"Số lượng băng đảng ma tuý ở Mexico còn nhiều hơn cả số bang của chúng tôi. Mỗi bang đều có khoảng 2-3 nhóm. Rồi họ tấn công, tàn sát lẫn nhau trong cuộc chiến giành ảnh hưởng. Cảnh sát cũng bất lực không thể ngăn chặn hoặc làm ngơ. Người dân trở thành nạn nhân mắc kẹt giữa sự đối đầu này", nhà báo người Mexico Luis Roberto Castrillion (trang El Editor de la Samana) nói với phóng viên Zing.vn.
Vùng đất đẫm máu
Năm 2015, báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết ít nhất 80.000 người bị sát hại trong những vụ việc liên quan đến các băng đảng ma tuý kể từ năm 2005.
Một phần trong các nạn nhân là các nhà báo. Mexico được cho là một trong những nơi nguy hiểm nhất với các nhà báo. Hơn 100 người đã bị sát hại, 25 người mất tích, kể từ năm 2000 đến nay. Những cái chết đều không được điều tra tường tận hoặc khó khẳng định thủ phạm, nhưng phần đông đều tin rằng các băng đảng ma tuý đứng sau những vụ ám sát này.
Người thân viếng quan tài của nhà báo Pedro Tamayo Rosas. Anh là phóng viên chuyên điều tra tội phạm ở Tierra Blanca, Mexico. Anh bị giết ngay trước cửa nhà vào mùa hè năm ngoái. Ảnh: NYT. |
“Mới hồi giữa tháng 5, khi đồng nghiệp của tôi vừa rời khỏi phòng làm việc để đi về nhà thì anh ấy bị một nhóm người lạ mặt có vũ trang ập đến bao vây. Một kẻ đã dùng súng bắn anh gục tại chỗ”, nhà báo kể với Zing.vn.
Theo Castrillion, người đồng nghiệp của anh bị ám sát giữa quá trình điều tra âm mưu của một băng đảng ma tuý, về việc cài cắm người tham gia một chương trình trợ cấp nông nghiệp của chính phủ.
Kể từ năm 2005, tình trạng số vụ tấn công bạo lực giữa các băng đảng tăng vọt nhưng ngành cảnh sát và quân đội của Tổng thống Vincente Fox đã không thể ngăn chặn được những trận huyết chiến.
Đến tháng 12/2006, tân tổng thống Mexico khi đó là ông Felipe Calderon quyết tâm trấn áp sự hoành hành của các băng đảng. Một trong những hành động của ông là cử 6.500 binh sĩ đến bảo vệ an ninh ở bang Michoacan, nơi cuộc đối đầu giữa những băng đảng khét tiếng diễn ra ác liệt nhất.
Chỉ trong 2 tháng sau, chính phủ Mexico đã cử 20.000 binh sĩ đến khắp các bang trên cả nước. Động thái này ban đầu nhận được sự ủng hộ của người dân. Họ đã trải qua cuộc sống đầy tiếng súng, những vụ bắt cóc đòi tiền chuộc, những vụ hành hình dã man bởi các băng đảng, và tình trạng tham nhũng của lực lượng địa phương.
Từ năm 2007 đến nay, New York Times cho biết chính phủ Mexico đã tiêu tốn ít nhất 54 tỷ USD để tăng cường an ninh và quốc phòng trên cả nước. Mỹ cũng đóng góp khoảng 2,5 tỷ USD. Sự hợp tác giữa các cơ quan an ninh và tình báo Mexico - Mỹ đã mang lại những kết quả nhất định.
Cảnh sát Mexico tuần tra ở thành phố Xalapa, thủ phủ bang Veracruz là một trong những nơi mà các băng đảng ma tuý hoành hành nhất. Ảnh: NYT. |
Nhiều tên trùm đã bị bắt và tống giam. 25 trong số 37 đầu sỏ buôn lậu ma tuý bị truy nã gắt gao nhất Mexico đã sa lưới, một số tên bị dẫn độ đến Mỹ. Bên cạnh đó, hơn 110.000 tấn cocaine bị tiêu huỷ, gần 180.000 hecta cánh đồng trồng cần sa và thuốc phiện bị dẹp bỏ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Calderon.
Tinh thần quyết chiến với tội phạm ma tuý tiếp tục được duy trì đến chính quyền của Tổng thống Enrique Pena Nieto. Không chỉ là nỗ lực lập lại trật tự, ông Nieto mong muốn cải thiện hình ảnh Mexico để thu hút đầu tư nước ngoài.
Khó diệt tận gốc
Từ sau khi nhậm chức vào tháng 12/2012, chiến thắng lớn nhất của ông Nieto là việc tóm được một trong những trùm ma tuý khét tiếng nhất nước này Joaquin El Chapo Guzman.
Thủ lĩnh băng đảng Sinaloa đã bị bắt một lần năm 2014. Tuy nhiên, cuộc vượt ngục của ông trùm El Chapo năm 2015 trở thành điều khiến chính phủ Mexico xấu hổ nhất. Sau khi El Chapo bị bắt lại vào năm 2016, Washington đã yêu cầu Mexico dẫn độ y sang Mỹ. Ông trùm đã quyết liệt chống trả nhưng bất thành, rồi bị dẫn độ sang Mỹ vào tháng 1/2017.
Người dân bang Sinaloa công khai thể hiện sự sùng bái đối với ông trùm ma tuý El Chapo. Ảnh: NYT. |
"Diễn biến này phần nào phơi bày sự suy thoái của an ninh và chính quyền một số địa phương ở Mexico. El Chapo bị giam ở nhà tù an ninh bậc nhất Mexico nhưng đã vượt ngục thành công. Ai đã trợ giúp cho y? Khi bị bắt lại, El Chapo nhất quyết chống trả việc bị dẫn độ sang Mỹ vì y biết rằng ở Mỹ sẽ không có ai tiếp tay để giúp trốn thoát một lần nữa", nhà báo Castrillion nói.
Nỗ lực của chính quyền tạo được hiệu quả nhất định nhưng không đủ lớn và liên tục. Nhiều băng đảng lớn đã chia tách thành các phe nhỏ hơn. Rồi những phe phái lại kết bè cánh với nhau tạo thành một nhóm mới với thủ đoạn tàn nhẫn hơn. Trong khi đó, cuộc chiến lan rộng sang những bang vốn bình lặng vì chiến dịch của lực lượng an ninh buộc các băng đảng phải tìm tuyến đường khác để vận chuyển ma tuý.
Tuy nhiên, nhà báo Castrillion nói với Zing.vn rằng cuộc chiến chống ma tuý ở đất nước của anh sẽ không thể thành công triệt để nếu không có sự kết hợp đồng bộ các kế hoạch để cải thiện đời sống kinh tế cho người dân.
"Người dân ở nhiều bang tại Mexico sống trong tình trạng đói nghèo, thậm chí tệ hơn thế. Chính quyền địa phương đã không nỗ lực hiệu quả để thay đổi tình hình. Trong lúc này, chính các băng đảng ma tuý lại là người tạo ra công ăn việc làm cho người dân, mang lại thu nhập cho họ", anh nói.
Theo Castrillion, các băng đảng tuyển người dân ở những vùng nghèo khó vào tất cả các khâu hoạt động của chúng. Do vậy, một bộ phận người dân gần như tôn sùng các tổ chức tội phạm và những ông trùm thống lĩnh.
"Khi biết El Chapo vượt ngục thành công, rất nhiều người đã tổ chức ăn mừng rộn ràng. Có thể nói các băng đảng đã ăn sâu vào tận gốc rễ trong đời sống của người dân. Ngăn chặn hoặc triệt phá các tổ chức này cũng là chặn đứng nguồn sinh kế. Đây thực sự là một cuộc chiến nhiều thách thức", anh cho biết.