Ngày 11/5, Thepaper đưa tin Liên đoàn phát thanh và truyền hình Trung Quốc (thuộc Tổng cục phát thanh truyền hình Trung Quốc), Hiệp hội dịch vụ truyền thông mạng Trung Quốc (tổ chức ngành nghề cấp quốc gia) phối hợp phát hành Văn bản mẫu của hợp đồng tuyển dụng diễn viên, áp dụng thử trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, web drama.
Trong đó, giới quản lý văn hóa quy định diễn viên không được phép nhận thù lao bằng tiền mặt, phải có hợp đồng bằng văn bản nêu rõ các khoản thu nhập. Sina nhận xét đây là cuộc cải cách hàng trăm triệu NDT trong showbiz Trung Quốc.
Mánh khóe trục lợi của nghệ sĩ
Theo Sina, "mẫu chuẩn hợp đồng lao động" trong showbiz là sự kiện được quan tâm nhất tuần qua ở Trung Quốc. Động thái của cơ quan quản lý thu hút hơn 200 triệu lượt bàn luận trên mạng xã hội Weibo. Quy định kiểm soát tiền lương nhận được làn sóng ủng hộ tích cực từ công chúng.
Không chỉ ban hành quy định rõ ràng tỷ lệ thù lao, mức đánh thuế và phương thức chi trả tiền lương, nhà chức trách cũng lần đầu chỉ ra mặt tối sau con số cát-xê "mua penthouse chỉ nhờ một phim" của giới nghệ sĩ Trung Quốc.
Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng, Đặng Luân làm giả hợp đồng để đánh tráo thu nhập, trốn thuế. Ảnh: Sina. |
Theo quy định mới, cát-xê cho diễn viên không được phép chi trả bằng tiền mặt, hiện vật tương đương như cổ phiếu, bất động sản, vàng bạc đá quý, tranh hoặc thư pháp, đồ cổ... hay ký kết hợp đồng sau thuế. Nghệ sĩ phải phân biệt chặt chẽ thu nhập cá nhân, thu nhập của công ty hay của văn phòng đại diện.
Cơ quan quản lý cũng yêu cầu hợp đồng cát-xê phải được ký dưới danh nghĩa diễn viên, không được phép để người thân hoặc người ngoài lĩnh vực biểu diễn đứng tên nhằm tránh việc các sao lợi dụng kẽ hở luật pháp phân tách tiền thành nhiều khoản khác nhau, che giấu cát-xê thực lãnh và né thuế.
Theo nhà sản xuất Tạ Hiểu Hổ, những lệnh cấm được nêu rõ trong văn bản do giới chức ban hành là thực tế về lỗ hổng tiền lương, tình trạng gian lận thù lao, lách luật để hợp thức hóa tiền bẩn của giới nghệ sĩ ở showbiz Trung Quốc. Ông khẳng định người nổi tiếng xứ tỷ dân giở đủ chiêu trò khi ký hợp đồng lao động.
Tạ Hiểu Hổ chỉ ra giới sao Trung Quốc thường thỏa thuận tiền lương bằng miệng, nhận thanh toán bằng tiền mặt hoặc vật phẩm thay thế có giá trị cao và nhờ người thứ ba ký kết hợp đồng để hợp pháp hóa thù lao trá hình, đóng mức thuế thấp hơn quy định 30%. "Sao Hoa ngữ từng dùng bao tải để vác tiền về nhà sau khi nhận phim", nhà sản xuất nêu lên thực trạng.
Tạ Hiểu Hổ cho biết một nam diễn viên từng đề nghị ông hợp tác đánh tráo thu nhập để trót lọt qua mắt cơ quan chức năng. Tài tử này nhận cát-xê 148.000 USD, nhưng yêu cầu ông trả trước 133.000 USD tiền mặt, và chỉ ghi trên hợp đồng số tiền thù lao 14.800 USD.
Nhiều năm qua, các ngôi sao xứ tỷ dân dễ dàng hưởng mức thù lao trên trời hàng triệu USD cho vài ngày hay một tháng làm việc. Theo tờ Kinh tế Bắc Kinh, 50% đến 70% chi phí sản xuất phim ở Trung Quốc được sử dụng để trả thù lao nghệ sĩ, gây quan ngại về chất lượng làm phim.
Việc không có quy chuẩn tiền lương rõ ràng từng gây ra tình trạng hỗn loạn trong việc chi trả cát-xê, lách luật chuyển hóa thù lao để né thuế từ giới sao Trung Quốc. Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng hay Đặng Luân là các nghệ sĩ bị điều tra và nhận án phạt cấm sóng vì làm giả hợp đồng để che giấu mức lương thực tế với mục đích trốn thuế.
Giảm lương của diễn viên nổi tiếng nhưng thiếu tài năng
Ngoài việc kiểm soát hình thức nhận thu nhập, cơ quan chức năng cũng đặt ra giới hạn cát-xê cho giới sao Trung Quốc. Theo quy định, thù lao diễn viên không chiếm quá 40% tổng kinh phí sản xuất, trong đó cát-xê diễn viên chính không được vượt quá 70% tiền lương của các diễn viên còn lại. Thù lao cho nghệ sĩ trong một tập phim không vượt mốc 5.900 USD.
Theo QQ, từ đầu năm nay, cát-xê của diễn viên Trung Quốc đã giảm 30-50%, ngưỡng giới hạn hiện tại là 6,2 triệu USD. Con số này thấp hơn 2,8 triệu USD so với năm 2021, thời điểm lằn ranh đỏ cát-xê với các ngôi sao tên tuổi là 9 triệu USD.
Angelababy bị hạ cát-xê vì thực lực kém. Ảnh: QQ. |
Theo Sina, lớp nghệ sĩ hạng A từng nhận mức cát-xê trung bình 12,5-14 triệu USD trong lĩnh vực phim truyền hình hay show giải trí, nay con số này giảm hơn một nửa. Lứa nghệ sĩ trẻ Trung Quốc hiện cũng chỉ thu về 740.000 USD/dự án, thay vì con số 1,5-3 triệu USD như trước.
Hiện, các nghệ sĩ có danh tiếng cao như Châu Tấn, Chương Tử Di, Trần Khôn, Dương Mịch, Triệu Lệ Dĩnh, Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Dương, Dương Tử... được trả dao động 5-8 triệu USD/ phim và 4 triệu USD với hợp đồng quảng cáo. Giá trị thù lao này đều chưa qua khấu trừ thuế.
Người nổi tiếng ở Trung Quốc từng ở thời kỳ "làm giàu không khó". Họ chỉ cần có chút tiếng tăm trên thị trường là dễ dàng hưởng mức thù lao hàng triệu USD cho vài ngày hay một tháng làm việc. Trước năm 2018, cây bút Vương Thiên Thiên của QQ cho biết không thể đếm nổi có bao nhiêu nghệ sĩ Trung Quốc nhận mức cát-xê trên 100 triệu NDT.
Theo Sina, bên cạnh việc đảm bảo chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ phim rác, mục đích của hạn chế cát-xê là sàng lọc diễn viên thực lực, đưa danh tiếng giới nghệ sĩ về đúng giá trị thực sau thời gian bị tung hô quá mức.
QQ cho biết cuộc cải cách thù lao đẩy Angelababy xuống thành nghệ sĩ tuyến 2. Cô hiện nhận thù lao của diễn viên phụ dù xuất hiện trên phim với vai trò nữ chính. Cát-xê của vợ cũ Huỳnh Hiểu Minh hiện rơi vào khoảng 2-2,8 triệu USD.
"Giảm cát-xê là lời cảnh báo cho những diễn viên chỉ chăm chút cho sự nổi tiếng, mức ảnh hưởng của bản thân mà không trau dồi diễn xuất. Thù lao cao cần đi đôi với chất lượng. Ngành nghệ thuật sẽ không dung túng và lãng phí tài nguyên để đầu tư vào những điều không xứng đáng", đạo diễn Trần Tiểu Văn cho biết.