Cuộc đời bi kịch của thủ thành Enke
“Khi một cánh cửa đóng lại là một cánh cửa khác mở ra. Trừ lần này”. Tay viết bình luận nổi tiếng G.Marcotti đã viết như thế về sự nghiệp đầy thăng trầm của thủ thành Enke - người vừa lao đầu vào tàu hỏa tự vẫn.
Thủ thành Enke |
Enke sinh ra tại một thị trấn ở Jena (Đông Đức cũ). Và bởi thế mà những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp thủ môn này gắn liền với CLB Carl Zeiss Jena (hiện đang chơi ở hạng Ba của Đức). Gia nhập Jena từ năm 9 tuổi, đến 18 tuổi Enke đã được chính thức cho trình làng trong khung gỗ CLB. Dù chỉ thi đấu cho Jena vỏn vẹn vài trận, chàng thủ môn trẻ này đã lập tức gây ấn tượng với các ông lớn của Bundeslia. Trong đó có Monchengladbach – đội bóng đã chiêu mộ anh hồi mùa hè 1995.
“Cánh cửa” Enke đã mãi mãi đóng lại |
CLB vùng Ruhr này cũng chính là bệ phóng cho sự nghiệp của Enke. Sau 2 mùa giải phải học việc cùng đội trẻ của Monchengladbach ở hạng đấu thấp hơn, mùa 1998 cơ hội đã đến với thủ thành gốc Đông Đức, khi tượng đài của CLB Uwe Kamps dính chấn thương (Uwe Kamps chơi cho Monchengladbach suốt 18 năm và bắt hơn 450 trận).
Enke được bắt trận đầu tiên ở Bundesliga là trận đại thắng Schalke 3-0 ngày 15/8/1998. Màn trình diễn tuyệt vời của Enke đã giúp anh được triệu tập vào ĐT U21. Tại đây Enke tiếp tục “ghi điểm” và bắt đầu được so sánh như là một Olive Kahn mới.
Kết quả là Enke đã được Benfica - đại gia của bóng đá Bồ Đào Nha để ý và chiêu mộ ngay sau mùa 1998/1999. Thương vụ này khi ấy được giới chuyên môn xem là một canh bạc của Enke. Bởi cầu thủ tại Đức vốn không có xu hướng chuyển ra nước ngoài thi đấu, mà lại ở một nền bóng đá thấp hơn như Bồ Đào Nha. Hơn nữa, chàng thủ môn trẻ này cũng mới chỉ thực sự làm quen với bóng đá đỉnh cao có một mùa. Dẫu vậy, đây vẫn tiếp tục là một bước tiến nữa trong sự nghiệp của Enke. Sau 3 mùa giải chơi cho Benfica, anh đã được Barca mang về sân Nou Camp theo một hợp đồng 3 năm. Sự nghiệp của Enke tưởng chừng như đã đánh dấu một bước tiến mới. Bởi anh tràn trề cơ hội chiếm suất bắt chính ở Barcelona trước một Roberto Bonano không quá nổi tiếng và một Victor Valdes khi ấy mới là cậu bé tuổi 20.
Song hóa ra quãng thời gian ở Catalan, lại là cơn ác mộng của Enke. Không thể tạo niềm tin với hết Louis van Gaal rồi Frank Rijkaard, Enke liên tục phải làm bạn với băng ghế dự bị trước khi bị đẩy sang cho Fenerbahce (nơi có HLV đồng hương Daum nắm quyền) mượn như một điều khoản trong vụ Barca mua thủ môn Rustu.
Tuy nhiên, cuộc se duyên của Enke và CLB Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khiến thủ môn người Đức thêm khủng hoảng. Ngay ở trận đấu ra mắt ngày 10/8/2003 Fenerbahce đã thảm bại 0-3 trước Istanbulspor. Và Enke nghiễm nhiên là nơi để các CĐV quá khích của Fenerbahce trút sự bực tức (vì đã bán mất Rustu). Những tiếng la o, chửi mắng, chai lọ, đồng xu, tia laser bủa vây từ tứ phía khán đài, thực sự khiến Enke hoảng loạn. Chỉ một ngày sau trận đấu, Enke đã phải đến gặp HLV Daum để chấm dứt hợp đồng cho mượn và tức tốc trở về Tây Ban Nha.
Ở mùa giải kế tiếp, trong kì chuyển nhượng mùa đông Enke lại tiếp tục bị Barca cho Tenerife mượn. Bất chấp việc cũng tạo một số ấn tượng nhất định, ở CLB xứ đảo này, nhưng sau khi trở về Barcelona, Enke vẫn quyết định chấp nhận bồi thường hợp đồng để có thể giải phóng mình trước thời hạn khỏi những ngày đen tối tại Nou Camp với một phát biểu nổi tiếng: “Đôi khi, bạn muốn tiến lên thì bạn phải chấp nhận lùi một bước”.
Enke và cô con gái xấu số Lara |
Và quả thật từ khi rời Barca, sự nghiệp của Enke đã tiến lên trông thấy. Phong độ vững vàng, ổn định trong màu áo Hannover giúp Enke được đánh giá là một trong những thủ thành đáng tin cậy nhất nước Đức hiện nay. Anh được triệu tập vào ĐT Đức tham dự EURO 2008 và được kì vọng là người gác đền số 1 của cỗ xe tăng tại Nam Phi sang năm…
Thế nhưng, lại có một thứ mà Enke chẳng bao giờ vượt qua dù đã rời bỏ Nou Camp. Đó là căn bệnh trầm cảm. Quãng thời gian đen tối, nhiều áp lực tại Catalan đã khiến Enke mắc chứng bệnh tinh thần quái ác này. Đáng buồn hơn nó còn càng trầm trọng hơn sau sự ra đi của cô con gái 2 tuổi Lara hồi 2006 sau ca phẫu thuật bệnh tim.
Rồi những điều đen đủi của cuộc sống cứ bám riết lấy Enke (khi anh vừa giành được vị trí số 1 ở ĐT Đức thì bất ngờ lại dính một thứ virus lạ khiến anh phải nghỉ thi đấu đến tận tháng trước) khiến Enke mất niềm tin vào cuộc sống. Sau tất cả, có vẻ như việc bị HLV Loew bỏ rơi trong kì tập trung gần đây đã khiến Enke mất phương hướng, buông xuôi, tự chấm dứt cuộc sống của mình tại tuyến đường sắt Bremen – Hannover (theo tiết lộ của bác sĩ Markser, người điều trị trầm cảm cho Enke từ năm 2003 thì thủ môn này mới chỉ trở lại điều trị từ hồi tháng 10 – trùng với khoảng thời gian anh bị loại khỏi ĐT Đức).
Hồi chuông cảnh tỉnh với những người làm bóng đá |
Cánh cửa mang tên Enke đã mãi mãi đóng lại. Nhưng rất có thể nó sẽ lại mở ra cánh cửa khác cho số phận của nhiều cầu thủ khác. Bởi cái chết của Enke thực sự đã dấy lên những hồi chuông báo động với những nhà quản lý, các HLV về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các cầu thủ, cũng như cách hành xử phũ phàng, khắc nghiệt trong môi trường bóng đá ngày nay. Sau Enke, chắc chắn sẽ có nhiều thứ thay đổi!
Clip Oliver Bierhoff bật khóc trong buổi họp báo về Enke:
Hải Hà
Theo Bưu điện Việt Nam