Tính đến ngày 23/1, số người tử vong vì nhiễm virus corona đã lên đến con số 17. Hơn 500 người được phát hiện nhiễm loại virus này.
Nhiều gia đình Trung Quốc buộc phải tính toán lại kế hoạch đi lại để đoàn tụ vào dịp Tết Nguyên đán năm nay. Rủi ro nhiễm bệnh khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng gia tăng, đặc biệt là trên những tuyến đường đi qua Vũ Hán.
Chặng đường hồi hương thêm gian nan
Người dân thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã nhận được khuyến nghị hủy mọi kế hoạch trở về khu vực này. Giới chức Trung Quốc lo ngại dịch bệnh có thể tiếp tục lan rộng.
Lệnh cấm các phương tiện giao thông công cộng của chính quyền Trung Quốc tại Vũ Hán bắt đầu từ 10h ngày 23/1 ảnh hưởng lớn tới hoạt động của xe buýt đô thị, tàu điện ngầm và các tuyến phà. Các chuyến bay và tàu hỏa rời khỏi Vũ Hán cũng bị dừng hoạt động. Nhà chức trách không cho biết khi nào dịch vụ giao thông trên được phép hoạt động trở lại.
Lệnh cấm của chính quyền Trung Quốc không đề cập tới xe ôtô cá nhân. Tuy nhiên, người dân được cảnh báo "không rời khỏi thành phố trừ khi xuất hiện tình huống đặc biệt".
Virus Vũ Hán bùng phát khiến nhiều gia đình phải thay đổi kế hoạch về quê vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh cho biết lệnh cấm các phương tiện giao thông công cộng là "biện pháp tốt nhất để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh do virus corona gây ra, chặn đứng hiệu quả sự lây lan của virus, ngăn ngừa dịch bệnh lan truyền" nhằm "bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân".
Sisi Chen, một nhân viên văn phòng tại Thâm Quyến đến từ Vũ Hán, cho biết đợt bùng phát bệnh hô hấp do virus corona buộc cô phải hủy kế hoạch đoàn tụ gia đình lần đầu tiên trong gần 10 năm qua.
"Cha mẹ tôi đã ngoài ngũ tuần và đang rất lo sợ dịch bệnh lần này. Họ bảo tôi nên ở lại Thâm Quyến", cô cho biết. "Tôi là con một. Đây là Tết đầu tiên tôi không ở bên cha mẹ mình".
Chen Yan, một kỹ sư công nghệ thông tin 35 tuổi, đã đến Vũ Hán với vợ và con trai 5 tuổi để nghỉ lễ cùng gia đình, cuối cùng quyết định lái xe trở về nhà ngay trong đêm 22/1. Cha mẹ Yan quyết định ở lại Vũ Hán.
"Tôi cảm thấy mọi chuyện đang chuyển biến xấu nhanh chóng. Nhưng cha mẹ tôi không muốn rời đi, dù tôi có thuyết phục họ thế nào chăng nữa. Mẹ tôi muốn ở nhà như mọi dịp Tết trước đây, vì thế chúng tôi cùng ăn tối vào hôm 22/1. Tôi đã khóc khi ôm mẹ trước lúc lái xe đi", Yan nói.
Lisi Gao, nhân viên chi nhánh nước ngoài của một công ty công nghệ Trung Quốc, đã trở về Quảng Châu từ đầu tuần này. Cô có kế hoạch đón tàu cao tốc trở về quê nhà ở phía bắc tỉnh Hồ Bắc.
Gao buộc phải đổi sang phương án về quê bằng máy bay để tránh phải đi ngang qua trạm dừng tại Vũ Hán. Cô nghĩ thị trấn quê nhà của mình không phải điểm trung chuyển giao thông lớn của địa phương nên sẽ an toàn hơn.
"Tôi sẽ không dám vào căn hộ của cha mẹ dịp lễ này đâu, nhưng đã Tết thì tôi cần phải ở gần họ", cô chia sẻ.
