Texas và California có lẽ nhiều khác biệt về chính trị và chính sách khí hậu. Tuy nhiên, cả hai bang lớn này của nước Mỹ lại gặp phải vấn đề tương đồng trớ trêu: Sập lưới điện do thời tiết khắc nghiệt bất chấp khoản đầu tư khổng lồ.
Theo Politico, trong hai thập kỷ qua, hai bang chính trị lớn này đã chi những khoản ngân sách đồ sộ cho mạng lưới điện của bang. California tập trung vào sản xuất năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời. Trong khi đó, Texas dồn lực xây dựng một thị trường năng lượng hiệu quả, độc lập dựa trên năng lượng khí đốt, than đá, hạt nhân và gió.
Nhân viên của một công ty điện đang cố gắng khôi phục nguồn điện tại một khu dân cư sau khi phần lớn Texas bị mất điện do bão tuyết. Ảnh: AP. |
Bất chấp điều đó, cả hai bang này vẫn phải chịu số phận “tắt đèn” khi đối mặt với điều kiện thời tiết tàn khốc mà các nhà khoa học gọi là một phần của biến đổi khí hậu.
Vấn đề năng lượng ở hai bang này giờ đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với tân Tổng thống Joe Biden. Liệu ông Biden có thể thu hút sự ủng hộ từ các nhà lập pháp và từ chính quyền các bang nhằm hỗ trợ hàng tỷ USD để củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia sao cho có thể chống chọi với biến đổi khí hậu?
Và, ông sẽ phải làm thế nào để giải quyết sự phản đối cực đoan đối với cam kết chuyển đổi quốc gia sang sử dụng năng lượng tái tạo trước năm 2035? Đặc biệt là trong tình thế hiện nay, nhiều người ủng hộ sử dụng năng lượng hóa thạch đang lập luận rằng năng lượng gió và Mặt Trời chính là lý do gây ra sự cố điện tại hai bang Texas và California.
Tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống điện
Sự cố sập nguồn điện mới nhất ở Texas đã khiến hơn 4 triệu người không có ánh sáng nhân tạo để sử dụng, không thể sưởi ấm, và thậm chí không có nước sạch. Nguyên nhân của sự cố được cho là do một đợt khí lạnh hiếm hoi ở Bắc Cực tràn về khiến nhiệt độ xuống rất thấp, làm đóng băng các nhà máy khí đốt tự nhiên và tuabin gió.
“Texas đã dự trù cho các đợt nóng nhiều hơn là bão tuyết”, Dan Reicher, cựu nhân viên của Bộ Năng lượng về năng lượng tái tạo và đang làm việc tại Đại học Stanford, cho biết.
Tình huống khó khăn hiện tại của Texas là do sự độc lập về mạng lưới điện của bang gây ra, cùng với sự phản đối gay gắt từ các đảng viên Cộng hòa của bang đối với việc liên kết mạng lưới điện với bang khác, và đối với việc cho phép các nhà quản lý liên bang giám sát hệ thống năng lượng của bang này. Nhiệm vụ cấp bách của Texas lúc này là giải quyết những vấn đề trên nhằm ngăn chặn sự cố về mạng lưới điện lặp lại.
Cho đến nay, chính quyền ông Biden chưa có dấu hiệu đưa vấn đề năng lượng của Texas vào chương trình nghị sự. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đang có ý định mở phiên điều trần nhằm xem xét sự cố sập mạng lưới điện. Các phiên điều trần này có thể sẽ là điểm sáng để các nhà lập pháp để tâm hơn đến vấn đề năng lượng của bang.
Nhiều khu vực tại Texas không có đèn điện trong tuần rồi. Ảnh: AP. |
Các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định chắc chắn sự thay đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến xoáy cực gây ra nhiệt độ giảm mạnh trong tuần rồi. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy việc nhiệt độ tăng ở Bắc Cực trong nhiều năm nay có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi đường di chuyển của các dòng khí dẫn đến những luồng gió băng tiến vào các bang phía nam.
