Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chuyển giao ở Minh Long 1

Có vẻ người sáng lập Minh Long 1 đã chuẩn bị cho quá trình chuyển giao từ rất sớm. "Cha tôi chỉ còn tham gia mảng nghiên cứu và phát triển, điều hành do 4 anh em tôi đảm trách".

Nhìn bề ngoài, ít người ngờ tổng hành dinh của Công ty Minh Long 1 đang hoạt động. Tầng trệt ngổn ngang. Thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng máy khoan như xói vào tai. Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám đốc Minh Long 1, giải thích: “Ngoài chức năng của một văn phòng điều hành, mong muốn của chúng tôi là biến tòa nhà này thành một showroom, trở thành điểm nhấn cho ngành gốm sứ Bình Dương. Từ họa tiết trang trí cho đến các chi tiết như đèn chùm, tay nắm cửa đều được “sứ hóa” bằng sản phẩm của công ty. Tiến độ thi công đã trễ hơn 3 năm so với kế hoạch, và có thể cần thêm khoảng 2 năm nữa để hoàn thiện”.

Ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Minh Long 1.

Lý Huy Sáng là thế hệ thứ tư trong gia tộc họ Lý có truyền thống làm nghề gốm sứ ở Bình Dương. Khác với thân sinh của mình là ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Minh Long 1, Sáng tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình xuất phát từ chủ ý của cha mẹ. Anh tỏ ra không đồng tình với nhận xét rằng, sự gắn bó với gốm sứ là cuộc hôn nhân “cưới rồi mới yêu”, dẫu thừa nhận niềm đam mê lớn nhất của mình là công nghệ thông tin. “Tôi vẫn ấp ủ ý định thành lập một doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin”, Sáng nói. Nhưng đấy là chuyện của tương lai. Ở Minh Long 1, sở trường công nghệ thông tin được Sáng khai thác triệt để trong công tác điều hành. “Máy móc không biết nói dối”, Sáng cho biết. Sự giám sát của máy móc giúp minh bạch hóa trách nhiệm của từng bộ phận.

Chính sách đổi mới đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra một tầng lớp chủ doanh nghiệp cho đất nước. Sau hơn ba thập niên lăn lộn với thương trường, nhiều người trong số họ bắt đầu cảm nhận được gánh nặng tuổi tác. Sớm hay muộn cũng đến lúc họ phải lùi vào hậu trường.

Cán cân tiêu thụ sản phẩm của Minh Long 1 những năm gần đây lệch hẳn về thị trường nội địa.

Tổng giám đốc công ty Quản lý quỹ Dragon Capital là Dominic Dragon, người có hai thập niên làm ăn ở Việt Nam, nhận xét, “chuyển giao thế hệ” là một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp. Nhưng đối với Minh Long 1, có vẻ như quá trình chuyển giao đang ở giai đoạn hoàn tất. “Cha tôi chỉ còn tham gia mảng nghiên cứu và phát triển. Đây là công việc đòi hỏi bề dày kinh nghiệm. Công tác điều hành do 4 anh em tôi đảm trách”, Sáng cho biết.

Có vẻ như người sáng lập Minh Long 1 đã chuẩn bị cho quá trình chuyển giao từ rất sớm. Sau 10 năm học tập ở nước ngoài, năm 2002, Sáng bắt đầu tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình với vị trí công nhân học việc. Xa nhà khá lâu nên anh phải ôn lại bài và tiếp xúc với những cải tiến trong quy trình hoạt động. Sáng lần lượt được điều động qua tất cả phòng ban, trước khi ngồi vào vị trí giám đốc sản xuất năm 2004. Cũng trong năm đó, tòa nhà Minh Sáng Plaza ở Bình Dương đi vào hoạt động. Có ý kiến cho rằng, việc ghép tên hai cha con làm tên gọi tòa nhà là thông điệp ông Lý Ngọc Minh lựa chọn người kế nghiệp. Tuy nhiên, Sáng không thừa nhận điều này, bởi ngoài Minh Sáng, còn có tòa nhà Minh Đạt ở quận 3, TP.HCM. Mỗi tòa nhà đều do một công ty quản lý, hạch toán độc lập với Minh Long 1. Vậy nên, Minh Long 1 phải trả phí dịch vụ cho diện tích mặt bằng sử dụng để trưng bày sản phẩm. “Việc không tham gia điều hành khiến chúng tôi không bị chi phối về mặt thời gian, có thể dành toàn bộ thời gian cho ngành kinh doanh cốt lõi”, Sáng nói.

Giống như anh hai, 3 người em của Sáng cũng phải trải qua công việc ở các bộ phận. Cha của họ là một doanh nhân trưởng thành từ thực tiễn. Ông từng ví công ty của mình giống như một “trường học đại”, với hàm ý rằng, xuất phát điểm, những thành viên của công ty đều không được đào tạo chính quy về gốm sứ và cũng không có hiểu biết về công nghệ sản xuất ngành này.

Có ý kiến cho rằng, thừa hưởng thương hiệu Minh Long 1 là một lợi thế đối với người thừa kế. Nhưng đối với họ, áp lực kế thừa di sản này không hề nhỏ. Ví cơ ngơi người cha khổ công gầy dựng như một chiếc xe đạp đua, Sáng nói: “Vào cuộc đua thương trường, người ta không quan tâm đến nguồn gốc chiếc xe của anh từ đâu mà có, tự mua hay được tặng. Vấn đề là anh có đua được không, có về đích được không”.

Trong bối cảnh nhiều ngành nghề vật lộn tìm cách sống còn, Minh Long 1 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng không dưới 15%/năm. Doanh thu năm 2013 đạt 700 tỷ đồng. Việc Công ty miễn nhiễm với đại dịch khủng hoảng là bởi chính sách bảo thủ. Sáng nói: “Nội lực tới đâu, chúng tôi làm tới đó”. Đáng chú ý là từ chỗ một doanh nghiệp xuất khẩu gần như trọn gói, cán cân tiêu thụ sản phẩm của Minh Long 1 những năm gần đây lệch hẳn về thị trường nội địa, với tỉ lệ 80 - 20. “Xuất khẩu vẫn tăng về giá trị tuyệt đối. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn tăng trưởng thị trường nội địa”, Sáng lý giải.

Về việc cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Sáng tỏ ra khá bình tĩnh: “Chúng tôi chưa bao giờ cạnh tranh về giá. Chúng tôi chỉ mang đến thêm một sự lựa chọn. Tiếng nói quyết định phụ thuộc vào người tiêu dùng”.

Cuối năm 2013 cũng là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển 44 năm của Minh Long 1. Công ty đã tung ra thị trường dòng sản phẩm đồ sứ chuyên dụng cho nhà hàng, khách sạn mang nhãn hiệu Ly’s Horeca gồm 250 mã hàng. Đặc điểm nhận diện của dòng sản phẩm này là gam màu trắng ngà, không sử dụng hoa văn và độ cứng rất cao. Đây cũng chính là công trình nghiên cứu của hai thế hệ họ Lý trong suốt 8 năm qua.

http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=19375-cuoc-chuyen-giao-o-minh-long-1

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Bạn có thể quan tâm