Sau vụ sụp đổ đột ngột của SVB, thành viên đảng Dân chủ bang California Maxine Waters bắt đầu điên cuồng sử dụng điện thoại để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra với ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ.
Waters, cựu chủ tịch của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, vào thời điểm đó, tỏ ra hoài nghi về khả năng một ngân hàng khác sẽ đứng lên như vị cứu tinh và mua lại tổ chức không còn tồn tại.
“Các ngân hàng không thể chỉ đơn giản thức dậy và nói: 'Ồ, có vấn đề với một ngân hàng quan trọng khác. Nó đã sụp đổ. Hãy tiếp quản nó đi'”, bà nói.
Chính quyền Biden bắt đầu một ngày cuối tuần điên cuồng với các cuộc họp ngắn liên tục cùng những nhà quản lý, nhà lập pháp, quan chức hành chính và cả Tổng thống Joe Biden về cách xử lý vụ sụp đổ.
Cốt lõi của vấn đề là hàng chục tỷ USD - bao gồm cả số tiền mà các công ty công nghệ cần để trả lương - nằm trong những tài khoản SVB không được bảo vệ bởi mức tối đa của bảo hiểm chỉ là 250.000 USD.
Các quan chức liên bang nhất trí cần phải làm gì đó trước khi thị trường chứng khoán châu Á mở cửa vào tối 12/3, và các ngân hàng khác phải đối mặt với khả năng xảy ra làn sóng rút tiền hoảng loạn vào sáng 13/3.
“Chúng tôi đang chạy đua với thời gian”, AP dẫn lời Bharat Ramamurti, phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia.
Tổng thống Joe Biden phát biểu sau sự sụp đổ của SVB và Signature trong Phòng Roosevelt tại Nhà Trắng vào ngày 13/3. Ảnh: Reuters. |
Tìm kiếm biện pháp
Bà Waters đã đúng khi hoài nghi về khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng thông qua một vụ mua bán chuyển giao. Quy mô của ngân hàng - với khối tài sản trị giá 210 tỷ USD - cùng sự phức tạp khiến việc nhanh chóng kết thúc thương vụ trở nên khó khăn.
Các quan chức của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) nói với một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa hôm 13/3 rằng họ đã nhận được đề nghị mua ngân hàng vào cuối tuần trước nhưng không có thời gian để chốt. Họ có thể đưa SVB ra đấu giá một lần nữa.
Nhưng một kế hoạch khác cũng được đưa ra cùng lúc. Vào hôm 12/3, bà Waters đã nói chuyện điện thoại với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Vào thời điểm đó, Fed đang khởi xướng một chương trình khẩn cấp cho phép các ngân hàng vay trực tiếp để trang trải cho những đợt rút tiền có khả năng xảy ra mà không phải bán bớt tài sản để huy động tiền mặt.
Ý tưởng là để trấn an người gửi tiền và ngăn chặn tình trạng khách hàng đổ xô đi rút tiền ở các ngân hàng.
Đến tối 12/3, Bộ Tài chính Mỹ, Fed và FDIC cho biết chính phủ liên bang sẽ bảo vệ tất cả tiền gửi - ngay cả những khoản vượt quá giới hạn được bảo hiểm là 250.000 USD.
“Thật kỳ diệu”, bà Waters nói, gọi đó là “ví dụ về việc hợp tác và những gì chính phủ có thể làm với người chịu trách nhiệm phù hợp”.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell (trái). Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với lời khen ngợi này.
Trong cuộc gọi với FDIC và Bộ Tài chính Mỹ hôm 13/3, một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bày tỏ lo ngại rằng những triệu phú gửi tiền ở Thung lũng Silicon đang được giải cứu, và cái giá phải trả có thể chuyển sang các ngân hàng cộng đồng ở bang quê hương của họ.
Đó là bởi quỹ bảo hiểm tiền gửi mà chính quyền sử dụng để hỗ trợ khách hàng gửi tiền ở SVB và Signature chủ yếu đến từ phí bảo hiểm hàng quý được các ngân hàng đóng góp.
Giờ phút hoảng loạn
Rắc rối bắt đầu vào hôm 8/3 khi SVB cho biết họ cần huy động 2,25 tỷ USD để củng cố tài chính sau khi chịu tổn thất lớn trong danh mục đầu tư trái phiếu, vốn đã giảm giá trị khi Fed tăng lãi suất. Ngay hôm sau, nhiều khách hàng vội vã rút tiền của họ.
Tại phiên điều trần của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ vào sáng 10/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết cơ quan của bà đang “theo dõi rất cẩn thận” diễn biến liên quan đến ngân hàng.
Ông Biden cũng nhận được thông báo về tình hình vào sáng cùng ngày, theo một quan chức Nhà Trắng giấu tên. Sau đó, ông ăn mừng báo cáo việc làm tháng 2 ấn tượng ngoài mong đợi, gặp lãnh đạo Liên minh châu Âu và đáp máy bay đến Wilmington, Delaware, để đánh dấu sinh nhật lần thứ 17 của cháu trai ông.
Tuy nhiên, cuối tuần của ông sau đó sớm bị tiêu tan bởi các cuộc điện thoại và gọi video tập trung vào việc ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng trên toàn quốc. Các cơ quan quản lý lo lắng đến mức họ thậm chí không đợi đến khi hết giờ làm việc vào hôm 10/3 - theo thông lệ - để đóng cửa ngân hàng. Họ đóng cửa trong giờ làm việc.
Đó là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ và phức tạp hơn hầu hết vụ phá sản khác. 94% tiền gửi trong SVB - bao gồm cả lượng tiền mặt lớn do các công ty khởi nghiệp công nghệ nắm giữ - không được FDIC bảo hiểm.
Khách hàng xếp hàng chờ bên ngoài một chi nhánh của SVB ở Wellesley, Massachusetts, Mỹ vào ngày 13/3. Ảnh: Reuters. |
Trong khi các quan chức chính quyền và cơ quan quản lý làm việc suốt cuối tuần, Tổng thống Biden đã bày tỏ lo ngại về doanh nghiệp nhỏ và nhân viên của họ, những người dựa vào tài khoản ngân hàng đang gặp nguy hiểm, quan chức Nhà Trắng cho biết.
Vị quan chức này cho biết cũng có những lo ngại rằng nếu khách hàng gửi tiền tại SVB bị mất tiền, nhiều người sẽ mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng và đổ xô đi rút, gây ra cuộc khủng hoảng lớn.
Điện thoại của Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Massachusetts Jake Auchincloss đã bắt đầu sáng màn hình ngay cả trước cuối tuần. SVB có 8 chi nhánh và văn phòng tại bang của ông khi thông tin về sự sụp đổ lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.
“Sự hoảng loạn trong ngành công nghiệp Massachusetts và các lĩnh vực phi lợi nhuận trở nên tột độ chỉ trong vài giờ”, ông Auchincloss cho biết. “Điện thoại của tôi dường như phát nổ”.
Tâm lý hỗn loạn đã lan rất nhanh trong giới tài chính, bằng chứng là ngân hàng Signature trụ sở New York bị đóng cửa hôm 12/3 với lý do tương tự SVB.
Trong bối cảnh đó, hôm 12/3, Tổng thống Biden trấn an rằng “người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ có thể tin tưởng rằng tiền gửi ngân hàng của họ sẽ ở đó khi họ cần”.
Vào hôm 13/3, ông Powell thông báo Fed sẽ xem xét việc giám sát SVB để tìm hiểu điều gì đã xảy ra. Việc này sẽ được thực hiện bởi Michael Barr, phó chủ tịch Fed, và sẽ được công bố vào ngày 1/5.
Giờ đây, ông Biden và một số nhà lập pháp đang kêu gọi thay đổi luật pháp để thắt chặt quy tắc tài chính đối với các ngân hàng khu vực.
Trong khi đó, bà Waters cho biết có lẽ đã đến lúc tăng ngưỡng bảo hiểm tiền gửi.
“Chúng ta không thể chỉ nói đây là trường hợp khẩn cấp và quên nó đi như vậy”, bà nhấn mạnh.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế