cả hai đều lấy làm khó hiểu về cơ chế hoạt động của thị trường tài chính, thế là họ đến tham vấn người cổ đông.
Khi triết gia giãi bày rằng ông ta hiểu thị trường tài chính ít đến thế nào, người cổ đông đã đáp lại bằng những lời mô tả về tài chính mà tôi yêu thích nhất: “Tôi thực sự phải nói rằng anh là một người ít hiểu biết, anh bạn Râu Xám ạ, nếu anh đang không biết gì về cái thứ ngành nghề đầy đánh đố này. Nó vừa là thứ công bằng nhất vừa là thứ lừa lọc nhất ở châu Âu, thứ cao thượng nhất và tai tiếng nhất trên cả thế giới, thứ thanh cao nhất và thô tục nhất của trần gian.
Đó là tinh túy của học tập hàn lâm lẫn gian lận mẫu mực, là đá thử vàng cho kẻ thông minh và đá bia mộ cho kẻ liều lĩnh, một kho tàng của những gì hữu dụng và một cội nguồn của thảm họa, và cuối cùng là một bản sao của Sisyphus - kẻ không bao giờ biết nghỉ và Ixion - kẻ bị xiềng vào một cái bánh xe cứ mãi quay”.
De la Vega đã khắc họa được những gì tốt đẹp nhất và những gì xấu xa nhất của tài chính thông qua một câu chuyện kể, và chính câu chuyện đó đã khiến tôi tìm thấy được bóng dáng của tài chính trong nhiều câu chuyện khác. Tôi từng thích truyện kể, nhưng việc trở thành một nhà kinh tế khiến tôi ngờ vực chúng. Giờ đây thì tôi lại quay về với chúng.