Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cước 3G sẽ tăng?

Bộ TTTT xác nhận, giá cước 3G của Việt Nam đang rất thấp, bộ sẽ quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, dịch vụ 3G theo hướng quản lý bằng giá trần.

Đầu tư khoản tiền khổng lồ (1,3 tỷ USD) để nhập thiết bị, xây dựng hạ tầng và “ngâm” một phần vốn đặt cọc nhận giấy phép, nhưng giá cước 3G lại đang được bán dưới giá thành. Một số nhận định cho rằng doanh nghiệp viễn thông đang phải đối mặt với việc tăng hay giữ nguyên cước 3G, khi mà vốn đầu tư bỏ ra rất lớn nhưng cước vượt gói của 3G còn rẻ hơn một nửa so với 2G. Giá cước 3G cần được bán đúng với giá thành đang là câu chuyện được bàn luận.

Một chuyên gia viễn thông cho rằng, kinh doanh 2G khác với kinh doanh 3G. Bởi nếu 2G thì doanh thu 100% thuộc về doanh nghiệp (DN) viễn thông, còn 3G doanh thu bị chia sẻ với các đơn vị cung cấp nội dung, trong khi đầu tư mạng lưới vẫn 100% thuộc về nhà mạng. Chưa kể, hiện DN viễn thông đang bị ảnh hưởng từ dịch vụ OTT (dịch vụ viễn thông trên nền Internet).

Giá cước 3G của Việt Nam đang rất thấp, Bộ TTTT sẽ quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, dịch vụ 3G theo hướng quản lý bằng giá trần.

Giờ đây, 3G trở thành bình dân, phổ biến như dịch vụ 2G, và là kết quả rất khác biệt so với dự đoán trước đó 3G dành cho người giàu. Trước đây, cước 2G phải mất nhiều năm mới giảm 2 - 3 lần, nhưng 3G chỉ cần hơn 2 năm đã giảm tới 5 - 6 lần. Độ phổ cập của 3G cũng không cần phải đợi đến 10 năm như 2G mà chỉ khoảng 2 - 3 năm.

Con số trên chưa bất ngờ nếu so sánh với một số quốc gia trong khu vực và thế giới. Cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước châu Âu. Nếu tính riêng dịch vụ dữ liệu, giá cước tại Việt Nam thấp hơn 4 lần so với tại Trung Quốc.

Ngay với mạng SingTel (Singapore), người dùng tại đảo quốc này phải bỏ ra tối thiểu 300.000 đồng/tháng để sử dụng 1GB cước dữ liệu băng rộng 3G trên di động, còn ở Việt Nam với số tiền này có thể dùng tới 3GB dữ liệu. Tại Mỹ, nhà mạng AT&T tính 625.000 đồng cho 3GB dữ liệu và không có số phút gọi, tin nhắn miễn phí.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 4 năm trước, các nhà mạng bắt đầu đầu tư vào mạng 3G. Trong giai đoạn đầu phát triển, để kích cầu cho dịch vụ mới, nhiều nhà mạng đã giảm giá cước dưới mức giá thành. Đến nay khi 3G dần thay thế 2G và tất cả chi phí cho 2G dồn hết cho 3G phải “gánh”. Vì thế, sau 4 năm đầu tư cho 3G nhà mạng đang đau đầu với bài toán không có lợi nhuận trong khi công nghệ mới 4G đang chờ đợi những suất đầu tư lớn hơn.

“Mạng 3G vẫn cần phải tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng vì sẽ không dừng lại con số 20 triệu thuê bao hiện nay. Tốc độ tải trung bình thực tế là 1,8Mbps vẫn phải tăng lên để làm hài lòng khách hàng” - một nhà mạng khác chia sẻ.

“Chúng tôi phải tính tới chuyện tăng giá cước 3G để tiếp tục tái đầu tư cho mạng lưới. Giá cước chưa khuyến mãi hiện chỉ bằng khoảng 30-50% giá thành. Nếu không tăng cước 3G, nhà mạng sẽ không còn nguồn lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới để đáp ứng số thuê bao sử dụng dịch vụ 3G đang tăng nhanh” - ông Hùng chia sẻ.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, hướng quản lý của bộ đối với giá cước 3G trong thời gian tới là sẽ quản lý dựa trên 3 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là giá thành. Bên cạnh đó, bộ cũng cân nhắc dựa trên giá cước trung bình của quốc tế để giá cước 3G Việt Nam tương đồng với thế giới. “Giá cước sẽ dần dần đi lên dựa trên cơ sở giá thành là một xu hướng” - ông Thắng nhấn mạnh.

Theo Lao động

Bạn có thể quan tâm