Apple đã quá quen với những cuộc chiến pháp lý. Họ đã trải qua 6 năm đối đầu với Samsung về các vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế, đồng thời đưa nhiều nhà sản xuất phụ kiện giả mạo lên toà án.
Tuy nhiên, trận chiến lần này với Qualcomm mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Đây là nhà sản xuất cung cấp chip xử lý cho iPhone, vì lẽ đó, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến những chiếc iPhone mới sau này.
Trận chiến dần căng thẳng
Qualcomm là nhà cung cấp chip di động lớn nhất trên thế giới, đồng thời còn tạo ra công nghệ kết nối smartphone với mạng di động. Công ty đã có được lượng lớn doanh thu nhờ cung cấp chip xử lý cho hàng trăm nhà sản xuất phần cứng, với mức phí dựa trên giá trị chiếc điện thoại bán ra chứ không phải giá trị linh kiện mà họ cung cấp.
Qualcomm còn sở hữu bằng sáng chế về các kết nối 3G và 4G, cũng như nhiều tính năng phần mềm khác, do đó bất kỳ nhà sản xuất thiết bị cầm tay nào muốn tạo ra thiết bị kết nối với các mạng mới hơn, cũng đều phải trả chi phí cấp phép ngay cả khi họ không sử dụng chip của Qualcomm.
Và Apple cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, Táo khuyết lập luận rằng họ chỉ phải trả tiền bản quyền cho công nghệ chip mà Qualcomm cung cấp, trong khi Qualcomm lại nghĩ số tiền thu về không chỉ có vậy mà phải bao hàm tất cả các công nghệ có trong con chip đó.
Apple và Qualcomm đang bước vào thế đối đầu nhau. Ảnh: Trusterdreviews. |
Qualcomm thậm chí còn cho rằng, họ đã nộp đơn cấp bằng sáng chế liên quan vào năm 2000, đây là những mô tả đầu tiên về smartphone, trước 7 năm khi Apple giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên. Tóm lại, không có công nghệ của Qualcomm, Apple không thể tạo ra iPhone.
Căng thẳng ngày một gia tăng khi Qualcomm yêu cầu cấm bán iPhone tại Mỹ. Nếu thành công, người dùng tại đây chỉ có thể sở hữu sản phẩm Apple từ một số nhà mạng nhất định như Verizon hay Sprint. Ngay cả khi lệnh cấm không được thực hiện, cuộc chiến giữa 2 gã khổng lồ cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức mạnh và nhiều tính năng trên các đời iPhone sắp tới.
Tất nhiên Apple vẫn có thể sử dụng chip modem do Intel cung cấp, tuy nhiên điều này sẽ dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung, khiến số lượng iPhone mới có mặt trên thị trường bị hạn chế, và người dùng sẽ phải chờ lâu hơn để mua được sản phẩm.
Hầu hết người dùng đều không quan tâm đến những thứ bên trong thiết bị, tuy nhiên các chip xử lý của Qualcomm lại có lợi thế về tốc độ cao hơn so với của Intel, do chỉ duy nhất modul X16 LTE của Qualcomm đạt tới mức tốc độ Gigabit, đón đầu xu hướng di động 5G.
Kết nối 5G chính là xu thế của tương lai. Ảnh: UCinsight. |
Để các phiên bản có hiệu năng tương đương, Apple đã hạn chế tốc độ những con chip Qualcomm. Các chuyên gia cho rằng, ngay cả trong tương lai tốc độ kết nối của chip Intel cũng khó lòng đuổi kịp được sản phẩm từ của Qualcomm.
Chính vì vậy mà những chiếc smartphone sử dụng chip modem Qualcomm như Galaxy S8 sẽ có tốc độ vượt trội hơn rất nhiều, khi mạng di động 5G được đưa vào sử dụng. Intel mặc dù vẫn đang rất cố gắng, nhưng họ đành phải chấp nhận là kẻ đi sau trong công nghệ Gigabit LTE.
Gigabit LTE là gì?
Gigabit LTE là một công nghệ tiên tiến của LTE, mạng di động 4G sử dụng để kết nối Internet. Gigabit LTE được đặt tên như thế là vì nó có thể đạt tốc độ lên tới 1 Gagibit/s, tương đương với tốc độ cáp quang Google Fiber.
Dù đó chỉ là tốc độ tối đa trên lý thuyết, do nhiều hạn chế có thể nảy sinh trong thực tế đường truyền diễn ra, công nghệ này sở hữu tốc độ đáng kinh ngạc đến mức CEO T-Mobile John Legere tự hào tuyên bố công ty của ông là doanh nghiệp đầu tiên có được quyền sử dụng nó.
Bên cạnh đó, Galaxy S8 là chiếc smartphone đầu tiên sử dụng con chip modem hỗ trợ công nghệ Gigabit LTE, và Qualcomm dự kiến sẽ chỉ có khoảng 10 smartphone Android được trang bị công nghệ này trong năm nay. Cùng với xu hướng sở hữu smartphone cao cấp với thời gian sử dụng kéo dài vài năm, những chiếc flagship mới ra mắt phải sẵn sàng để đón đầu các phát triển công nghệ mới.
Vì lẽ đó, sẽ không ai muốn sở hữu một chiếc iPhone bị hạn chế tốc độ so với các smartphone khác, đặc biệt khi so với các thiết bị Galaxy cao cấp của Samsung.
iPhone mới vẫn sẽ luôn đắt đỏ. Ảnh: Cnet. |
Mặt khác, nếu Apple giành chiến thắng, đồng thời buộc Qualcomm phải đưa ra mức giá hợp lý hơn cho các bằng sáng chế của mình, cũng sẽ không một model iPhone mới nào có mức giá rẻ hơn bình thường. Bởi ngoài Qualcomm, Apple vẫn đang sử dụng chip của Intel. Cả 2 phiên bản đều có khả năng tương đồng nhau, vì thế sẽ không có sự điều chỉnh mức giá nào theo hướng giảm đi.
Chưa kể đến việc Apple vừa trải qua nửa đầu năm 2017 với doanh số iPhone sụt giảm lần đầu tiên trong lịch sử, và mức lợi nhuận cũng không mấy khả quan. Nếu có được nguồn thu từ vụ kiện với Qualcomm, nhiều khả năng Táo khuyết cũng sẽ dùng để cân đối thu chi tài chính, hơn là trừ vào giá bán iPhone.