Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cưa tay, vỡ đốt sống vì kiếm tiền Tết

Khoa Cấp cứu bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Tùng (18 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) với bàn tay bị dập nát.

Cường độ công việc lớn cùng với sự thiếu chuyên môn đã khiến nhiều lao động gặp tai nạn ngay những ngày cận Tết.

Giáp Tết, tai nạn tăng

Khoa Cấp cứu bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Tùng (18 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) với bàn tay bị dập nát. Một đồng nghiệp đưa Tùng vào cấp cứu cho biết, do bất cẩn, Tùng đã đút cả cánh tay vào máy dập thảm.

Xưởng sản xuất thảm cần thêm người làm cho kịp đợt hàng Tết, nên đã nhận Tùng vào làm. Tùng chỉ được chủ xưởng hướng dẫn qua rồi yêu cầu đứng xem thợ làm một ngày, sau đó Tùng được giao cho đứng máy. Tùng đứng máy đến ngày thứ hai thì tai nạn xảy ra. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng khoa Khám bệnh, nhiều khả năng Tùng phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàn tay phải vì bàn tay này đã bị dập nát hoàn toàn.

Tại Khoa Phẫu thuật Cột sống, chúng tôi ghi nhận nhiều hoàn cảnh thương tâm của bệnh nhân là lao động tự do bị tai nạn lao động ngày cận Tết. Chị Nguyễn Thị Huệ (Phủ Lý, Hà Nam) đã nhập viện gần một tuần, trong tình trạng vỡ đốt sống thắt lưng L1. Chồng chị đang cố xoay sở lo tiền cho chị phẫu thuật với khoản viện phí gần 30 triệu.

Bé Hoa, con gái lớn của chị phải nghỉ học để chăm mẹ. “Mẹ bảo đi theo bố tới công trình xây dựng làm thêm để kiếm ít tiền mua quần áo mới cho ba chị em đón Tết. Làm chưa đầy tháng thì mẹ ngã giàn giáo từ tầng hai xuống khi đang chuyển gạch. Giờ con chẳng mong Tết, chỉ mong có đủ tiền để mổ cho mẹ”, bé Hoa nói trong nước mắt.  

Thiếu thiết bị bảo hộ và sự chủ quan, là nguyên nhân khiến nguy cơ TNLĐ tăng cao tại các công trường xây dựng.

Điều dưỡng Vũ Hoàng Anh - Khoa Phẫu thuật Cột sống cho biết, những ngày này, khoa liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị ngã giàn giáo, có ngày tới 3-4 bệnh nhân nhập viện. Đa phần bệnh nhân là lao động nông thôn, xong việc đồng áng thì đi làm thêm kiếm tiền lo Tết, nên không có kinh nghiệm làm việc, lại không được trang bị đồ dùng bảo hộ, khiến tai nạn xảy ra. 

Mất mạng vì chủ quan

Giáp Tết là thời điểm hầu hết các cơ sở sản xuất, công trình xây dựng thuê thêm nhân công thời vụ để sớm hoàn thành tiến độ, nghỉ Tết sớm. Cũng chính bởi áp lực chỉ tiêu sản lượng, nên cơ sở phải tăng ca triền miên, lao động thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ, dễ xảy ra tai nạn. “Hôm xảy ra tai nạn là ngày mà tôi đứng máy hơn 8 giờ đồng hồ không nghỉ. Cứ nghĩ mình trẻ, làm nốt ca hai rồi xin nghỉ luôn thể, ai ngờ…”, bệnh nhân Tùng chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tân - Chủ thầu xây dựng ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Những tháng cuối năm việc nhiều, chúng tôi phải thuê thêm lao động thời vụ, thường làm những việc đơn giản như bê, vác chuyển vật liệu. Lao động thời vụ chưa quen việc, dễ xảy ra tai nạn, chúng tôi lo lắm, nhưng không thuê thì không kịp tiến độ”.     

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, buôn bán, vận chuyển, xây dựng... luôn có nhu cầu bổ sung lao động vào dịp cuối năm. Các lao động này chủ yếu là đối tượng nông nhàn, thanh niên, sinh viên tìm việc làm thêm, kiếm tiền chi tiêu Tết. Nhóm lao động thời vụ này làm việc không thường xuyên, không được đào tạo kỹ năng nghề, không được tập huấn về an toàn lao động và không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động; Trong khi cả người sử dụng lao động lẫn người lao động đều chủ quan, chỉ mong đẩy nhanh tiến độ công việc khiến TNLĐ dễ xảy ra.    

http://giaothongvantai.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/xa-hoi/201401/cua-tay-vo-dot-song-vi-kiem-tien-tet-440276/

Theo Báo Giao Thông

Bạn có thể quan tâm