Cuộc chiến của những thương hiệu Ba Vì
Có hàng chục công ty khác nhau đang kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Ba Vì. Chỉ tính riêng những công ty lớn, đã có đến 3 đơn vị cùng khai thác nhãn hiệu này.
Giống như nước mắm Phú Quốc, bánh đậu xanh Hải Dương... nhãn hiệu sữa Ba Vì không thuộc độc quyền của bất cứ doanh nghiệp nào mà được cấp bảo hộ độc quyền cho ủy ban nhân dân huyện Ba Vì. Do đó, cơ quan này có quyền cấp phép sử dụng nhãn hiệu kinh doanh cho bất cứ doanh nghiệp nào có mong muốn và đạt chuẩn quy định, có thể là hàng chục hoặc hàng trăm doanh nghiệp.
Và câu chuyện này dẫn đến việc những công ty dùng chung nhãn hiệu phải đấu nhau, Ba Vì này đấu Ba Vì kia.
Dây chuyền sản xuất sữa tươi Ba Vì của IDP. |
Trên con đường dẫn từ Hà Nội về Ba Vì tràn ngập những bảng hiệu kinh doanh sữa Ba Vì, từ sữa bò cho đến sữa dê. Có rất nhiều chế phẩm khác nhau như sữa tươi, sữa chua, bánh sữa... Tuy nhiên, anh tài xế và hướng dẫn viên cho chúng tôi biết, những nhãn hiệu này hầu hết là do những hộ dân tự đứng ra kinh doanh và tự làm nhãn hiệu Ba Vì để ăn theo những thương hiệu đã có sẵn.
Nhiều hộ dân kinh doanh tự làm nhãn hiệu Ba Vì để ăn theo những thương hiệu đã có sẵn. |
Có hàng chục công ty khác nhau đang kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Ba Vì. Chỉ tính riêng những công ty lớn, đã có đến 3 công ty cùng khai thác nhãn hiệu này gồm công ty cổ phần sữa quốc tế (IDP), công ty cổ phần sữa Ba Vì và công ty cổ phần sữa tươi Ba Vì.
Chính vì việc có thể có nhiều doanh nghiệp cùng sử dụng chung một nhãn hiệu, do đó đã có sự cạnh tranh gay gắt giữa các sản phẩm sữa Ba Vì với nhau. Sự cạnh tranh này vô hình trung lại mang đến khó khăn cho khách hàng khi họ không biết chọn sản phẩm nào vì có quá nhiều công ty sản xuất và dùng chung tên Ba Vì.
Ông Trần Bảo Minh, Giám đốc điều hành công ty cổ phần sữa quốc tế IDP, thừa nhận hiện có quá nhiều nơi kinh doanh nhãn hiệu sữa Ba Vì. Ông lo khi có vấn đề về chất lượng của một nhãn hiệu Ba Vì nào đó cũng khiến cho các Ba Vì khác bị vạ lây. Như vụ việc mới đây đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm đã phát hiện nhiều nhãn sữa của công ty cổ phần sữa tươi Ba Vì (Chương Mỹ - Hà Nội) không đảm bảo an toàn vệ sinh, có chứa coliforms và e.coli vượt mức cho phép cũng làm khách hàng dao động và mất niềm tin với các công ty làm sữa Ba Vì. Những khó khăn này khiến cho các công ty phải tự tìm một hướng cạnh tranh khác bền vững hơn.
Nam tiến nổi không?
Thị trường sữa tươi Việt Nam hiện nay có độ lớn hơn 20.000 tỷ đồng và liên tục tăng trưởng khi lượng sữa/đầu người ở nước ta chỉ khoảng 5,5 lít. Lượng sữa này còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, sữa chua có mức tăng trưởng doanh số ấn tượng từ năm 2007 đến nay với mức tăng gấp 9 lần doanh thu và liên tục có những tân binh khai thác. Chuyện tập trung khai thác thị trường béo bở này cũng là câu chuyện dễ hiểu.
Để khai thác thị trường này, ngay từ bây giờ, IDP đã lên kế hoạch dài hơi mang thương hiệu này Nam tiến và xuất khẩu. Tuy nhiên, với việc chỉ chiếm chưa tới 5% trong thị trường sữa tươi và có doanh thu khiêm tốn khoảng 20 tỷ đồng, IDP chắc chắn sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ người dẫn đầu Vinamilk và đối thủ TH Milk.
Công ty này mới đây đã đầu tư 600 tỷ đồng để xây dựng vùng nguyên liệu và cho ra mắt sản phẩm sữa tươi mới bên cạnh sữa Ba Vì, là sản phẩm Love’ in farm để cạnh tranh với những sản phẩm khác. Dự kiến đến năm 2020, IDP sẽ hợp tác với nông dân thu mua khoảng 450-500 tấn sữa/ngày từ đàn bò 50.000 con.
Tuy nhiên, nếu so sánh với số lượng bò cũng như sữa của Vinamilk và TH Milk, 2 đối thủ lớn mà IDP sẽ gặp phải khi Nam tiến thì lượng bò này còn là khá khiêm tốn. Sản lượng sữa mà Vinamilk thu mua từ các hộ dân hiện nay đã là trên 450 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2016 tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk ước tính sẽ đạt hơn 100.000 con. Gương mặt mới nổi TH Milk cũng đã có khoảng 22.000 con bò sữa và dự kiến trong năm nay số bò này sẽ là 45.000 con. Nếu tính về cơ sở nguyên liệu thì IDP có vẻ còn yếu thế.
Thêm vào đó, để Nam tiến, IDP còn cần khai thác, xây dựng hệ thống phân phối mới. Nhưng việc này cũng gặp khó khăn khi mà Vinamilk và TH Milk đã cung cấp hàng triệu tủ mát cho các tiệm tạp hóa, bao phủ hết các siêu thị...
Tuy nhiên, ông Trần Bảo Minh lại cho rằng, việc xây dựng hệ thống phân phối không phải là chuyện khó khăn. Hơn nữa, Việt Nam mới chỉ có khoảng 35% sữa tươi, 100% còn lại là sữa hoàn nguyên. Do đó ông Minh cho biết, IDP tập trung làm sữa tươi và sữa chua ăn 100% sản xuất từ sữa bò.
Cũng theo ông này, miền Bắc chỉ chiếm chưa đến 1/3 thị trường cả nước, hơn nữa còn chịu ảnh hưởng xấu từ thời tiết. Vào mùa đông, bò cho nhiều sữa thì sức tiêu thụ của thị trường lại rất kém. Ngược lại, sức mua tốt hơn vào mùa hè thì thời gian đó lượng sữa bò cho rất ít.
Chính vì vậy, các công ty sản xuất sữa tươi miền Bắc phải tìm hướng đi mới để cân đối sản lượng và sức mua, tránh việc tồn kho lớn vào mùa đông và khan hàng vào mùa hè. Do vậy, IDP chọn Nam tiến để khắc phục các nhược điểm này đồng thời tiếp cận với thị trường chiếm 2/3 cả nước. Bên cạnh IDP, TH Milk đã tiên phong trong xu hướng này và Hanoimilk cũng đang manh nha ý đồ đó. Tất nhiên, không dễ dàng gì để cạnh tranh ở vùng đất màu mỡ đã có người chiếm cứ.
Không dễ dàng gì để những doanh nghiệp thị phần nhỏ như IDP cạnh tranh ở vùng đất màu mỡ đã có người chiếm cứ.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư