Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến thị phần máy bay Trung - Ấn

Trung Quốc và Ấn Độ đều đang nỗ lực tiếp thị máy bay chiến đấu hạng nhẹ cho các khách hàng trên thế giới, tuy nhiên New Delhi đang chậm chân so với đối thủ.

Tejas (trái) và JF-17 (phải) hai chiến đấu cơ giá rẻ đang nỗ lực tranh giành thị phần ở khu vực châu Á. Ảnh minh họa.

Theo SCMP, triển lãm hàng không quốc tế Bahrain Air Show diễn ra từ ngày 21 đến 23/1 là cơ hội để Ấn Độ và Trung Quốc giới thiệu vũ khí đến khách hàng nước ngoài. Tiêm kích hạng nhẹ Tejas của Ấn Độ và JF-17 của Trung Quốc sẽ trổ tài nhào lộn trên không để quảng bá với khách hàng.

Máy bay chiến đấu do châu Á sản xuất có thể giành những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD. Đó là lý do Trung - Ấn sử dụng nhiều giải pháp để tìm kiếm khách hàng.

Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu Tejas do Ấn Độ chế tạo xuất hiện tại một triển lãm hàng không nước ngoài. New Delhi muốn giới thiệu Tejas như một giải pháp thay thế cho tiêm kích JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất.

Việc giới thiệu máy bay của Ấn Độ được theo dõi một cách sát sao vì có thông tin cho rằng, New Delhi đã gây sức ép ngoại giao buộc Sri Lanka hủy thỏa thuận mua máy bay chiến đấu JF-17, một cú “vỗ mặt” vào kế hoạch mở rộng thị phần của JF-17.

Hiện tại, Myanmar và Nigeria là 2 khách hàng đã mua JF-17, còn gọi là FC-1 Xiaolong ở Trung Quốc. Trong tháng 7/2015, Sri Lanka trở thành niềm hy vọng sáng giá sau khi Malaysia từ chối mua máy bay này.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA Tejas của Ấn Độ. Ảnh: Không quân Ấn Độ

Nỗ lực của Ấn Độ

Trong khi đó, nỗ lực tiếp thị hàng không quân sự của Ấn Độ cũng gặp không ít trắc trở. Tháng 10/2015, Ecuador đã hủy hợp đồng mua trực thăng Dhruv sau khi có báo cáo 4 trong số 7 trực thăng mà nước này mua từ Ấn Độ gặp tai nạn và những chiếc còn lại phải cấm bay.

“Ấn Độ muốn chứng minh độ tin cậy của Tejas và cung cấp nó như một giải pháp thay thế cho JF-17. Tuy nhiên, Tejas vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Triển làm hàng không lần này là cơ hội để chứng minh hiệu suất của vũ khí Ấn Độ”, C. Uday Bhaskar, cựu sĩ quan chỉ huy hải quân hiện là giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, cho biết.

Tejas và JF-17 là 2 loại tiêm kích hạng nhẹ, ít bảo trì và chi phí thấp so với chiến đấu cơ của Nga và phương Tây. Nguyên mẫu của Tejas thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2001, trong khi JF-17 cất cánh lần đầu trong năm 2003.

Tuy nhiên, quá trình phát triển của 2 loại máy bay này rất khác nhau. Trong khi JF-17 đã được đưa vào hoạt động và sẵn sàng để bán. Tejas chậm tiến độ, hơn 3 thập niên phát triển, máy bay này vẫn chưa thực sự hoàn thành.

Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã có những nỗ lực để tăng tốc độ phát triển Tejas và đưa máy bay này ra thị trường quốc tế.

Ông Modi chủ trương khuyến khích tăng sản xuất quốc phòng trong nước như là một phần của chiến lược “sản xuất tại Ấn Độ” để vực dậy nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu quốc phòng đắt đỏ.

Cuộc chiến địa chính trị

Trước đó, Sri Lanka dự kiến sẽ ký một thỏa thuận mua 12 tiêm kích JF-17 trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif vào tháng 1. Tuy nhiên, sau chuyến thăm của ông Sharif, Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka đã phủ nhận việc mua JF-17.

Hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng về sự liên quan của Ấn Độ trong việc Sri Lanka từ chối mua JF-17. Nhưng một nguồn tin chính phủ tại New Delhi nói với SCMP rằng, cao ủy Ấn Độ tại Colombo (thủ đô Sri Lanka) đã gặp ngoại trưởng nước này ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Sharif để truyền tải "những mối quan tâm của Ấn Độ".

Tiêm kích hạng nhẹ JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác chế tạo. Ảnh: Military Today

Một quan chức Ấn Độ giấu tên nói: “Chúng tôi lo lắng về Pakistan nhiều hơn so với Trung Quốc. Việc mua máy bay sẽ giúp cho Pakistan tăng cường hợp tác với lực lượng vũ trang Sri Lanka. Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó”.

Vị quan chức giấu tên cho biết thêm, mối quan ngại về Trung Quốc cũng không hề nhỏ, Sri Lanka không có tiền để mua máy bay, Pakistan cũng không. Vậy ai sẽ tài trợ cho việc mua máy bay? Khoản tín dụng đó chắc chắn đến từ Trung Quốc.

Từ lâu, Ấn Độ đã quan ngại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Sri Lanka kể từ khi 2 tàu ngầm Trung Quốc thăm Colombo trong năm 2015.

Sự việc giống như “giọt nước tràn ly” trong quan hệ giữa Ấn Độ với cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa - người nghiêng về phía Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng quan hệ ngoại giao với New Delhi. Kế hoạch mua JF-17 lần đầu tiên được đưa ra bàn luận bởi chính phủ của ông Rajapaksa.

Đại tá R Hariharan, cựu sĩ quan tình báo Ấn Độ cho biết, có rất nhiều yếu tố địa chính trị rộng lớn đang diễn ra trong chuỗi sự kiện JF-17 ở Sri Lanka. Vị cựu sĩ quan hiện đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai, Ấn Độ nói:

“Trường hợp của Sri Lanka cũng tương tự như việc Mỹ gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ hủy thỏa thuận mua tên lửa phòng không tầm xa của Trung Quốc”.

Ấn Độ cũng muốn sử dụng giải pháp tương tự để giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - khu vực vốn được coi là sân sau của Ấn Độ, SCMP nhận định.

Mỹ thường tìm cách ngăn cản Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở một số khu vực nhất định, những nơi có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ trên toàn cầu, chẳng hạn như khu vực Ấn Độ Dương.

Hải quân Ấn Độ đã mua nhiều máy bay trinh sát hàng hải tiên tiến từ Mỹ và quá trình hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang phát triển mạnh. Ấn Độ và Mỹ có chung lợi ích trong việc kiềm chế Trung Quốc và Pakistan xúc tiến các hoạt động quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương.

Thần sấm JF-17 của Trung Quốc thâm nhập thị trường vũ khí

Trung Quốc đang ngày càng trở thành “tay chơi đáng gờm” trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Rất nhiều quốc gia đã thể hiện sự quan tâm đến chiến đấu cơ đa năng JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất.

Ấn Độ thách thức Trung Quốc bằng vũ khí giá rẻ

Ấn Độ sẵn sàng bán máy bay chiến đấu và tên lửa với mức giá "thấp hơn đáng kể" so với một số loại vũ khí đang được Trung Quốc chào bán cho các nước trên thế giới.



Quốc Việt (theo SCMP)

Bạn có thể quan tâm