Cuộc "đại di dân" thêm rối loạn
Giới chức Trung Quốc khuyến nghị người dân không đến hoặc rời khỏi thành phố Vũ Hán trong nỗ lực ngăn cản đại dịch lan rộng. Trong số 440 ca nhiễm bệnh được xác nhận vào sáng 22/1, có 370 trường hợp là người sống ở tỉnh Hồ Bắc với phần lớn là dân thành phố Vũ Hán, theo South China Morning Post.
Zhang Hong, chủ một hãng tư vấn tài chính ở Thượng Hải, chia sẻ một trong các nhân viên của cô vẫn kiên quyết về quê để đoàn tụ gia đình dịp Tết này. Anh ta là người Vũ Hán.
"Tôi không thể cản anh ấy được. Nhân viên này sẽ phải làm việc ở nhà trong 2 tuần trước khi trở lại Thượng Hải", Zhang nói.
Nhà ga thành phố Vũ Hán lắp đặt camera theo dõi thân nhiệt hành khách để phát hiện những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Đợt bùng phát dịch đồng nghĩa rằng mọi chuyến đi cá nhân và công vụ đến Vũ Hán, thành phố có dân số đông hơn cả London và là nút giao thông quan trọng của miền Trung Trung Quốc, đều bị hủy bỏ.
Không chỉ vậy, nhiều người đang phải cân nhắc lại kế hoạch di chuyển đến nhiều vùng khác khắp Trung Quốc khi số ca nhiễm bệnh mới gia tăng ở nhiều nơi. Ngày 23/1, một trường hợp nhiễm virus corona được ghi nhận tại Singapore. Một ngày trước đó, hai trường hợp được ghi nhận tại Hong Kong.
Wendy Liu, nhân viên quản lý tại Thâm Quyến, chấp nhận bỏ kế hoạch đi nghỉ dưỡng tại khu du lịch suối nước nóng ở tỉnh Quảng Đông. Liu nói Tết này gia đình cô sẽ không đi đâu hết mà ở nhà cho an toàn.
Nhiều người Trung Quốc vẫn nhớ như in đại dịch Sars bùng phát tại nước này vào năm 2003. Zhong Nanshan, 84 tuổi, chuyên gia về virus từng nổi tiếng khắp Trung Quốc trong công cuộc kiểm soát đại dịch Sars, vừa qua xác nhận virus corona có khả năng lây từ người sang người.
Nhận định của ông khiến mọi người dân Trung Quốc đổ đi tìm mua khẩu trang y tế và hạn chế đến những địa điểm công cộng. Các trang thương mại điện tử Trung Quốc ngày 21/1 buộc phải đăng thông báo trấn an khách hàng, khẳng định dự trữ khẩu trang vẫn còn nhiều.
Những nút giao thông tại Trung Quốc và quốc tế đang tăng cường kiểm tra người có dấu hiệu nhiễm bệnh. Sân bay Changi ở Singapore cho lắp đặt 35 camera giúp nhận diện hành khách có thân nhiệt cao, đặc biệt là những người đến từ Trung Quốc. Hãng hàng không Cathay Pacific cho phép mọi nhân viên và tiếp viên được mang khẩu trang trên tất cả tuyến bay. Trong khi đó, mạng xã hội Trung Quốc tràn lan các thảo luận cách "ăn Tết tại gia", không rời nhờ để tránh mọi rủi ro.
"Tôi không dám du lịch. Ở nhà thì bạn sẽ không khiến đại dịch lan rộng, dù cho thiệt hại chút đỉnh về kinh tế", một người dùng Weibo chia sẻ cô và gia đình đã hủy kế hoạch đi từ Thiểm Tây đến Bắc Kinh.
"Dù chúng tôi đã gửi quần áo và tã giấy cho con về quê trước cả rồi, dù vậy ngồi tàu gần 8 tiếng và đi qua Vũ Hán vẫn quá nguy hiểm. Giờ chúng tôi quyết định Tết này tốt nhất là ở nhà, đến ra chợ ở Quảng Châu cũng không nên", một người dùng Weibo tại Quảng Châu xác nhận cô và gia đình đã hủy kế hoạch về thăm quê ở Hà Nam.