Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến giành giật nhân tài

Trung Quốc đang tranh giành chuyên gia nước ngoài với Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc. Điểm chung của những nơi này là dân số già, tỷ lệ sinh thấp.

Thu nhập tốt, mức thuế hấp dẫn, thủ tục nhập cư đơn giản... là vài trong số những phương pháp giữ chân nhân tài nước ngoài của các nền kinh tế châu Á. Ảnh: Barney Yau/Unsplash.

Những quy định kiểm soát Covid-19 và nhập cảnh khắt khe đã khiến việc tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng, ngay cả khi dỡ bỏ những rào cản đối với người nước ngoài, quốc gia này vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các khu vực khác tại châu Á, theo SCMP.

Tìm cách giữ chân

Lancy Chui, Phó chủ tịch cấp cao của công ty nhân sự ManpowerGroup Greater China tại Hong Kong, cho biết để giải quyết tình trạng khan hiếm nhân tài, nhiều nơi đang triển khai các phương pháp tiếp cận mới để thu hút và giữ chân chuyên gia.

Nhân tài quốc tế, từ y tá đến kỹ sư phần mềm, có nhiều khả năng sẽ chọn lựa nơi có mức thuế “hấp dẫn” và quy định nhập cư thuận lợi, theo bà Chui.

chau A anh 1

Nhiều nơi ở châu Á đang đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút người lao động ngoại quốc. Ảnh: Bloomberg.

Bên cạnh đó, các công ty nên đưa ra mức lương, trợ cấp nhà ở và hỗ trợ giáo dục cho trẻ em phù hợp chi phí sinh hoạt địa phương. Còn giới chức có thể giúp đỡ bằng cách đơn giản hóa thị thực làm việc và các quy định cư trú.

Ban đầu, Omar Traboulsi, làm việc lâu năm trong lĩnh vực thời trang, cân nhắc chuyển đến Anh bởi có họ hàng sống nơi đây. Nhưng cuối cùng, anh chọn Hong Kong bởi thành phố có thủ tục nhập cảnh dễ dàng hơn cho một công dân Lebanon.

Tháng 7 vừa qua, Traboulsi (42 tuổi) đặt chân đến Hong Kong với vai trò quản lý quan hệ với các khách hàng VIP cho thương hiệu đồng hồ xa xỉ Wristcheck. Tại thành phố này, anh cảm thấy rất được chào đón.

Suốt nhiều năm, các thành phố lớn ở châu Á tranh nhau tìm kiếm nhân tài nước ngoài. Cuộc chiến càng trở nên căng thẳng hơn khi tỷ lệ sinh của khu vực giảm. Tỷ lệ kết hôn cũng bị chậm lại do chi phí chăm sóc trẻ em tăng cao, đồng thời những người trẻ tập trung cho sự nghiệp và giải trí hơn là sinh con.

Năm ngoái, Hong Kong ghi nhận 772 ca sinh trên 1.000 phụ nữ, một trong những mức thấp nhất thế giới. Theo thống kê của thành phố, tỷ lệ sinh trong 38 năm qua luôn ở “dưới mức thay thế”.

Crystal Hui (47 tuổi, người Hong Kong) quyết định không kết hôn hay sinh con. Nói với SCMP, cô cho biết khi Covid-19 ập đến, “có vẻ như bạn không thể chắc chắn được bất cứ điều gì”. Hơn nữa, cô là nhân viên tại một trường học tư nhân và tiếp xúc với trẻ em hàng ngày.

Nỗi lo bị phản ứng ngược

Câu chuyện tương tự đang diễn ra tại các nền kinh tế phát triển khác ở châu Á.

Ở Nhật Bản, tỷ lệ sinh bắt đầu giảm vào cuối những năm 1960. Năm ngoái, dân số chỉ còn 125 triệu người.

Theo Aiko Kikkawa, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á ở Manila (Philippines), một cách mà Nhật Bản thu hút người lao động là cung cấp thường trú nhân cho các y tá nước ngoài nếu họ vượt qua các kỳ kiểm tra kỹ năng, đồng thời người sử dụng lao động sẵn sàng giữ chân họ.

Tại Singapore, tỷ lệ sinh đã giảm xuống chỉ còn 1,12 ca sinh/phụ nữ trong 40 năm qua. Từ năm 2023, chính phủ lên kế hoạch cho phép vợ hoặc chồng của nhân viên nước ngoài được làm việc ở đảo quốc này với sự chấp thuận trước.

chau A anh 2

Tỷ lệ sinh thấp và dân số già tăng là nguyên nhân khiến nhiều nước châu Á ráo riết bổ sung người lao động nước ngoài. Ảnh: Bloomberg.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết vào tháng 8, họ bắt đầu chương trình cấp visa thực tập cho sinh viên đại học nước ngoài đủ điều kiện làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Đài Loan cung cấp chương trình “thẻ vàng” - kết hợp giấy cư trú và giấy phép lao động. Thành phố dự kiến dân số sẽ giảm vào năm 2031. Hong Kong cũng tăng hạn ngạch thị thực lao động từ 2.000 lên 4.000 trong năm nay.

Bên cạnh đó, Hong Kong đã dỡ bỏ các quy tắc cách ly tại khách sạn vào cuối tháng trước, và Đài Loan sẽ thực hiện trong tuần này.

Nhưng Trung Quốc lại chưa có dấu hiệu sẽ gỡ bỏ chính sách Zero Covid-19 nghiêm ngặt, vốn ngăn cản nhiều người ngoại quốc nhập cảnh. Điều này khiến các doanh nghiệp đa quốc gia thất vọng và bực bội.

Theo khảo sát của Tổ chức Di cư Quốc tế, Bắc Kinh đặt mục tiêu thu hút nhân tài là công dân Trung Quốc đang học tập và làm việc ở nước ngoài, bởi điều này sẽ giúp việc hòa nhập trở nên dễ dàng hơn.

chau A anh 3

Một làn sóng di cư người nước ngoài từng diễn ra ở Hong Kong đầu năm nay trong thời gian phong tỏa Covid-19. Ảnh: Xiaomei Chen.

Hơn nữa, dù cung cấp mức lương cạnh tranh và visa làm việc dễ dàng, các chuyên gia cho biết người lao động nước ngoài cần thêm cơ hội để tỏa sáng.

Các công ty ở Hong Kong và Singapore thường cho phép người nước ngoài lên chức ngay cả khi “họ không theo lộ trình thăng tiến từ ngày đầu tiên”. Tuy nhiên, những khu vực khác lại không cho phép nhân viên ngoại quốc thăng cấp quản lý.

Mặt khác, Syaru Shirley Lin, Chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm tư vấn khả năng phục hồi và đổi mới châu Á - Thái Bình Dương ở Đài Loan, cho biết các vấn đề văn hóa và kinh tế xã hội có thể nảy sinh nếu người lao động nước ngoài không thể trở thành một phần của xã hội.

“Việc quá dựa dẫm vào nhập khẩu lao động sẽ gây nguy cơ bị phản ứng dữ dội từ cộng đồng địa phương, đặc biệt tại nhiều khu vực châu Á chưa chấp nhận văn hóa nhập cư hoặc chưa quốc tế hóa”, bà nói thêm.

Không mua hàng hiệu, người Trung Quốc dồn tiền cho đồ ăn

Khách hàng Trung Quốc nổi tiếng với việc chi tiêu xa hoa cho túi hiệu, quần áo cao cấp. Thói quen đó hiện dần hạn chế lại và chuyển hướng sang các loại thức uống đắt tiền.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm