Cuộc chiến tìm kiếm 'nóng' trở lại ở Việt Nam
Đã bốn năm trôi qua kể từ làn sóng các công ty Việt Nam xây dựng công cụ tìm kiếm, dường như các lập trình viên Việt Nam vẫn chưa bỏ cuộc. Mới đây, cộng đồng công nghệ lại vừa đón chào một sản phẩm mới: Coccoc.com.
Cốc Cốc là một dự án lớn với sự tham gia của hàng trăm nhà phát triển Việt Nam từ các công ty và trường đại học lớn trên thế giới như Google, Intel, Standford, Cambridge, Moscow State University, NTU… Mục tiêu của dự án là tạo ra một công cụ tìm kiếm chất lượng cao cho người Việt. Cốc Cốc do ba lập trình viên Việt Nam tốt nghiệp đại học Moscow (Liên bang Nga) sáng lập, chi phí dự kiến của dự án là 100 triệu đô la Mỹ.
Tại thời điểm hiện tại, bên cạnh khả năng đọc hiểu tiếng Việt, Cốc Cốc cũng cho thấy khả năng tìm kiếm địa điểm khá tốt so với các công cụ tìm kiếm khác. Cốc Cốc có một giao diện riêng để hiển thị kết quả tìm kiếm địa điểm gồm ảnh đại diện, địa chỉ, số điện thoại, website (nếu có). Khi người dùng click vào kết quả, họ sẽ thấy một tấm ảnh lớn hơn cho phép hình dung diện mạo bên ngoài của địa điểm.
Tìm kiếm thử với từ khóa "Quan com binh dan duong Lac Trung", trang đầu tiên Cốc Cốc trả về 7 quán cơm tại Lạc Trung với thông tin chi tiết gồm: ảnh mặt tiền cửa hàng, địa chỉ, trong khi Google chỉ đưa ra 1 kết quả chính xác.
Kết quả của Cốc Cốc ngày 1/4 đã xóa cookies:
Phần lớn địa điểm, cửa hàng tại Việt Nam không hề có trang web hay bất kỳ thông tin nào trên mạng. Điều này đồng nghĩa với việc các công cụ tìm kiếm không thể tìm ra chúng trừ khi trực tiếp tới từng cửa hàng và nhập dữ liệu vào hệ thống bằng tay. Dường như đây là điều mà Cốc Cốc đã làm khi mà theo một số nguồn tin, Cốc Cốc hiện đã sở hữu kho dữ liệu về địa điểm lớn nhất Việt Nam - khoảng hơn nửa triệu địa điểm trên 171 thành phố, thị xã, thị trấn thuộc 60/63 tỉnh thành.
Các kỹ sư của Cốc Cốc còn cho biết, họ đang triển khai một dự án khá tham vọng là xây dựng bản đồ các thành phố tại Việt Nam bằng công nghệ quay 360 kết hợp với công nghệ nhúng địa điểm trong video. Công nghệ 360 cho phép người dùng trải nghiệm như chính họ đang có mặt trên con đường hoặc địa điểm mà họ tìm kiếm. Còn việc nhúng địa điểm trong video cho phép người dùng có thể đào sâu từng mét trên video để xem trên con phố đó có những dịch vụ gì: ATM, trạm xăng, rạp chiếu phim, nhà hàng… Các địa điểm được đánh dấu bằng các ký hiệu trong video. Khi người dùng nhấp chuột vào, họ sẽ thấy tên, địa chỉ, số điện thoại và ảnh đại diện của địa điểm đó.
Một ví dụ khá thú vị là kết quả tìm kiếm của địa điểm "Siêu thị Intimex Bờ Hồ"
Ảnh chụp từ video 360 quay địa điểm "siêu thị Intimex Bờ Hồ". |
Cạnh tranh với Google nghe có vẻ là một sự điên rồ, nhưng cũng chính nhờ những sự điên rồ như thế mà ngành công nghệ Việt Nam đã đưa giấc mơ xuất khẩu phần mềm trở thành sự thật.
Tư liệu: Cốc Cốc
Theo Infonet