Nhà khoa học khí hậu Andrew Dessler, Đại học Texas A&M nhận định rằng biến đổi khí hậu đang thúc đẩy nhiều sự kiện "rủi ro đuôi" (tail risk) hơn. Nhiều sự kiện khí hậu từng được cho là rất hiếm khi xảy ra đang bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Chẳng hạn, năm 2020, cả Texas và California đã phải hứng chịu đợt nắng nóng kinh hoàng và cháy rừng kỷ lục.
Vấn đề này đặt ra một câu hỏi quan trọng về cách mà chính phủ Mỹ bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của họ trong bối cảnh Trái Đất ngày càng ấm hơn.
Ông Dessler đã ví việc đầu tư vào năng lượng tái tạo với việc đóng bảo hiểm. Ông nói: “Một là đóng bảo hiểm và chấp nhận việc có thể sẽ không sử dụng đến nó; hai là không đóng bảo hiểm nhưng sau đó sẽ bị xóa sổ”.
Nhược điểm trong hệ thống điện của California và Texas
Hệ thống lưới điện của California đã phải đối mặt với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong suốt nhiều năm. Chẳng hạn, các vụ cháy rừng đe dọa đường truyền điện xuất hiện ngày càng nhiều, với quy mô và thời gian ngày càng tăng; nắng nóng cường độ cao kéo dài và hạn hán ở Tây Bắc California gây hạn chế nguồn cung thủy điện.
Năm 2019, công ty Điện & Khí Thái Bình Dương đã phải phá sản vì thiệt hại do cháy rừng gây ra. Để đối phó với các khoản nợ từ cháy rừng, nhiều công ty dịch vụ công cộng cung cấp điện của bang liên tục phải đóng đường truyền điện trong những khoảng thời gian có bão gió để giảm thiểu khả năng phát cháy.
Trong thập kỷ qua, với mong muốn giảm thiểu lượng khí thải carbon và sản xuất nhiều năng lượng hơn cho bang, California đã tập trung phát triển năng lượng tái tạo, nâng công suất năng lượng Mặt Trời trên lưới điện lên 27 gigawatt vào năm 2019. Con số này chiếm đến hơn ⅓ sản lượng năng lượng Mặt Trời của quốc gia, theo hiệp hội các ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời.
Ngoài ra, để cân bằng lưới điện của mình, California tham gia xây dựng một thị trường điện gồm 11 tiểu bang, cho phép bang này xuất khẩu năng lượng Mặt Trời dư trong ngày, đồng thời kéo điện về từ các nguồn khác sau khi Mặt Trời lặn.
Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2000-2001, California đã gặp phải sự cố mất điện đầu tiên vào tháng 8/2020.
Sự cố khiến khoảng 490.000 khách hàng không có điện để sử dụng trong vòng 2 giờ trong một đêm, và 320.000 khách hàng lần nữa gặp tình huống tương tự vào một đêm khác, với thời gian mất điện ít hơn.
Nắng nóng lịch sử tại California vào tháng 8/2020 gây ra sự cố mất điện diện rộng, ảnh hưởng đến hàng nghìn khách hàng. Ảnh: Los Angeles Times. |
Vụ việc đã nhấn mạnh những nhược điểm khác trong mạng lưới điện của bang.
Một phân tích của bang cho rằng đợt nắng nóng lịch sử trên toàn miền Tây nước Mỹ là nguyên nhân gây ra sự cố. Nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian này tăng cao, lượng điện mà California có thể nhập vào từ các bang khác cũng bị hạn chế.
Phân tích này cũng xem việc sử dụng chủ yếu năng lượng tái tạo của bang là một nguyên nhân khác dẫn đến sự cố. Họ giải thích rằng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo sẽ giảm mạnh khi Mặt Trời lặn. Điều này yêu cầu các nhà máy điện phải tăng tốc quá trình sản xuất vào ban ngày, và tốc độ sản xuất của họ đã không thể đáp ứng đủ lượng tiêu thụ điện quá lớn trong tuần đó.
Sự cố mất điện ở Texas xảy ra vào buổi sáng sớm thứ hai – một thời điểm quan trọng trong ngày. 30 gigawatt điện - chiếm khoảng ¼ công suất điện trên toàn tiểu bang - đã bị ngắt ngay khi tình trạng đóng băng sâu khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao bất thường, ở mức chỉ thường thấy vào mùa hè.
Điều này đã dẫn đến mất điện nhiều ngày liền, ảnh hưởng đến 4,4 triệu khách hàng Texas.
Theo Politico, các vấn đề của Texas một phần có thể xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây.
Texas có những quy tắc thị trường mở khác biệt với nhiều khu vực khác trên khắp nước Mỹ. Quy tắc này yêu cầu một “thị trường công suất” mà tại đó, các nhà sản xuất điện cam kết duy trì hoạt động cho nhà máy của họ trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, khi đợt khí lạnh ập đến gây hạn chế cho việc vận chuyển khí đốt và làm đóng băng tuabin gió, thì hàng loạt nhà máy điện trong cam kết nêu trên lại đang bảo trì.
Bang này dường như cũng không lưu ý đến các cảnh báo từ một báo cáo về đợt lạnh tương tự vào năm 2011. Cảnh báo kêu gọi nhà sản xuất nên cách nhiệt cho thiết bị phát điện của mình để tránh bị ảnh hưởng từ không khí lạnh. Việc cách nhiệt này đòi hỏi khá nhiều chi phí nhưng bù lại có thể giảm thiểu nguy cơ sập điện.
Giải pháp cho tương lai
Các chuyên gia cho rằng việc tăng cường đường truyền tầm xa trên khắp nước có thể giúp ngăn chặn sự cố mất điện trong tương lai.
Ông Michael Wara, giám đốc chương trình khí hậu và năng lượng tại Đại học Stanford, khuyên rằng cả Texas và California nên phối hợp chặt chẽ hơn với các khu vực lân cận để có được nhiều lợi ích hơn.
Texas đã từ chối vượt qua ranh giới của tiểu bang trong vấn đề năng lượng, ngăn cản các cơ quan quản lý liên bang nhúng tay vào mạng lưới điện của họ. Điều này đã khiến tiểu bang chật vật một mình khi các nguồn lực nội bang không đáp ứng đủ nhu cầu. Có thể thấy rõ trong vài năm gần đây, các đợt nóng mùa hè đã đẩy hệ thống điện của Texas đến giới hạn.
V. John White, giám đốc điều hành của trung tâm Energy Efficiency and Renewable Technologies (tạm dịch: hiệu quả năng lượng và công nghệ tái tạo), nhận xét: “Các chính trị gia Texas đang đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân khác nhau, họ đã có những bài học đau đớn về cách vận hành thị trường của mình. Một nhược điểm của Texas là họ không kết nối tốt với bất kỳ khu vực nào trong nước”.
Các cơ quan chức năng hiện đặt trọng tâm trước mắt vào việc khôi phục nguồn điện trên toàn Texas. Bên cạnh đó, họ cũng bắt đầu tìm phương pháp nhằm giúp hệ thống lưới điện có thể chuẩn bị tốt cho tương lai.
Richard Glick, chủ tịch ủy ban điều tiết năng lượng liên bang, thông tin: “Một nguyên nhận phổ biến cho tình huống ở California và Texas là thời tiết. Các chuyên gia nói rằng kiểu thời tiết khắc nghiệt khó đoán này sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Phận sự của chúng tôi và những người có trách nhiệm khác là đảm bảo rằng mạng lưới điện có khả năng chống chịu tốt hơn trước những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cực đoan đó”.
Ông Glick cho rằng Texas nên cân nhắc lại về hệ thống điện độc lập của mình. Ông chỉ ra rằng những bang lân cận có quyền truy cập vào hệ thống phát qua các đường truyền đã có thể xoay sở phục hồi mạng lưới điện của họ một cách nhanh chóng sau đợt đóng băng sâu, bao gồm phần lớn các bang ở thượng Trung Tây, và thậm chí là các vùng nằm ngoài lưới điện chính của Texas như El Paso và Lubbock, Texas.
Người dân không có điện để sưởi ấm và thậm chí không có nước sạch để sử dụng do sự cố sập nguồn điện tại Texas. Ảnh: AP. |
Mạng lưới điện Trung Tây này cũng bị mất điện liên tục vào ngày 15 và 16/2 nhưng đã khôi phục phần lớn vào trước ngày 17/2, nhờ liên kết lưới điện với phần còn lại của đất nước.
Trong nhiều thập kỷ nay, các chuyên gia lưới điện đã kêu gọi xây dựng diện rộng các đường dây tải điện để đảm bảo nguồn cung năng lượng. Nếu được thực hiện tốt, vấn đề mà California và Texas đang phải gánh chịu có thể được giảm bớt bằng cách thay thế nguồn cung cấp từ các nhà máy điện nội bang gặp sự cố bằng điện từ những vùng khác của Mỹ, hoặc thậm chí từ Canada và Mexico.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, chính quyền Tổng thống Biden cần phải tìm ra cách xoay xở hàng hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ USD chi tiêu cần thiết. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần giải quyết các vấn đề quan liêu đã làm chậm quá trình này trong nhiều thập kỷ.
Larry Gasteiger, giám đốc điều hành của WIRES, một hiệp hội các nhà xây dựng đường truyền cho biết: “Vấn đề không phải là các nhà cung cấp đường truyền đang cố gắng tìm thêm khách hàng. Nếu xác định được nhu cầu về đường truyền và có kế hoạch cụ thể, chúng tôi sẽ xây dựng. Tuy nhiên, hai trở ngại thật sự đối với việc xây dựng nhiều cơ sở đường truyền hơn là: một, sự cho phép và chỉ định địa điểm; hai, ngân sách. Ai sẽ trả tiền?”.
Đa số các nhóm vì môi trường cho rằng việc xây dựng nhiều đường truyền hơn là điều cần thiết. Đặc biệt, đường truyền giữa vùng nông thôn nhiều nắng và gió với trung tâm dân cư sẽ là chìa khóa để khử carbon cho mạng lưới điện.
Tuy nhiên, họ không ủng hộ xây dựng quá nhiều đường truyền qua cáp điện. Thay vào đó, họ hướng đến các công nghệ mới, như phát triển “microgrid” (tạm dịch: vi lưới) ít phụ thuộc hơn vào các nguồn cung cấp điện ở xa, hay chế tạo các loại pin dự trữ năng lượng.
Mark Dyson, một chuyên gia về điện năng từ năng lượng sạch tại viện Rocky Mount, cho biết: “Đầu tiên và quan trọng nhất, cần phải thừa nhận rằng chúng ta khó mà ngăn chặn được mọi sự cố sập nguồn điện kiểu này. Trong vòng 30 năm tới, chúng ta còn gặp nhiều tình huống tương tự. Chúng ta đã có khá nhiều thời gian để nhận ra lỗ hổng cơ bản của hệ thống điện. Giờ đây, chúng ta cần tận dụng lợi thế từ công nghệ số, công nghệ phân tán, lưu trữ và tính linh hoạt để xử lý các nguyên nhân gốc rễ chứ không phải đi khắc phục từng sự cố phát sinh”.
Theo Politico, khó có khả năng đảng Cộng hòa sẽ chấp nhận một dự luật về cơ sở hạ tầng với nhiều ưu tiên về năng lượng xanh, chẳng hạn như các kế hoạch của ông Biden. Một số thành viên bảo thủ lập luận rằng dự luật này còn phải xem xét nhiều vấn đề hơn nữa mới có thể giúp mạng lưới năng lượng hiện tại ổn định hơn trước các sự kiện thời tiết.
“Có vẻ như một dự luật cơ sở hạ tầng sắp được đưa ra xem xét và nó sẽ bao gồm nhiều điều khoản về năng lượng. Tôi không nghĩ đây là một giải pháp đơn giản. Đây sẽ là một công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều tư duy từ những người khôn ngoan mới có thể đưa ra được những giải pháp thiết thực”, ông Bernard McNamee, cựu ủy viên của Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang FERC đảng Cộng hòa, cho biết.