Mùa iPhone đã đến. Trong bài keynote kéo dài 2 tiếng tại trụ sở hình phi thuyền, CEO Tim Cook giới thiệu 3 chiếc iPhone mới. Dự kiến đến Giáng sinh, sẽ có khoảng 75 triệu người bỏ tiền mua những chiếc iPhone đó. Đây chính là sản phẩm điện tử tiêu dùng thành công nhất mọi thời đại.
Đã có quá nhiều câu chuyện lãng mạn về hành trình của iPhone trong 10 năm qua nhưng đây không phải câu chuyện như vậy. Nó nói về thế lực ngầm, đấu đá không khoan nhượng bên trong ngành công nghiệp này.
Cuộc chiến bên trong ngành công nghiệp smartphone không yên ả như người dùng nghĩ. Đối thủ có thể nhanh chóng trở thành đối tác và ngược lại. |
Nó bắt nguồn từ tài liệu gửi lên tòa án, tranh luận về một linh kiện trị giá 18 USD bên trong chiếc di động: modem không dây. Câu chuyện xảy ra 2 năm trước, khi lãnh đạo cao cấp của Apple (có thể là CEO Tim Cook) và Samsung (có thể là Phó chủ tịch Jay Y.Lee) cùng đưa ra một quan điểm.
Samsung và Apple là đối thủ lớn nhất của nhau. Vụ kiện tụng giữa họ kéo dài hàng thập kỷ. Tuy nhiên, Samsung cũng là đối tác cung ứng lớn nhất của Apple và là đồng minh của nhau trong một cuộc chiến bản quyền khác, đối đầu Qualcomm Inc., một trong những công ty bán dẫn lớn nhất thế giới.
'Thuế Qualcomm'
Hầu hết người dùng phổ thông không biết nhiều về Qualcomm, công ty có lợi nhuận tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua, nhờ phương thức kinh doanh không giống ai. Ngoài việc bán modem và chip, Qualcomm sở hữu lượng bằng sáng chế lên đến 130.000, chủ yếu liên quan đến các công nghệ cho phép điện thoại gửi và nhận dữ liệu.
Nói cách khác, nếu muốn bán một chiếc điện thoại có khả năng kết nối Internet tốc độ cao, bạn cần bằng sáng chế của Qualcomm. Công ty này thu một khoản phí 5% giá trị bán ra trung bình của một chiếc di động, tương đương hơn 30 USD cho một thiết bị di động cao cấp.
Chi phí linh kiện và giá bán lẻ của iPhone qua các năm. Số liệu: Business Week. |
Qualcomm nói mức giá đó là công bằng. Về cơ bản, đó là số tiền không lớn để thiết bị có thể gửi, nhận dữ liệu tốc độ cao. Các hãng sản xuất gọi đó là “thuế Qualcomm”. Khoản thuế này đang bị điều tra bởi chính quyền Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ. Một vài nhà sản xuất như Nokia, Ericsson từng thất bại khi đưa Qualcomm ra tòa. Số còn lại cố gắng đàm phán để được “giảm thuế”.
Apple - hãng di động lớn nhất thế giới xét theo doanh thu - có vị thế tốt để đàm phán. Họ thuyết phục thành công Qualcomm giảm mức phí bản quyền này xuống còn 10 USD/thiết bị, theo ước tính của các nhà phân tích.
Để đánh đổi, Apple cam kết không làm khó Qualcomm trong các cuộc chiến pháp lý. Nói dễ hiểu hơn, khi cơ quan công quyền động đến, Apple sẽ trả lời họ theo một kịch bản được dựng sẵn, theo hướng không gây bất lợi cho Qualcomm.
Mâu thuẫn lợi ích
Tuy nhiên, có vẻ như Apple bỗng dưng nhìn ra cơ hội đánh đổ Qualcomm, hoặc ít nhất, tiếp tục giảm phí bản quyền xuống. Họ bắt đầu liên minh với Samsung, yêu cầu giới chức Hàn Quốc mở cuộc điều tra Qualcomm từ năm 2014.
Apple, tất nhiên, chối bay chối biến việc này. “Tôi không biết họ đang nói về cái gì”, Bruce Sewell - Tổng tư vấn, Phó chủ tịch phụ trách luật pháp của Apple chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. Samsung cũng từ chối bình luận về sự tồn tại của liên minh này.
Tuy nhiên, việc Ủy ban Thương mại Hàn Quốc tấn công Qualcomm là có thật. Họ đưa ra mức phạt 850 triệu USD vào cuối năm 2016 vì “lạm dụng vị thế thị trường” và yêu cầu họ thay đổi mức phí bản quyền.
3 tuần sau, đến lượt Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) cáo buộc tương tự. Qualcomm hoàn toàn không thừa nhận các cáo buộc trong cả 2 trường hợp. 3 ngày sau động thái của FTC, Apple đệ đơn kiện tại California. Họ yêu cầu công ty này trả 1 tỷ USD bồi thường và giảm sâu mức phí bản quyền công nghệ. Apple đồng thời dừng trả phí bản quyền thường niên cho Qualcomm. Mức phí được cho ở mức 2 tỷ USD/năm.
Chỉ sau vài tuần, giá trị của Qualcomm từ mức hơn 100 tỷ USD tháng 12/2016 bị giảm 1/4. Một lãnh đạo của Qualcomm nói đó là ý đồ của Apple. “Kế hoạch của Apple là bóp nghẹt người khác cho đến khi họ nói ‘OK, áp lực quá cao. Tôi sẽ đồng ý đàm phán’”, Derek Aberle – Chủ tịch của Qualcomm nói trong bài phỏng vấn hồi tháng 7. Đại diện Apple thì nói quyết đoán: “Không phải chúng tôi không thể trả mà chúng tôi không nên trả”.
"Kế hoạch của Apple là bóp nghẹt cho đến khi bạn nói, OK, tôi đồng ý đàm phán"
Vụ việc sẽ được đưa ra xét xử tại San Diego vào đầu năm sau. Nếu chiến thắng, Qualcomm sẽ dẹp bỏ mọi nỗ lực muốn giảm phí bản quyền của các nhà sản xuất khác. Nếu Apple thắng, quyền lực của Qualcomm sẽ lung lay dữ dội trong ngành công nghiệp di động.
Lý lẽ của kẻ cắp, bà già
“Công việc của chúng tôi là mang đến cơ hội tham gia ngành công nghiệp càng nhiều càng tốt”, Steve Mollenkopf, CEO của Qualcomm nói và lấy dẫn chứng về sự ra đời của Essential Phone, smartphone do cha đẻ Android Andy Rubin sáng tạo ra. Công ty này chỉ có 100 nhân viên và vốn đầu tư 100 triệu USD nhưng được đánh giá sánh ngang với iPhone X, thành quả của khoản đầu tư 10 tỷ USD R&D năm 2016.
Apple, trong khi đó, có lý lẽ của mình. ‘Nó đây”, Sewell nói và chỉ tay vào một modem từ Qualcomm. “Thứ này có giá 18 USD, chưa bao gồm phí bản quyền”.
Đầu tư vào R&D nhiều hơn bất cứ đối thủ nào, modem của Qualcomm luôn là thứ tiên tiến nhất. Trong nhiều năm, Apple thừa nhận chỉ có modem của Qualcomm đủ tốt để sử dụng trên iPhone. Đó cũng là lý do Apple bị ràng buộc với Qualcomm, theo Sewell.
"Làm đối tác với Apple là cơ hội lớn nhưng đôi khi, kết thúc của mối quan hệ này khá bi đát"
Tuy nhiên, công thức này bắt đầu thay đổi từ năm 2015 khi Apple hợp tác với Intel, sử dụng modem Wi-Fi trên iPhone 7. Cũng từ đó, Apple bắt đầu tỏ ra ngang bướng hơn trước đòi hỏi của Qualcomm. Mặc dù nội dung các cuộc đàm phán được giữ kín, Sewwell đã hé lộ phần nào vào thời điểm 2 tuần trước khi iPhone 8 ra mắt.
Trong cuộc trao đổi với Business Week, đại diện Apple đem một chiếc iPhone 7 128 GB có giá 750 USD và model 256 GB có giá cao hơn 100 USD. “Công bằng ở đâu, khi Qualcomm đòi trả thêm 5 USD tiền công nghệ cho chiếc iPhone đắt hơn, trong khi cả 2 sử dụng chung modem”, đại diện Apple đặt câu hỏi.
Từ năm 2015, Apple yêu cầu được trả phí bản quyền dựa trên giá modem, thay vì giá bán của sản phẩm. Sewell tin họ không nên trả nhiều hơn 4 USD cho mỗi thiết bị, ít hơn 60% so với những gì Qualcomm đòi hỏi. Qualcomm, tất nhiên, từ chối.
Mollenkopf khẳng định Qualcomm, hiện có trong tay 38 tỷ USD tiền mặt, sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Con số này nghe có vẻ ấn tượng nhưng thực tế, Apple có gấp 7 lần số tiền đó trong túi.