Dựa trên dữ liệu từ Nam Phi, nước đầu tiên phát cảnh báo về Omicron, và Anh, một số nhà khoa học nhận định biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể sẽ là chủng thắng cuộc trong trận chiến trên.
“Vẫn còn tương đối sớm, nhưng dữ liệu đang dần xuất hiện và cho thấy Omicron nhiều khả năng sẽ vượt qua Delta trên nhiều phương diện, thậm chí là trên mọi mặt”, tiến sĩ Jacob Lemieux - người theo dõi biến chủng cho chương trình hợp tác nghiên cứu do Trường Y Harvard dẫn dắt - nói.
Một phụ nữ được tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Johannesburg, Nam Phi vào ngày 6/12. Ảnh: AP. |
Nhưng các chuyên gia khác cho rằng còn quá sớm để biết được liệu Omicron có dễ lây lan hơn Delta không, hay liệu Omicron sẽ mất bao lâu để thay thế Delta.
“Đặc biệt là ở Mỹ, nơi đang chứng kiến đợt bùng dịch Delta đáng kể, chúng ta sẽ biết liệu Omicron có thay thế Delta hay không sau khoảng hai tuần”, Matthew Binnicker - Giám đốc Virus học lâm sàng thuộc Trung tâm Y tế Mayo Clinic tại thành phố Rochester, Minnesota (Mỹ) - nói.
Tranh luận về Omicron và Delta
Tới nay, nhiều câu hỏi quan trọng về Omicron còn chưa có câu trả lời, như việc liệu biến chủng này sẽ gây ra bệnh nặng hay nhẹ hơn, hay khả năng kháng miễn dịch của nó sẽ như thế nào.
Về vấn đề mức độ lây nhiễm, các nhà khoa học quan sát những gì đang diễn ra tại Nam Phi. Tốc độ Omicron lây lan và trở thành biến chủng gần như chi phối tại đây khiến chuyên gia y tế lo ngại Nam Phi đang ở giai đoạn đầu của làn sóng Covid-19 mới có thể gây quá tải bệnh viện.
Biến chủng mới đã nhanh chóng đẩy Nam Phi từ giai đoạn có số ca mắc thấp - trung bình chưa đầy 200 ca mắc/ngày vào giữa tháng 11 - tới hơn 16.000 ca/ngày vào cuối tuần qua.
Nhân viên nhà tang lễ di chuyển quan tài vào cuối tang lễ các bệnh nhân Covid-19 tại Cape Town, Nam Phi trong năm 2020. Các nhà khoa học lo sợ Nam Phi đang bước vào một làn sóng lây nhiễm thứ tư. Ảnh: AFP. |
Lúc này, Omicron chiếm hơn 90% ca nhiễm mới tại tỉnh Gauteng, trung tâm của làn sóng Covid-19 tại Nam Phi, theo các chuyên gia. Biến chủng mới còn đang nhanh chóng lan rộng và trở thành chủng thống trị tại 8 tỉnh khác của Nam Phi.
“Con virus này đang phát tán nhanh phi thường”, Willem Hanekom, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y tế châu Phi, nói. “Nếu nhìn vào độ dốc của làn sóng hiện tại, ta sẽ thấy độ dốc lần này dốc hơn nhiều so với ba làn sóng đầu tiên tại Nam Phi. Điều này cho thấy virus đang lan nhanh và có khả năng nó rất dễ lây nhiễm”.
Tuy nhiên, ông Hanekom cũng chỉ ra rằng tại thời điểm Omicron xuất hiện, số ca nhiễm Delta tại Nam Phi vẫn ở mức thấp nên chưa thể nói là Omicron vượt trội so với Delta.
Vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn
Các nhà khoa học cho rằng hiện chưa rõ liệu khi lan sang quốc gia khác, Omicron có còn giữ cách hoạt động như ở Nam Phi hay không.
Về vấn đề này, tiến sĩ Lemieux chỉ ra rằng ở một số nước như Anh - nơi giải trình tự gene rất nhiều, “chúng ta đang thấy điều có vẻ như là tín hiệu cho thấy Omicron tăng nhanh so với Delta”.
Trong khi đó, tại Mỹ và cũng như các nước khác trên thế giới, tình hình “vẫn còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn”, ông Lemieux nói.
Một biển báo nhắc nhở an toàn tại sảnh đi ở sân bay quốc tế Narita, gần Tokyo, Nhật Bản vào ngày 30/11, ngày đầu tiên Nhật Bản đóng cửa biên giới để ngăn biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters. |
“Nhưng khi kết hợp dữ liệu sơ bộ lại với nhau, chúng ta sẽ thấy nổi lên một bức tranh: Dựa trên những gì quan sát được ở Nam Phi, Omicron rất có thể sẽ trở thành chủng thống trị trong thời gian tới và có khả năng khiến số ca mắc gia tăng”.
Dù vậy, tác động của điều này lên y tế công cộng vẫn còn cần được thời gian trả lời. Theo ông Hanekom, dữ liệu sơ bộ từ Nam Phi cho thấy tỷ lệ tái nhiễm ở chủng Omicron cao hơn nhiều so với các chủng trước. Điều này thể hiện biến chủng này phần nào đang kháng miễn dịch.
Dữ liệu sơ bộ còn cho thấy Omicron dường như đang lây nhiễm cho thanh thiếu niên, hầu hết là người chưa tiêm chủng, và đa số ca nhập viện đều tương đối nhẹ.
Theo Giám đốc Binnicker, Omicron có thể có tác động khác nhau tùy từng vùng hoặc tùy nhóm bệnh nhân. “Sẽ rất thú vị để xem điều gì sẽ xảy ra khi có thêm các ca mắc mới ở nhóm người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền”, ông Binnicker nói. “Bệnh tình ở những người ấy sẽ như thế nào?”.
Trong lúc thế giới đang chờ đợi câu trả lời, các nhà khoa học kêu gọi người dân tự bảo vệ mình bằng mọi cách.
“Chúng tôi muốn người dân được miễn dịch càng mạnh càng tốt từ vaccine. Vì thế họ cần tiêm chủng nếu chưa tiêm”, ông Lemieux nói. “Họ cũng nên tiêm nhắc lại nếu đủ điều kiện và nên làm mọi cách khác mà chúng ta biết rõ là sẽ giúp giảm lây nhiễm như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và tránh tụ tập đông người”.