“Cuộc chiến” tranh nhau mua cá cơm giữa các cơ sở chế biến cá cơm khô và nhà thùng chưa có hồi kết, trong khi chỉ còn gần tháng nữa là kết thúc mùa khai thác, ủ nguyên liệu nước mắm trong năm.
Tràn lan cơ sở phơi, sấy
Chiếc xe tải loại 2,5 tấn vừa đỗ lại, hàng chục thanh niên vội túa ra, người vác, người khênh các khay nhựa, cần xé đựng đầy cá cơm tươi vào bên trong cơ sở chế biến cất tạm ở cặp mé biển. Bên trong những công nhân, phần đông là phụ nữ, sẽ rửa nguyên liệu sơ qua rồi tẩm ướp gia vị trước khi đưa cá vào lò “bát quái” để hấp. Lò được xây trên đất, kiểu như lò nấu rượu và đốt bằng củi. Chỉ sau ít phút, sản phẩm được chuyển ra đặt trước quạt công suất lớn để làm nguội rồi nhanh chóng đưa đi phơi dọc mé biển, trên các khay lưới kê cách mặt đất độ một thước hoặc đổ hẳn ra tấm cao su đã trải sẵn.
Một cơ sở chế biến cá cơm khô. |
“Chỉ mất độ một ngày rưỡi chúng tôi sẽ xong việc chế biến cá cơm tươi thành cá khô để chủ đóng gói, chở xuống phà Thạnh Thới (bãi Đá Chồng, xã Bãi Thơm) đưa vào đất liền tiêu thụ. 3kg cá tươi làm ra 1kg cá khô, nhưng giá cá khô gấp năm lần cá tươi nên ông chủ lời khẳm be xuồng luôn” - Thành, một người làm thuê cho cơ sở sơ chế cá cơm ở bãi Đất Đỏ, cho biết. Mỗi ngày nhóm của Thành bốc vác không dưới chục tấn cá tươi và được trả công 150.000-200.000 đồng/người tùy lượng hàng. Còn lao động ở các khâu khác thu nhập ít hơn, nhưng thấp nhất cũng 120.000 đồng/người.
Tại bãi Đất Đỏ có bốn cơ sở chế biến cá cơm. Mỗi cơ sở tận dụng vài trăm mét dọc dài bờ biển để làm sân phơi, lò hấp, bãi chứa gỗ đun lò. Nếu gặp mưa bão cá sẽ bị hư nên gần đây một số cơ sở tiến hành lắp đặt lò sấy hơi. Ngoài bãi Đất Đỏ, theo ghi nhận của chúng tôi, cả chục cơ sở chế biến cá cơm đã “mọc” lên tại bãi Dài (xã Gành Dầu), bãi Vòng (xã Hàm Ninh), cửa Lấp (xã Dương Tơ) và thị trấn Dương Đông.
Đáng nói là hầu hết cơ sở chế biến nằm trong khu vực quy hoạch phát triển du lịch đã được địa phương công bố.
Sẽ thắt chặt việc chế biến cá cơm?
Bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ tịch Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, cho biết việc phát triển các cơ sở phơi sấy cá cơm trong khoảng một năm đổ lại đây dẫn tới tình trạng tranh mua, đẩy giá cá nguyên liệu lên gấp đôi, gấp ba lúc trước. Hệ quả là có sáu doanh nghiệp làm nước mắm phải giải thể, những doanh nghiệp còn lại chỉ hoạt động chừng 50-60% công suất. Chỉ còn không đầy một tháng nữa là kết thúc mùa vụ đánh bắt, ủ chượp cá cơm, nếu tình trạng này kéo dài thì số doanh nghiệp bỏ nghề sẽ không dừng lại ở đó.
“Làm nước mắm cần vốn đầu tư lớn nên có tới 90% doanh nghiệp hoạt động bằng vốn vay, thời hạn chỉ 9-12 tháng. Bây giờ ngừng hoặc giảm công suất, doanh nghiệp phải gồng lên trả lãi, thiệt hại lớn lắm” - bà Tịnh nói. Theo nhiều nhà thùng ở Phú Quốc, đã có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. “Chúng tôi là doanh nghiệp chịu ràng buộc về thuế, quy trình sản xuất, nhưng cơ sở làm cá cơm khô thì gần như được thả nổi, chi phí sản xuất, vốn đầu tư ban đầu thấp nên họ mạnh dạn mua cá nguyên liệu với giá cao” - một chủ nhà thùng ở thị trấn Dương Đông bức xúc nói.
Ông Huỳnh Quang Hưng - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - thừa nhận ban đầu các cơ sở chế biến cá cơm khô đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động thiếu tay nghề, tăng thu nhập cho ngư dân, nhưng khi phát triển ồ ạt, khó kiểm soát với lượng cá cơm tươi tiêu thụ mỗi ngày khoảng 150 tấn, dẫn tới nhiều bất cập như thất thu thuế, ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan du lịch... Trước thực trạng này, mới đây UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện các hoạt động thu mua, chế biến, vận chuyển cá cơm trên toàn đảo.
“Chế biến cá cơm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên sắp tới huyện sẽ siết chặt quản lý, các cơ sở không hội đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như các quy định khác sẽ phải đóng cửa” - ông Hưng khẳng định. Cũng theo ông Hưng, huyện đã quy hoạch khu chế biến hải sản, sản xuất nước mắm rộng 100ha. Cơ sở làm cá cơm khô nào đủ điều kiện, có nhu cầu sẽ được xem xét, bố trí tập trung vào đây cùng với các doanh nghiệp nước mắm. “Bên cạnh việc xác lập quy mô sản xuất, địa phương sẽ xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, đánh bắt cá cơm để nghề làm nước mắm truyền thống có thể đứng vững” - ông Hưng nói.