Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến đòi tiền đền bù ở khu ổ chuột cạnh Gangnam hoa lệ

Làng Guryong - khu ổ chuột duy nhất tại Seoul (Hàn Quốc) - chỉ cách quận Gangnam vài bước chân. Người dân nơi đây quyết đòi 1 tỷ USD tiền đền bù giải phóng mặt bằng từ chính phủ.

Theo Bloomberg, chính quyền thủ đô Seoul có kế hoạch xây 4.000 căn nhà giá rẻ tại làng Guryong. Đây là một phần trong chiến dịch giảm nghèo và bất bình đẳng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Tuy nhiên, cư dân nghèo khổ và chủ đất tại làng Guryong đã thành lập một liên minh để chống lại dự án này.

Hơn 1.000 hộ gia đình sống tại Guryong lo ngại mất nơi trú ngụ, do đó đâm đơn kiện, đòi chính quyền Seoul trả thêm tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Các chủ đất tại làng Guryong cũng không hài lòng với mức đền bù chính quyền đưa ra trước đó. Sự phản đối đang gây nhiều trở ngại với kế hoạch của Tổng thống Moon.

“Trong nhiều năm qua, hàng chục chính trị gia đã đến đây và thề sẽ phát triển thị trấn này. Nhưng hãy nhìn xem! Chẳng có gì thay đổi cả”, Bloomberg dẫn lời ông Song Sook-ja, một cư dân 62 tuổi, bức xúc. “Họ chỉ cần phiếu bầu của chúng tôi và quên sạch cam kết sau khi đạt được mục đích. Chúng tôi là những người không có tiếng nói, vô hình và bị lãng quên”.

Tran chien ben trong khu o chuot ke sat quan Gangnam anh 1

Làng Guryong là khu ổ chuột cuối cùng ở Seoul. Ảnh: Bloomberg.

Biểu tượng của bất bình đẳng

Cuộc tranh chấp ở làng Guryong trở thành biểu tượng của tình trạng chênh lệch giàu nghèo tại Hàn Quốc. Quận Gangnam cạnh đó nổi tiếng hào nhoáng, giá trung bình mỗi căn hộ lên đến 2 tỷ won (1,8 triệu USD). Ngược lại, phần lớn cư dân Guryong là người nghèo và lớn tuổi. Ước tính cứ 10 người Hàn Quốc trên 65 tuổi thì có hơn 4 sống trong cảnh nghèo khổ.

Tính đến năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc mới hoàn thành 36% mục tiêu xây dựng thêm 650.000 nhà giá rẻ. Tổng thống Moon muốn hoàn tất sứ mệnh này vào năm 2022, khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Trong cuộc bầu cử thị trưởng Seoul hồi tháng 4, nhà ở là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất.

Theo khảo sát của Gallup Korea, giá nhà quá cao là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon sụt giảm xuống 38%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức. Khoảng 54% đánh giá tiêu cực về nhiệm kỳ của ông Moon, và hơn 20% trong số đó chỉ trích các chính sách về thị trường bất động sản của chính phủ.

Cứ 5 người Hàn Quốc thì có gần một số ở thủ đô Seoul. Và thành phố này đang ngày càng trở nên đắt đỏ bất chấp các biện pháp hạ nhiệt của chính phủ. Giá trung bình mỗi căn hộ tại Seoul tăng 50% từ năm 2017 lên 925 triệu won (774.000 USD). Lãi suất thấp kỷ lục càng khiến giá bất động sản leo thang.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Seoul chuyển sự chú ý đến làng Guryong. Khi Seoul xây dựng hạ tầng phục vụ Olympic 1988, nhiều người dân thành phố mất nhà cửa, phải đến cư ngụ ở làng Guryong. Họ tự xây dựng chắp vá hệ thống nước, điện, bưu chính, nhà trẻ và nhà thờ… Không dễ để chính quyền và các chủ đất đuổi họ đi.

Tran chien ben trong khu o chuot ke sat quan Gangnam anh 2

Bà Han Young-ae sống ở làng Guryong hơn 32 năm qua. Ảnh: Bloomberg.

Chính quyền Tổng thống Moon không có ý định quyết liệt giải phóng mặt bằng tại làng Guryong. Năm 2009, khi chính quyền Seoul tìm cách trục xuất cư dân một tòa nhà, biểu tình bùng nổ gây hỏa hoạn, khiến 5 người và một cảnh sát thiệt mạng. Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Tổng thống Lee Myung-bak khi đó.

Chính quyền Seoul đề nghị mua lại đất ở làng Guryong với giá 383 triệu USD, tương đương 4.500 USD/3,3 m2. Tuy nhiên, các chủ đất khẳng định con số này quá thấp so với mức giá thị trường. Ông Lim Moo-lyul, Chủ tịch Hiệp hội Chủ đất Guryong, cho biết các chủ đất muốn được đền bù với giá ít nhất 18.000 USD/3,3 m2.

Mức giá này vẫn thấp hơn 30% so với giá các căn hộ ở khu Gangnam cạnh đó. Các chủ đất cho rằng họ có thể nhận được nhiều tiền đền bù hơn nếu chính phủ cho phép một số công ty tư nhân phát triển làng Guryong. “Chính quyền nên từ bỏ dự án này. Họ chẳng làm được gì trong nhiều thập kỷ qua. Hãy để chúng tôi phát triển khu vực này”, ông Lim tuyên bố.

Kiện chính quyền Seoul

Với sự hỗ trợ của hãng luật SANHA, người dân địa phương đâm đơn kiện chính quyền thành phố Seoul để ngăn chặn dự án. Họ phản đối việc tòa án quận Gangnam phân loại các ngôi nhà tạm ở Guryong là "cấu trúc" thay vì "nơi trú ẩn bất hợp pháp". Theo luật, người sống tại "nơi trú ẩn bất hợp pháp" có thể nhận tiền đền bù giải tỏa cao hơn.

“Không có cơ sở pháp lý nào để chấp nhận yêu sách của cư dân. Họ sinh sống bất hợp pháp tại đây và chúng tôi từ chối đề xuất cho phép các công ty tư nhân phát triển khu vực này”, Bloomberg dẫn lời ông Lee Jin-yeon, một quan chức chính quyền thành phố Seoul, cho biết.

Các cư dân ở làng Guryong không mặn mà với cam kết của chính quyền Seoul rằng họ sẽ được cấp nhà. Nhiều người kiếm sống bằng việc thu gom chai lọ ở khu Gangnam và bán lại cho các công ty tái chế. Họ kiếm trung bình khoảng 10 USD/ngày.

Bà Han Young-ae, 74 tuổi, sống ở làng Guryong suốt 32 năm qua và nuôi dạy 3 người con. Bà kiếm được khoảng 240 USD mỗi tháng từ việc giao đồ ăn. “Vấn đề rất đơn giản. Chúng tôi không đủ tiền để trả chi phí thuê nhà”, bà giải thích.

Thời gian qua, quận Gangnam đã bắt đầu chiến dịch phong tỏa các căn nhà tạm không có người ở tại làng Guryong để cản trở cư dân mới "nhảy dù". Nhiều người dân làng Guryong lo ngại chính quyền sẽ mở chiến dịch giải tỏa mặt bằng bằng ép buộc.

Tran chien ben trong khu o chuot ke sat quan Gangnam anh 3

Chính quyền Seoul phong tỏa nhiều ngôi nhà không có người ở tại làng Guryong. Ảnh: Bloomberg.

“Đây là một cơn đau dai dẳng. Tôi luôn mặc đầy đủ quần áo khi đi ngủ kể cả giữa mùa hè nóng bức. Khi con cái tôi còn nhỏ, tôi luôn giữ chặt tay chúng. Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng để chạy khỏi nhà bất cứ lúc nào nếu có hỏa hoạn", cư dân Yu Kwi-beom, 71 tuổi, ngậm ngùi nói.

Rất nhiều cư dân làng Guryong ngoài 70 tuổi. Kể cả nếu chính quyền Seoul đàm phán thành công với các chủ đất và đưa cư dân đến nơi ở mới, hầu hết mọi người vẫn mong sống quãng thời gian còn lại ở Guryong. Họ đã nghe quá nhiều lời hứa và không còn niềm tin.

“Các chính trị gia đều rất nhát. Họ không hề chấp nhận rủi ro”, cư dân Yu chỉ trích.

Từ Mỹ đến Hàn Quốc, làn sóng kinh tế tạm bợ lan rộng

Nhu cầu tìm công việc phụ để kiếm thêm thu nhập, đặc biệt trong thời điểm đại dịch khó khăn khiến nền kinh tế tạm bợ bùng nổ ở Hàn Quốc.

An Chi

Bạn có thể quan tâm