Canada đem tới bưu thiếp, sôcôla, và khẩu trang thương hiệu Canada. Na Uy cho các phái đoàn của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc những phù hiệu làm từ vải giống vải dùng để trang trí phòng họp của Hội đồng Bảo an.
Những phần quà nhỏ nói trên, ngay trước cuộc bỏ phiếu ngày 17/6, là để làm điểm nhấn cuối sau các chiến dịch dài của cả ba nước, để giành lấy một trong hai ghế không thường trực đang sắp trống của Hội đồng Bảo an.
Các nước đã mời gọi phiếu bầu bằng các buổi hòa nhạc của U2 (trái) và Celine Dion. Ảnh: Getty Images. |
Đó là chiếc ghế được dành ra cho nhóm các nước “Tây Âu và nước khác” trong hội đồng.
Mùa tranh cử cho ghế Hội đồng Bảo an đồng nghĩa với “nhiều bữa tiệc, nhiều sự kiện” ở trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, theo Stephanie Fillion, phóng viên chuyên đưa tin về Liên Hợp Quốc cho trang tin PassBlue.
Lợi ích khi ngồi trong Hội đồng Bảo an
Việc tranh cử có thể là kế hoạch chi tiết, với tài liệu quảng bá hào nhoáng, tiệc rượu thường xuyên, và các nước tuyên bố tranh cử từ nhiều năm trước.
Năm 2018, Ireland mời các nhà ngoại giao đến một buổi hòa nhạc ở New York của ngôi sao nhạc rock U2, và Canada cũng có buổi tương tự với huyền thoại Celine Dion vào năm nay.
Canada chi 1,74 triệu USD và có 13 nhân viên toàn thời gian phục vụ việc tranh cử. Đến cuối năm ngoái, Ireland chi khoảng 800.000 USD và Na Uy khoảng 2,8 triệu USD.
Các nước nhận lại ba điều: được tiếp cận các hoạt động, được có ảnh hưởng, và có vị thế, theo Adam Chapnick, giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Quân đội Hoàng gia Canada.
“Trong hai năm, ngày nào cũng vậy, một nước vốn không phải cường quốc được tiếp cận trực tiếp với 5 thành viên thường trực, cũng như các nước đang trong hội đồng vào thời điểm đó”, ông nói với BBC. “Được tiếp cận như vậy đi kèm theo vị thế”.
“Bỗng nhiên bạn trở thành người được săn đón trên thế giới, vì nếu có ai đó đang không thể trao đổi được với người Trung Quốc hay người Mỹ hay người Pháp, họ biết rằng bạn sẽ làm được”.
Hội đồng Bảo an có những trách nhiệm đáng kể, bao gồm ủy quyền cho hoạt động gìn giữ hòa bình, áp đặt lệnh trừng phạt quốc tế, và xác định xem Liên Hợp Quốc nên phản ứng với các xung đột như thế nào.
Nhưng Hội đồng Bảo an không phải lúc nào cũng hào hứng với việc hợp tác, ông Chapnick nói.
“Có những lúc bạn thực sự có thể thay đổi quy tắc quốc tế, nhưng có lúc bạn chắc chắn không thể. Và điều đó hoàn toàn khó lường”.
Mùa tranh cử cho ghế Hội đồng Bảo an đồng nghĩa với “nhiều bữa tiệc, nhiều sự kiện” ở trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Ảnh minh họa: New York Times. |
Chiến dịch tranh cử đáng chú ý của Canada
Năm 2010, Canada lần đầu tiên thất bại khi tranh ghế hội đồng. Bồ Đào Nha, một nước nhỏ ở châu Âu đang khủng hoảng kinh tế, có chiến thắng bất ngờ, và Đức giành được vị trí mở còn lại.
Ở Canada, thất bại đó lại trở thành chủ đề chính trị, với phe đối lập đổ lỗi cho phe Bảo thủ về thất bại mà họ coi là đáng xấu hổ.
“Về phương diện nào đó, người Bồ Đào Nha đắc cử, nhưng cũng theo cách nào đó, Canada thất bại”, ông Chapnick nói.
Bồ Đào Nha không chỉ tranh cử mạnh mẽ, mà còn chủ động vận động chống lại Canada, chiêu mộ các đồng minh để cản bước Ottawa.
Chiến dịch của Canada cũng có sai lầm, như thực sự vận động quá muộn. Canada cũng bị các đoàn châu Phi nghi ngờ sau khi đóng cửa một số đại sứ quán tại châu lục này.
Thủ tướng Justin Trudeau sau đó tuyên bố đảng Tự do của ông sẽ sửa chữa sai lầm đó, và Canada “sẽ trở lại” trường quốc tế.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters. |
Chiến dịch của Canada 2020
Các chiến dịch thành công thường có vài điểm chung, theo ông Chapnick. Chẳng hạn, nguồn tiền phải dồi dào, lãnh đạo hoặc quan chức cấp cao của đất nước phải chú ý và tham gia vận động.
Ông Trudeau đã trực tiếp đi vận động trong các chuyến đi vào tháng 2 năm nay, cố gắng lấy phiếu của các nước vùng Caribê và châu Phi. Ông gần đây cũng chủ trì phiên họp Liên Hợp Quốc về đại dịch Covid-19.
Một lời quảng bá của Canada, từ sau dịch Covid-19, là “trong thời gian khủng hoảng, cần có thêm nước G7 khác trên bàn (của Hội đồng Bảo an)”.
Bà Fillion nói “các nước cân nhắc nhiều điều khi bỏ phiếu”, bao gồm quan hệ song phương của nước tranh cử với một nước khác. Cũng có chuyện trao đổi phiếu, tức nước này bỏ phiếu ủng hộ nước kia để rồi được nước kia bầu trong một dịp khác, cho một cơ quan Liên Hợp Quốc khác.
Ông Chapnick cho rằng các năm bỏ phiếu gần đây chú trọng nhiều hơn vào trao đổi qua lại giữa các nước, tức “tôi không quan tâm anh là nước lớn cho bao nhiêu tiền viện trợ quốc tế, mà trong đó tôi nhận được bao nhiêu”.
Tất cả các yếu tố khiến kết quả khó đoán. Canada, sau thời gian dài phải chú trọng đàm phán lại hiệp định thương mại tự do với Mỹ và Mexico, thì gần đây đã chú trọng vận động tranh cử hơn.
Không phải chiếc ghế nào trong Hội đồng Bảo an cũng là ghế phải ganh đua, và tùy vào khu vực. Trong thập kỷ qua, gần 80% cuộc bầu cử thành viên hội đồng bảo an chỉ có một ứng viên.
Có 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an - Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ và Nga, và 10 thành viên không thường trực, trong đó 5 ghế được bầu mới mỗi năm.
Các thành viên không thường trực bao gồm hai nước của nhóm “Tây Âu và khác”, 5 nước châu Á hoặc châu Phi, hai nước Nam Mỹ và một nước Đông Âu.
Để giành được ghế, các nước phải được ít nhất 2/3 các nước trong Đại Hội đồng ủng hộ.