Ngay sau khi các chuyên viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) kết thúc buổi thẩm vấn kéo dài 3,5 tiếng với bà Hillary Clinton, họ đã báo cáo cho giám đốc Comney về kết quả buổi làm việc. Từ khi việc sử dụng email cá nhân trong công việc của bà Clinton được phơi bày, ông Comey đã theo sát quá trình điều tra vụ này trong cả năm qua. Có lúc ông cho rằng các nhân viên đã chưa tìm đủ bằng chứng để có thể dẫn đến cáo buộc.
Sau buổi thẩm vấn được đánh giá là chân thành, vị giám đốc FBI quyết định thực hiện kế hoạch mà ông đã chuẩn bị sẵn trong nhiều tháng, nhằm giải thích với công chúng về những kết quả từ cuộc điều tra chính trị kéo dài. Trưa ngày 5/7, tại phòng họp báo ở trụ sở FBI, Comey đã dành 15 phút để giải thích chi tiết việc bà Clinton sử dụng email cá nhân trong công việc "vô cùng bất cẩn" như thế nào.
Tuy nhiên, ông nói FBI sẽ không đề nghị Bộ Tư pháp khởi tố hình sự với cựu ngoại trưởng Mỹ vì không có bằng chứng cho thấy bà Clinton cố tình phạm luật. Comey cho rằng, giải pháp mà ông đưa ra là hợp lý với hoàn cảnh của bà Clinton hiện tại.
Với 3 thập kỷ làm việc tại các cơ quan hành pháp, ông Comey được cho là không ngại né tránh bất kỳ vấn đề tranh chấp chính trị nào. Dù nhiều đồng nghiệp ca ngợi Comey do bản tính ngay thẳng và minh bạch, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa, Dân chủ và các chuyên gia pháp lý tỏ ý chê trách và không đồng tình với cách làm việc của ông.
Giám đốc FBI, James B. Comney. Ảnh: AP |
Đảng Cộng hòa nghi giám đốc FBI thiên vị
Liên quan đến kết luận về vụ sử dụng email của bà Clinton, các thành viên đảng Cộng hòa cho rằng giám đốc FBI đã vội vã đưa ra quyết định, trước khi cơ quan điều tra thực sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung buổi phỏng vấn. Họ cũng hoài nghi về quyết định không đề nghị cáo buộc của Comey, vì nó được đưa ra chỉ một tuần sau khi cựu tổng thống Bill Clinton bị phát hiện đã gặp Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch.
Đảng Cộng hòa cho rằng, chỉ riêng các thông tin mô tả của FBI đã đủ là bằng chứng cho một cáo buộc hình sự. "Quyết định (không buộc tội) là không hợp lý", nghị sĩ Robert W. Goodlatte, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói. Sau cuộc họp báo của FBI, ông Goodlatte đã gặp ngay Comey để nêu lên lo ngại, đồng thời gửi thư yêu cầu giám đốc FBI phải giải thích về 8 câu hỏi liên quan đến quá trình xử lý vụ việc của nhà điều tra.
Robert Cattanach, cựu luật sư của Bộ Tư pháp, cho rằng ông Comey đã rơi vào tình huống khó xử sau khi đưa ra nhiều bằng chứng về vi phạm an ninh nghiêm trọng nhưng lại kết luận không đề nghị khởi tố. "Dựa trên số lượng bằng chứng mà cơ quan này đã thu thập, quyết định của Comey sẽ không nâng cao uy tín của FBI hay vị giám đốc".
Đảng Dân chủ chê giám đốc FBI nói quá nhiều
Đối với những người ủng hộ bà Clinton và các đảng viên Dân chủ, họ không hài lòng vì Comey đã nói "quá nhiều" tại buổi họp báo. Các ý kiến này cho rằng Comey không công bằng khi nêu quá chi tiết về vụ việc mà ông kết luận là không đáng để buộc tội. "Ông ấy gần như đặt bản thân vào vị trí quan tòa. Ông ấy rửa sạch tội cho bà Clinton, nhưng đồng thời cũng như nêu thêm tội cho bà", Matthew Miller, cựu quan chức cao cấp tại Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Obama, nói.
Sau buổi thẩm vấn hơn 3 tiếng với FBI, bà Clinton được cho là "vô cùng bất cẩn" trong việc sử dụng email cá nhân vào công việc. Ảnh: AP |
Miller cho rằng: "Hành động của giám đốc Miller khiến tôi kinh hoàng". Theo ông, FBI với chức năng là cơ quan điều tra chỉ nên trình bày kết quả tại phiên tòa, khi các công tố viên thực sự đưa vụ việc ra tòa án, chứ không phải tại một buổi họp báo mà kết luận lại là không cần thiết khởi tố.
Tuy nhiên, luật sư Thomas DiBiagio, cho rằng ông Comey đã sẵn sàng "nhận đòn" khi có hành động gây tranh cãi như vậy. "Đây là trường hợp mà ông ấy sẽ không thể làm hài lòng bên nào. Dù ông đề nghị buộc tội bà Clinton hay không, Comey sẽ vẫn đối mặt với chỉ trích. Và ông đã chọn không né tránh chỉ trích. Đó là phong cách của một người đứng đầu FBI", DiBiagio nói. Ông và Comey đều từng là công tố viên liên bang tại Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush.
Không ngại đối đầu
Trong giai đoạn giữ chức Thứ trưởng Tư pháp thời tổng thống Bush "con", Comey cũng từng đứng ở giữa cuộc tranh chấp giữa các quan chức hành pháp hồi năm 2004. Khi đó, ông là người từ chối phê chuẩn lại chương trình nghe lén bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) vốn được áp dụng sau vụ khủng bố 11/9. Comey tin rằng một số nội dung của việc làm này là không hợp pháp.
Điều này thậm chí dẫn đến một sự giằng co ngay trong bệnh viện tại Washington, nơi Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft đang trị bệnh. Hai trợ lý cao cấp của tổng thống Bush, khi đó là Andrew H. Card Jr. và Alberto R. Gonzales, đã đến bệnh viện và gây áp lực buộc ông Ashcroft phải ký thông qua.
Một ngày sau, ông Comey và rất nhiều quan chức đã đến gặp tổng thống Bush, đe dọa nghỉ việc trước hành động chi phối quyền lực của các quan chức Nhà Trắng. 3 năm sau, trong cuộc điều trần tại Thượng viện, Comey miêu tả lại những gì xảy ra ở bệnh viện tại Washington kịch tính không kém một bộ phim Hollywood.
Khi đó, ông phải lao nhanh đến bệnh viện, trên xe của FBI đang hụ còi, nhằm cố tới phòng của Bộ trưởng Aschroft trước Card và Gonzales. "Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi vô cùng tức giận khi chứng kiến những người muốn lợi dụng một người đàn ông đang bệnh tật, dù ông không còn những quyền hạn của một bộ trưởng do nó đã được tạm thời bàn giao cho tôi", Comey kể tại Quốc hội.
Năm 2013, Tổng thống Obama bổ nhiệm ông Comey giữ chức giám đốc FBI, nhưng không vì thế mà ông ngại né tránh với các quan chức Nhà Trắng.
Tháng 10/2015, Comey phát biểu rằng những chỉ trích và các biện pháp giám sát bổ sung đối với cảnh sát, sau một số vụ hành xử thô bạo của cảnh sát, có thể khiến tình trạng tội phạm gia tăng vì lực lượng an ninh sẽ ngại quyết liệt hơn. "Một quan chức cảnh sát nói với tôi rằng giới lãnh đạo chính trị không bao giờ tha thứ cho một video được lan truyền về hành động không đúng mực của cảnh sát", Comey nói.
Các quan chức Nhà Trắng rất tức tối vì phát biểu này của Comey. Họ nói ông không có cơ sở nào để phát biểu như vậy, đồng thời điều này làm suy giảm những nỗ lực cải thiện của chính quyền. Vài ngày sau, Comey có cuộc họp với Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục để thảo luận về quan điểm gây tranh cãi. Sau cuộc gặp, Comey vẫn tiếp tục nêu ý kiến của ông về chủ đề này.