Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc chiến Super League chưa kết thúc

Nhiệm vụ của Juventus hay Real bây giờ là thuyết phục 6 đội bóng hàng đầu nước Anh trở lại đứng chung chiếc thuyền Super League.

Bình luận

Phán quyết ra ngày 30/7 của Tòa án Thương mại số 17 Madrid (CIMA) mang đến bối cảnh mới cho Super League. Những nguy cơ các nhân vật lãnh đạo hay cầu thủ ủng hộ dự án bị trừng phạt bởi Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã suy giảm.

Super League anh 1

Barca, Real và Juventus sống lại hy vọng xây dựng một siêu giải đấu của riêng họ. Vấn đề còn lại với 3 CLB này là tiếp tục chiến đấu ở cấp tòa án cao hơn, cũng như thuyết phục các đại diện Anh trở lại cuộc chơi.

Thông điệp của 3 CLB

Khi CIMA ra thông báo xử 12 CLB dự tính thành lập Super League thắng kiện với UEFA, Barca, Real và Juve ngay lập tức đăng thông tin này lên trang chủ.

"Chúng tôi rất hoan nghênh quyết định của tòa", trang chủ Barcelona có đoạn viết. "Quyết định này đã hủy bỏ các hành động chống lại tất cả câu lạc bộ sáng lập European Super League từ UEFA".

Super League anh 2

Các nhà lãnh đạo của Juventus, Barcelona và Real chưa từ bỏ ý định lập Super League. Ảnh: Reuters.

Giữa tháng 4, kế hoạch thành lập Super League của 12 CLB hàng đầu châu Âu vấp phải sự phản đối từ nhiều phía.

6 CLB của Ngoại hạng Anh sau đó tuyên bố rút khỏi dự án, vì e ngại sự trừng phạt của Chính phủ và Hoàng gia Anh cũng như sự giận dữ đến từ cổ động viên bản địa. Sau đó, Atletico, Inter Milan và AC Milan cũng tuyên bố rút khỏi giải đấu.

Tuy nhiên, 9 CLB kể trên vẫn nhận án phạt 7 triệu bảng, cùng việc bị trừ 5% tiền thưởng trong các giải đấu cấp CLB của UEFA. Với quyết định từ Tòa án Thương mại số 17 Madrid, các CLB kể trên sẽ không phải chịu bất kỳ án phạt nào từ UEFA.

Bên cạnh đó, 3 CLB quyết tâm theo đuổi Super League cũng sẽ tránh được các quyết định trừng phạt trong tương lai.

Trang chủ Juve, Barca hay Real đều tuyên bố đanh thép: "Tòa án ủng hộ yêu cầu của những người sáng lập European Super League, bác bỏ kháng cáo của UEFA cũng như cảnh báo tổ chức này, về việc không tuân thủ phán quyết sẽ dẫn đến các án phạt cho họ trong tương lai ".

3 CLB còn lại của Super League xác nhận họ sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch Super League. Họ tin Tòa án Công lý châu Âu (European Court of Justice - ECJ) tại Luxembourg sẽ tiếp tục đưa ra quyết định công bằng, cũng như điều tra sự độc quyền của UEFA đối với bóng đá châu Âu.

Real hay Juve mô tả UEFA như tổ chức độc đoán, đưa ra nhiều quyết định gây xung đột lợi ích, kéo bóng đá châu Âu thụt lùi.

Đây chính là quan điểm mà Chủ tịch Real Florentino Perez hay CEO Andrea Agnelli của Juve nói hồi tháng 4.

Lúc đó, Perez đặt dấu hỏi về tính minh bạch của UEFA. Chủ tịch Real nêu ví dụ cụ thể rằng chẳng ai biết lương của Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin hiện tại là bao nhiêu, như một cách ám chỉ tổ chức này thiếu minh bạch tài chính.

Những thế lực truyền thống của bóng đá lục địa già cũng đặt dấu hỏi về Luật Công Bằng Tài Chính (FFP) mà UEFA áp dụng, với mũi dùi hướng về Paris Saint-Germain, đội được cho có mối quan hệ thân thiết với nhiều đời lãnh đạo của LĐBĐ châu Âu.

"Có nhiều bằng chứng cho thấy các biện pháp kiểm soát tài chính mà UEFA áp dụng đã không phát huy tác dụng và có nhiều lỗ hổng", thông báo trên trang chủ Real viết. "Các CLB châu Âu có quyền điều hành những giải đấu của riêng họ".

Kể từ khi trỗi dậy với nguồn tiền từ dầu mỏ, PSG hay thậm chí Man City đã luôn phải chịu cuộc tấn công từ hậu trường của những CLB giàu truyền thống.

Man City, với ít sự hậu thuẫn từ UEFA hơn, là đội gặp rắc rối với FFP. Tuy nhiên, họ cũng đã thoát.

CLB thủ đô nước Pháp PSG thậm chí không được mời trong các cuộc họp tạo ra Super League. Họ thân thiết với UEFA và có thể trở thành kẻ phản bội.

PSG đã sớm đưa ra quan điểm không tham gia Super League. Các ông chủ người Qatar không thiếu tiền. Bayern cũng là đội từ chối tham gia Super League, nhưng họ được mời với tư cách thành viên đầu tiên.

Thông điệp mạnh mẽ mà 3 CLB lớn của châu Âu gửi tới UEFA cho thấy cuộc chiến Super League chưa thể lắng xuống. Bóng đá châu Âu đang rơi vào cuộc chiến nơi hậu trường, và thậm chí có thể tạo ra sự chia rẽ.

Super League anh 3

Các CĐV Anh là những người phản đối ý tưởng Super League mạnh mẽ nhất. Ảnh: Reuters.

Tâm điểm Premier League

Super League đã "chết yểu" vì sự rút lui sớm của 6 CLB hàng đầu nước Anh. Top 6 Premier League chiếm một nửa trong số 12 thành viên ban đầu của Super League.

Họ là những đội dễ bị dao động và chịu ảnh hưởng nhất, bởi yếu tố cổ động viên bản địa và thái độ của Chính phủ lẫn Hoàng gia Anh.

3 CLB khác gồm Atletico, Inter hay AC Milan dễ dàng trở lại kế hoạch Super League hơn, vì không vướng nhiều rào cản như các CLB Anh.

Chỉ cần Super League được khai sinh, sức hút của nó đủ để khiến các CLB khác như Bayern, PSG hay Porto, Dortmund không thể đứng ngoài.

Phán quyết của CIMA quan trọng với các CLB Italy, Tây Ban Nha hay Đức bởi vì trong cơ sở luật của EU, các quy định tư pháp có hiệu lực áp dụng trên các lãnh thổ thuộc Liên minh châu Âu.

Lúc này, UEFA sẽ không thể đưa ra các quyết định như phạt tiền, cấm hoạt động với những nhà lãnh đạo hay cầu thủ tham gia Super League. UEFA sẽ phải chờ phán quyết cuối cùng từ ECJ.

Nếu UEFA thua kiện tiếp ở ECJ, mọi thứ còn tệ hơn với tổ chức này. Họ khi đó bị coi là tổ chức vi phạm các nguyên tắc chống độc quyền trong thương mại châu Âu, cụ thể ở đây là bóng đá.

UEFA gần như sẽ bị "trói tay" hoàn toàn khỏi các quyết định can thiệp vào kinh tế hay quyền lực của các CLB.

Vấn đề với Perez hay Agnelli là ngay cả khi họ thắng trong cuộc chiến với UEFA ở ECJ vào mùa thu này, các CLB Anh chưa chắc dám trở lại Super League.

Sau khi có kết quả từ Tòa án ở Madrid, Independent dẫn một nguồn tin từ Chính phủ Anh tin rằng nếu top 6 Premier League có bất kỳ ý định nào quay lại Super League, họ sẽ phải trả giá đắt.

Vào tháng 6, top 6 Premier League đồng ý ký vào một cam kết chi hơn 22 triệu bảng để phát triển bóng đá cộng đồng nước Anh. Đây là khoản tiền được xem như "bồi thường" cho việc họ có "lỡ" ly khai Super League.

Bên cạnh đó, bản cam kết kể trên cũng quy định nếu bất kỳ CLB nào trong top 6 muốn ly khai lần nữa, họ sẽ bị trừ 30 điểm và chịu khoản phạt 25 triệu bảng.

Bộ trưởng Thể thao Anh Tracey Crouch lên các phương án về mặt pháp lý, nhằm ngăn chặn bất kỳ sự ly khai nào trong tương lai. Chính phủ Anh thậm chí có thể trao cho các CĐV bản địa quyền phủ quyết nếu đội bóng của họ muốn tham gia Super League.

Hậu Brexit, Chính phủ Anh còn dễ dàng hơn trong việc tạo ra các hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn và trừng phạt các CLB bóng đá của họ. Điều đó khác với các chính phủ khác đang thuộc EU.

Real hay Juve vẫn kiên quyết với ý tưởng Super League, nhưng họ hiểu dù UEFA có bị xử thua kiện ở ECJ mùa thu tới, các CLB Anh mới là nhân tố quyết định cho sự ra đời của giải đấu.

Liệu người ta có sẵn sàng cho một Super League không có sự hiện diện của các CLB Premier League?

'Đừng bao giờ tha thứ cho những kẻ đứng sau Super League' Sau khi 6 đội bóng Anh rút khỏi Super League, bình luận viên Kaveh Solhekol của Sky Sports tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ những ông chủ đứng sau kế hoạch về giải đấu này.

UEFA thua kiện trong dự án Super League

Sự kiên trì của Real Madrid, Barcelona và Juventus với dự án European Super League (ESL) đang thu được trái ngọt khi tòa án tuyên bố họ giành thắng lợi trong cuộc chiến với UEFA.

Chủ tịch UEFA khẩu chiến với Juventus vì Super League

Tình bạn giữa Aleksander Ceferin (Chủ tịch UEFA) và Andrea Agnelli (Chủ tịch Juventus) tan vỡ vì Super League. Những cuộc khẩu chiến giữa 2 bên chưa dừng lại.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm