Cuộc đổ bộ D-Day của quân Đồng minh vào Normandy bắt đầu với lính nhảy dù và tàu lượn trong bóng đêm ngày 6/6/1944. Trên cao, Mặt Trăng soi đường cho binh lính. Đội quân hạ cánh trên bãi biển, chiếm nhiều cây cầu ven biển và mở đường cho các hạm đội.
Nhiều ghi chép lịch sử nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mặt Trăng mọc muộn, đảm bảo bí mật và tính bất ngờ cho cuộc tấn công trên không.
Tuy nhiên, nhà thiên văn học Donald Olson của Đại học bang Texas cho rằng nhận định trên không chính xác. Vào ngày D-Day, Mặt Trăng đã mọc sớm. Tuyên bố của Tướng Dwight D. Eisenhower và Thủ tướng Winston Churchill cũng thể hiện quan điểm tương tự.
Lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh đổ bộ vào bãi biển mang mật danh Juno, Pháp, vào ngày D-Day. Ảnh: Getty. |
Các nhà lãnh đạo phe Đồng minh lưu ý trăng tròn là yếu tố quan trọng, dẫn lối cho từng giai đoạn của cuộc tấn công từ ngày 5-6/6/1944.
"Mặt Trăng không mọc muộn mà sự thực là đã mọc trước hoàng hôn vào ngày 5/6/1944. Mặt Trăng cũng soi sáng trên bầu trời suốt đêm", ông Olson nói với CNN.
"Mặt Trăng chỉ biến mất sau bình minh. Nó đạt đến điểm cao nhất trên bầu trời vào lúc 1h19 sáng ngày 6/6, gần thời điểm vụ tấn công cầu Pegasus của Anh và ngay khi các hoạt động trên không của Mỹ bắt đầu", ông nói thêm.
Trong bài báo mô tả hoạt động của quân Đồng minh trong Thế chiến II, Walter Bedell Smith, chánh văn phòng của Tướng Eisenhower từ năm 1942-1945, viết: "Đối với các cuộc đổ bộ trên không... chúng tôi cần Mặt Trăng mọc muộn để phi công có thể tiếp cận mục tiêu trong bóng tối. Tuy nhiên, ánh trăng cũng giúp cho việc xác định khu vực tấn công".
Trên thực tế, kế hoạch cho cuộc đổ bộ D-Day được thực hiện với yêu cầu có trăng sáng suốt đêm và thủy triều thấp lúc bình minh. Do đó, quân Đồng minh đã chọn ngày 5, 6 hoặc 7/6/1944 để đổ bộ.
Tàu mang quân viện trợ rời Anh hướng tới Normandy, Pháp. Ảnh: Getty. |
"Lý tưởng nhất là đổ bộ vào tháng 5 hoặc tháng 6, vì như vậy quân Đồng minh sẽ có cả mùa hè để đẩy lùi lực lượng của Đức, trước khi thời tiết trở nên xấu đi vào mùa thu và đông", ông Olson nói.
"Phe Đồng minh muốn mực nước biển thấp để họ có thể thổi bay các chướng ngại vật của Đức trên bãi biển. Tuy nhiên, họ cũng muốn mực nước dâng lên để có thể neo tàu mà không mắc cạn", nhà thiên văn học giải thích.
Tuy nhiên, quân Đồng minh vẫn gặp phải thách thức vì vào lúc 7h ngày 6/6/1944, cứ sau 10 phút thủy triều lại dâng lên 30 cm, tức nhanh hơn dự kiến.
Do vậy, binh lính chỉ có thể dọn sạch 5 chướng ngại vật trên bãi biển, thay vì 16 như dự kiến ban đầu. Các chướng ngại vật còn lại đã lấy đi sinh mạng của nhiều binh sĩ quân Đồng minh, khiến bãi biển này về sau được gọi là "Omaha đẫm máu".