Hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Chắc chắn các ứng cử viên sẽ rót hàng tỷ USD cho các chiến dịch vận động. Theo ước tính của Borrell Associates, một trong những công ty tư vấn và quảng cáo lớn nhất ở Mỹ, cuộc chạy đua tới cương vị tổng thống thứ 45 của nước này sẽ tiêu tốn hơn 11 tỷ USD.
Nếu tính cả chi phí cho các cuộc tranh cử vào Hạ viện, Thượng viện và các chức danh chính quyền địa phương thì khoản kinh phí sẽ chạm ngưỡng 16,5 tỷ USD.
Các ứng cử viên kiếm tiền từ đâu?
Theo số liệu do Viện Vận động Tài chính (CFI) có trụ sở ở thủ đô Washington công bố cuối tháng 8, các ứng viên chạy đua tới ghế tổng thống hay ghế nghị sĩ Mỹ có rất nhiều cách để quyên tiền vận động tranh cử, song chủ yếu dựa vào các nguồn chính như tiền của cá nhân và gia đình, huy động tài chính từ các nhóm lợi ích, các ủy ban hành động chính trị (PAC)…
Ngoài ra, các ứng cử viên còn được tài trợ một khoản tiền từ Quỹ Bầu cử. Quỹ này được thành lập năm 1971, theo đó mỗi người dân đóng thuế sẽ trích một USD để ủng hộ vào Quỹ Bầu cử. Từ năm 1994, mức đóng góp này được nâng lên thành 3 USD.
Trong chiến dịch bầu cử tổng thống 2016, ứng cử viên tiêu biểu cho nhóm “bỏ tiền túi” để vận động tranh cử là tỷ phú bất động sản Donald Trump.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa bước vào cuộc tranh luận ngày 6/8 tại Cleveland, bang Ohio. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Với khối tài sản được Forbes ước tính lên tới 8 tỷ USD (năm 2015) và là người giàu nhất trong số các ứng cử viên của cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, không có gì khó hiểu khi chứng kiến ứng cử viên Donald Trump chi một khoản tiền không nhỏ để phục vụ cho chiến dịch tranh cử của mình.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz đại diện cho nhóm ứng cử viên huy động kinh phí tranh cử nhờ vào nguồn ủng hộ của các tỷ phú. Số liệu của CFI cho thấy trong tổng số tiền 51 triệu USD mà ứng cử viên Ted Cruz gây quỹ được tính tới tháng 8/2015 thì có tới gần 71% từ các nhà tài trợ có số tiền đóng góp tối thiểu một triệu USD.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders đại diện cho các ứng cử viên chủ yếu dựa vào nguồn ủng hộ từ những người dân thường, với số tiền đóng góp từ 25 USD tới tối đa 2.700 USD một người.
Việc dựa vào một số lượng đông đảo các nhà ủng hộ để gây quỹ tranh cử tạo ra một số lợi thế lớn cho các ứng cử viên vì điều đó đồng nghĩa với việc có nhiều cử tri đầu tư và đặt cược vào thành công của họ.
Bên cạnh đó, cũng phải kể tới nhóm các ứng cử viên có nguồn tài chính hùng mạnh nhờ biết đồng thời gây quỹ tranh cử từ nguồn tiền ủng hộ của các tỷ phú, các tập đoàn và cả các cử tri đơn lẻ. Cựu thống đốc tiểu bang Florida là một ví dụ.
Trong tổng số khoảng 120 triệu USD mà ứng cử viên Đảng Cộng hòa này gây quỹ được tính tới tháng 8, hàng chục triệu USD là tiền quyên góp của 24 người ủng hộ tối thiểu một triệu USD, 21 người ủng hộ 500.000 USD trở lên và một số lượng không nhỏ những người ủng hộ 20-50 USD mỗi người.
Các ứng cử viên tiêu tiền như thế nào?
Báo cáo mới nhất của Borrell Associates cho biết các ứng cử viên tổng thống sẽ chi số tiền kỷ lục 11,4 tỷ USD cho hoạt động quảng cáo chính trị trong cuộc bầu cử năm 2016, tăng 20% so với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014.
Theo ước tính của Borrell Associates, trung bình mỗi ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ chi khoảng 120,8 triệu USD; mỗi ứng cử viên chạy đua vào Thượng viện sẽ chi khoảng 7,3 triệu USD và mỗi ứng cử viên chạy đua giành một ghế Hạ viện sẽ bỏ ra khoảng 1,6 triệu USD.
