Hãng tin CNN International của Mỹ sẽ bị tước giấy phép hoạt động tại Nga trong vòng chưa đến một tuần nếu đến ngày 11/10, hãng không “chấm dứt các vi phạm” mà Roskomnadzor, cơ quan giám sát thông tin, IT và truyền thông của Liên bang Nga, phát hiện.
Diễn biến trên xuất hiện chỉ một ngày sau khi chính RT lên tiếng khiếu nại việc cơ quan này bị Bộ Tư pháp Mỹ gửi thư yêu cầu phải đăng ký hoạt động với tư cách là "văn phòng đại diện nước ngoài" theo Luật Đăng ký đại diện nước ngoài (FARA) trước hạn chót là ngày 17/10.
“Đây không khác gì hành động trục xuất trên danh nghĩa,” AFP dẫn lời Tổng giám đốc RT Margarita Simonyan.
RT và CNN, 2 đích ngắm đầu tiên trong cuộc chiến truyền thông Nga-Mỹ. Ảnh: YouTube. |
Mỹ khai chiến với truyền thông Nga
Đăng ký tư cách "văn phòng đại diện nước ngoài" theo FARA đồng nghĩa với việc RT sẽ phải công khai thông tin cá nhân của các nhân viên và cả các đối tượng phỏng vấn của kênh truyền hình này bằng cách gửi báo cáo lên Bộ Tư pháp Mỹ. Trong trường hợp không tuân thủ, nhân viên và tài sản của công ty sẽ bị bắt giữ và tịch biên.
FARA ra đời từ năm 1938 để chống lại ảnh hưởng quá mức của nước ngoài đối với chính sách của Mỹ.
Trên trang mạng chính thức, bà Simonyan đã chỉ trích quyết định của Bộ Tư pháp là một phần trong "cuộc chiến" của Mỹ với truyền thông Nga.
Tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya của Chính phủ Nga (trước đây là RIA Novosti), dẫn một số báo cáo cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đang nhắm vào Sputnik, một nhánh của Rossiya Segodnya.
Giám đốc RT chỉ trích việc gây áp lực lên RT là hành động khiếu chiến của Mỹ với truyền thông Nga. Ảnh: TASS. |
Nhà báo Mỹ Andrew Feinberg, từng cộng tác với Sputnik hồi đầu năm nay, cho biết ông đã bị FBI tra hỏi hôm 1/9. Các câu hỏi của FBI tập trung tìm hiểu cách thức hoạt động của Sputnik trong công tác thu thập tin tức và cách điều hành đài phát thanh của hãng này đặt tại Washington.
Theo Feinberg, các điều tra viên dường như muốn làm rõ liệu Sputnik tại Mỹ hoạt động như một cơ quan tin tức hay một tổ chức nước ngoài làm nhiệm vụ vận động hành lang.
Giới chức Mỹ cho đến nay vẫn im lặng trước các thông tin này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết bên cạnh RT và Sputnik, hãng thông tấn TASS của Nga và nhiều tờ báo và nhà báo nước này cũng bị cản trở hoạt động tại Mỹ.
Ăn miếng trả miếng
Bà Zakharova cho rằng việc làm của Mỹ là "sai lầm lớn", đồng thời cảnh cáo nếu phía Mỹ tạo ra những tình huống khiến cho các phóng viên Nga bị đe dọa khi tác nghiệp, Moscow sẽ có những biện pháp trả đũa, ví dụ như không cấp phép cho nhà báo Mỹ hoạt động tại Nga.
Việc Roskomnadzor thông báo phát hiện các vi phạm hành chính tại trụ sở của CNN International ở Nga được cho là “phát súng đáp trả” đầu tiên của Moscow trong trận chiến truyền thông với Mỹ.
Cho đến nay, Nga chưa có dấu hiệu nhắm vào thêm đơn vị truyền thông Mỹ nào ngoài CNN. Tuy nhiên, Roskomnadzor, cơ quan hiện giám sát 40 công ty truyền thông Mỹ hoạt động tại Nga, để ngỏ khả năng căng thẳng có thể tiếp tục leo thang.
“Hãy tin tôi, Nga có đủ cơ chế pháp lý, và chúng ta có cũng có cơ quan lập pháp linh hoạt, để có biện pháp phù hợp trong trường hợp tình huống với Mỹ leo thang lên nấc căng thẳng mới,” Interfax dẫn lời Phó giám đốc Roskomnadzor Vadim Subbotin phát biểu trước phiên điều trần Quốc hội Liên bang Nga hôm 5/10.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ đang 'sai lầm lớn'. Ảnh: Russia Insider. |
Interfax cũng dẫn một nguồn thạo tin giấu tên cho biết Văn phòng Tổng công tố và nhiều cơ quan chính phủ khác của Nga cũng đang xem xét khả năng tuyên bố một số đơn vị truyền thông Mỹ là “không được chào đón” trên đất Nga. Theo luật pháp Nga, điều này đồng nghĩa với việc hoạt động của các cơ quan này sẽ bị cấm trên “xứ sở Bạch Dương”.
Văn phòng Tổng công tố chưa bình luận gì về thông tin này.
“Một số cơ quan truyền thông của chúng ta đang đối mặt với áp lực chưa từng có tiền lệ,” AFP dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với phóng viên ngày 6/10. “Chúng tôi tin rằng những hành động này [của Mỹ] là sự vi phạm đối với quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.”
“Rõ ràng, nếu tình trạng gây áp lực này cũng như việc cản trở quyền tác nghiệp của truyền thông và các nhà báo Nga tiếp diễn, không thể loại trừ khả năng [Moscow] sẽ có hành động phù hợp với nguyên tắc đáp trả”.
Vẫn là chuyện can thiệp bầu cử
Không phải tình cờ khi RT là đích ngắm đầu tiên của Washington khi nhằm vào truyền thông Nga. Đài truyền hình này là tâm điểm trong cuộc điều tra dai dẳng tại Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi 2016.
Đợt cuối tháng 9, ban lãnh đạo Twitter từng khai trước Quốc hội Mỹ rằng RT đã chi bộn tiền (274.100 USD) cho các chiến dịch quảng cáo ở Mỹ trong năm 2016. Bên cạnh đó, tài khoản của RT trên Twitter đã đăng hơn 1.800 dòng trạng thái “rõ ràng hoặc có ẩn ý nhằm vào nước Mỹ”.
Đáp lại, RT khẳng định mọi quảng cáo trên Twitter của mình đều hợp pháp. Tuyên bố của hãng còn mỉa mai rằng gần 2.000 quảng cáo của RT đăng tải trên mạng xã hội “chim xanh” trong năm 2016 "chẳng khác gì so với các tập đoàn truyền thông khác".
“Chúng tôi phải nói rõ rằng [ngoài Twitter] chúng tôi còn trả tiền để đăng quảng cáo tại các sân bay, trên taxi, trên bảng quảng cáo công cộng, trên mạng Internet, TV và radio. Thậm chí cả CNN cũng đăng quảng cáo của RT. Chúng tôi lại không nghĩ rằng trong một xã hội dân chủ phát triển, quảng cáo truyền thông lại cũng có thể bị coi là hành động đáng ngờ hoặc gây hại”, theo tuyên bố chính thức của RT.
Mỹ tin rằng Nga tìm cách tác động vào bầu cử Mỹ thông qua RT và Sputnik. Ảnh: Daily Beast. |
Sau chiến thắng nằm ngoài mọi dự đoán của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Điện Kremlin đứng đằng sau một chiến dịch tấn công mạng và tuyên truyền online nhằm xoay chuyển cục diện sang hướng có lợi cho ông Trump, lúc đó là ứng cử viên đảng Cộng hòa.
Quốc hội Mỹ đã thành lập nhiều ủy ban để điều tra nghi vấn này, chưa kể đến một Hội đồng đặc biệt do cựu Giám đốc FBI Robert Mueller dẫn đầu đang tiến hành một cuộc điều tra riêng rẽ.
Tuy nhiên, cho đến nay, các ủy ban này chưa đưa ra được kết luận rõ ràng nào. Trong khi đó, chính quyền Donald Trump và Điện Kremlin liên tiếp bác bỏ các cáo buộc.