Các công ty lớn trong cùng lĩnh vực kinh doanh thường cạnh tranh gay gắt để giành giật thị trường và khách hàng. Coca-Cola và Pepsi, Boeing và Airbus, McDonald's và Burger King... là những ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, cuộc chiến giữa Facebook và Apple lại rất kỳ lạ. Về mặt kỹ thuật, họ không phải là đối thủ của nhau, nhưng mâu thuẫn vẫn xảy ra, những lời chỉ trích từ hai bên thường xuyên xuất hiện.
Về mặt kỹ thuật, Apple và Facebook không phải là đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Gizchina. |
Hai tập đoàn này đều là những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Ngoài điều đó ra, có rất ít điểm tương đồng. Hầu như toàn bộ doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo, trong khi lĩnh vực này chỉ đóng góp một phần nhỏ cho Apple.
Phần lớn doanh thu của gã khổng lồ xứ Cupertino đến từ việc bán phần cứng và App Store. Vậy tại sao 2 công ty không cạnh tranh lại chẳng ưa gì nhau?
Đối lập về triết lý kinh doanh
Trong nhiều năm, CEO Apple cho rằng Facebook coi người dùng như một sản phẩm, kiếm tiền từ quảng cáo và đùa cợt với quyền riêng tư của họ.
Ngược lại, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, tuyên bố sản phẩm của Apple quá đắt và chèn ép Facebook vì những động cơ riêng.
Theo New York Times, Apple thậm chí còn cắt bỏ các công cụ dành cho nhà phát triển của Facebook. Tuần trước, Táo khuyết tiếp tục chỉ trích Facebook phớt lờ quyền riêng tư và kiếm tiền bằng thông tin người dùng.
Đầu năm nay, Apple thông báo tung ra tính năng “Tính minh bạch của việc theo dõi ứng dụng”. Nó giúp mọi người kiểm soát dữ liệu tốt hơn, có thể quyết định cho phép các nhà quảng cáo theo dõi hoạt động của họ hay không.
Đối với Facebook, đây là một vấn đề rất lớn. Mạng xã hội lớn nhất hành tinh tạo ra lợi nhuận khổng lồ bằng cách bán các quảng cáo nhắm mục tiêu. Facebook tuyên bố công khai rằng điều này sẽ gây hại cho hoạt động kinh doanh của họ.
Cuối cùng, Apple đành hoãn lại đến năm sau để các nhà phát triển có thời gian chuẩn bị.
Triết lý kinh doanh giữa Apple và Facebook đối lập nhau. Ảnh: Gizchina. |
Tuần trước, Giám đốc Cấp cao về Quyền riêng tư Toàn cầu của Apple, Jane Hovarth đã đề cập đến việc chậm ra mắt tính năng này trong một email. Bà tức giận chỉ trích: “Các giám đốc điều hành Facebook đã nói rõ rằng ý định của họ là thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt. Tiếp tục giữ thái độ coi thường quyền riêng tư của người dùng”.
Facebook phản bác: “Họ sử dụng vị trí thống trị thị trường để thu thập dữ liệu, trong khi không cho phép các đối thủ cạnh tranh làm điều này. Họ nói bảo vệ quyền riêng tư, nhưng thực chất là vì lợi nhuận”.
Không chỉ mình Apple ghét Facebook
Thật trùng hợp, nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon, Roger McNamee, cũng không thích Facebook.
McNamee cho biết: “Văn hóa của Apple là trao quyền cho khách hàng, trong khi văn hóa của Facebook là khai thác người dùng".
Tuy nhiên, theo quan điểm của Facebook, liệu hành động của họ có hợp lý? Apple có thực sự đang cố gắng sử dụng vị trí thống trị thị trường để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh?
Mặc dù mảng kinh doanh quảng cáo của Apple tương đối nhỏ, Morgan Stanley dự đoán nó sẽ tăng trưởng đáng kể trong vài năm tới.
Thay đổi về quyền riêng tư trên iPhone sẽ "chặn đường sống" của Facebook. Ảnh: 9to5mac. |
Có phải Apple muốn ngăn Facebook thu thập dữ liệu người dùng chỉ để tự kiếm tiền? Điều này đối lập so với những gì đang diễn ra.
Mùa thu năm nay, một trong những quảng cáo truyền hình phổ biến nhất ở Mỹ là chiến dịch bảo mật của Apple. Với slogan “Một số thứ không nên chia sẻ - iPhone giúp bạn giữ trạng thái này”.
Rõ ràng, Apple tin rằng quyền riêng tư là vấn đề quan trọng. Thật kỳ lạ nếu chính họ phá vỡ điều này.
Apple luôn minh bạch?
Vậy, Apple có thực sự là “thiên thần” và FaceBook là “ác quỷ”? Táo khuyết bị nhiều phe phái chính trị coi là độc quyền. Hiện tại, Apple đã vướng vào một loạt rắc rối pháp lý.
Có những cáo buộc cho rằng công ty lạm dụng App Store để áp đặt các điều khoản không công bằng cho nhà phát triển. Ngoài ra, Apple cũng bị tố trốn thuế, tuy nhiên họ đã lên tiếng phủ nhận.
Zuckerberg có vẻ khó chịu khi Apple được xem là “trong sạch” đối với vấn đề quyền riêng tư. Vào năm 2014, khi Cook lần đầu công khai chỉ trích Facebook vì coi khách hàng là sản phẩm, ông đã phản bác gay gắt.
Phát biểu trên tạp chí Time, CEO Facebook cho rằng Apple quảng cáo ngày càng nhiều hơn, họ sử dụng cùng mô hình kinh doanh và hoàn toàn không vì lợi ích của khách hàng. “Bạn nghĩ rằng khi trả tiền cho Apple thì họ sẽ đứng cùng phía với mình? Nếu vậy, sản phẩm của họ đã rẻ hơn”.
Những gì Zuckerberg nói không hoàn toàn vô lý. Hiện tại, Apple là một trong những công ty giàu nhất thế giới. Trong một số trường hợp, sản phẩm của hãng đắt đến mức “đáng sợ” nhưng lại có một lực lượng fan hùng hậu sẵn sàng mua bất cứ thứ gì Táo khuyết tung ra.
Apple vs Facebook: cuộc chiến hình thức?
Điều kỳ lạ của cuộc chiến này là dù thường xuyên chỉ trích, 2 công ty vẫn phụ thuộc vào nhau.
Những ứng dụng của Facebook là một phần quan trọng trên iPhone. Ảnh: Fortune. |
Nếu không có Facebook, WhatsApp, Instagram sức hấp dẫn của iPhone đối với nhiều người dùng sẽ giảm đi rất nhiều. Ngược lại, nếu mọi người không thể sử dụng Facebook trên iPhone, họ sẽ tìm kiếm các nền tảng mạng xã hội khác.
Đối với cả hai, việc duy trì mối quan hệ đối tác lành mạnh và bền chặt có ý nghĩa quan trọng. Chuyên gia Carolina Milanesi tin rằng 2 công ty này không thực sự đối lập, họ chỉ nhìn thế giới theo những cách khác nhau, sự thù địch giới hạn ở khía cạnh văn hóa và cá nhân.
“Nếu họ không hài lòng vì hành động của Facebook với khách hàng, tại sao chúng ta lại có thể sử dụng Facebook trên các thiết bị của Apple”, Milanesi cho biết.
Rõ ràng, nhận xét của Milanesi đã đi thẳng vào vấn đề. Cho đến nay, mối quan hệ giữa 2 công ty vẫn không tốt đẹp. Nhưng đây rất có thể là một cuộc chiến giả, mối quan hệ của họ thực sự là cộng sinh.
Nhìn chung, trong tất cả cuộc cạnh tranh lớn trên lĩnh vực công nghệ, trận chiến giữa Facebook và Apple dường như khó xảy ra nhất. Mảng kinh doanh cốt lõi đưa Google vào thế đối đầu với Facebook. Tương tự, Microsoft và Google mới chính là đối thủ của Apple.