Tại các cấp bầu cử địa phương, dự kiến mỗi ứng cử viên tranh cử ghế thống đốc bang sẽ chi 2,6 triệu USD, trong khi mỗi ứng viên cũng phải chi một triệu USD cho chiến dịch tranh cử ghế nghị sĩ bang.
Hãng quảng cáo này cho biết thêm kinh phí dành cho vận động tranh cử trên các thiết bị kỹ thuật số của mùa bầu cử 2016 sẽ lần đầu tiên chạm mốc một tỷ USD, chiếm 9,5% tổng kinh phí quảng cáo tranh cử.
Theo đánh giá của BloombergView, nếu giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, hai chính khách Hillary Clinton và Jeb Bush sẽ lần lượt chi 2 tỷ USD để vận động tranh cử, nhiều gấp đôi số tiền mà Tổng thống Barack Obama và đối thủ Mitt Romney đã chi cho chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2012.
Với việc Tòa án Tối cao Mỹ quyết định dỡ bỏ những hạn chế đối với hoạt động quyên tiền vận động tranh cử, các ứng cử viên giờ đây có thể thoải mái vung tiền trong các cuộc bầu cử. Tới thời điểm này, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên sáng giá nhất cho tấm vé đại diện cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, là chính khách “chịu chơi” nhất.
Bà Hillary đã gây quỹ được tổng cộng 67,8 triệu USD và chi 24 triệu USD cho các hoạt động tranh cử. Trong khi đó, bên phía Đảng Cộng hòa, ứng cử viên Jeb Bush là chính khách gây quỹ được nhiều nhất với 120 triệu USD. Cựu thống đốc bang Florida này mới chi 13,4 triệu USD cho chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng.
Ứng cử viên Ted Cruz gây quỹ được 52,5 triệu USD và cũng mới tiêu 6,7 triệu USD. Nếu xét trên khía cạnh tài chính, có vẻ như các ứng cử viên Cộng hòa đang chiếm ưu thế vì họ vẫn giữ trong tay nguồn ngân sách tranh cử khá dồi dào trong bối cảnh cuộc đua sắp bước vào giai đoạn tăng tốc.
Chi nhiều tiền không đồng nghĩa với chiến thắng
Nhìn vào hoạt động gây quỹ và chi tiêu của các ứng cử viên, các nhóm giám sát hoạt động gây quỹ tranh cử quan ngại rằng mùa bầu cử 2016 tại Mỹ sẽ bị các tỷ phú chi phối.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các ứng cử viên chi nhiều trong giai đoạn đầu này đang dần mất ưu thế trong bối cảnh các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang tới gần.
Các kết quả thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy Thượng nghị sĩ bang Dân chủ Bernie Sanders, người tới thời điểm này mới gây quỹ được 15 triệu USD và chi 3 triệu USD cho các hoạt động tranh cử, đã bất ngờ vượt lên dẫn trước tất cả các ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng này trong cuộc bầu cử năm 2016.
Kết quả thăm dò chung của NBC News/Wall Street Journal công bố ngày 7/9 cho biết Thượng nghị sĩ 73 tuổi Bernie Sanders đã lần đầu tiên vượt lên dẫn trước ứng cử viên vốn chiếm ưu thế trong nhiều tháng qua là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton với tỷ lệ 49%-38% tại bang quan trọng New Hampshire.
Ứng cử viên Donald Trump phát biểu trong cuộc tranh luận tại Cleveland, bang Ohio ngày 6/8. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Bên phía Đảng Cộng hòa, dù tỷ phú Donald Trump đang dẫn đầu cuộc đua giành tấm vé đại diện cho đảng, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ngày càng nhiều cử tri hoài nghi cơ hội chiến thắng của tỷ phú này.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Donald Trump hiện ở mức 25%, khá thấp so với tỷ lệ ủng hộ cần thiết để có thể giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử cử sơ bộ, và có nhiều lý do thuyết phục để tin rằng ông Donald Trump sẽ không thể nâng tỷ lệ này lên cao hơn nữa.
Dù đã “bơm” khá nhiều tiền cho hoạt động tranh cử, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên này tại các bang chiến lược như Iowa chỉ là 22% và New Hampshire là 18%. Trong chiến dịch bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2012, ứng cử viên giành chiến thắng có tỷ lệ ủng hộ lên tới 41,8%.
Nhìn lại lịch sử các kỳ bầu cử và văn hóa bầu cử tại Mỹ có thể thấy rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thành - bại của một ứng cử viên các cuộc tranh cử và rõ ràng có được tiềm lực tài chính hùng mạnh là một ưu thế, song không hẳn đã là yếu tố quyết định đưa các ứng cử viên tới chiến thắng.