Cửa hàng đặc sản vùng miền nở rộ tại Sài Gòn
Không khó để mua bất cứ loại đặc sản nào của vùng núi phía Bắc hay gia vị chế biến món ăn cầu kỳ của miền Trung tại TP HCM.
Vừa khai trương cửa hàng đặc sản Vũng Tàu (Phước Long A, quận 9) với món tủ là chả cá thu, chị Linh, chủ cửa hàng 234 (Phước Bình, quận 9) cho rằng, yếu tố đầu tiên khiến các bà nội tin và chọn các loại thực phẩm đặc trưng của một số vùng miền không phải vì sự ngon, lạ miệng nữa. Họ tin tưởng hàng tại chỗ thường “thật”, theo nghĩa đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng phụ gia khi chế biến. Vì thế nên cửa hàng chuyên đặc sản vùng miền ngày càng thu hút sự nhập cuộc của nhiều người.
Ưu thế của các cửa hàng chuyên doanh đặc sản vùng miền là sản phẩm tươi ngon, giá cạnh tranh. Trong ảnh: Sản phẩm "tủ" của cửa hàng thực phẩm Vườn Quê là cá mực ghe câu. |
Cũng theo chị Linh, quê chị ở Vũng Tàu. Trước đây chị chỉ bán chả cá thu Vũng Tàu cho người quen, đồng nghiệp trong công ty, coi như giới thiệu món tủ của quê. Ai muốn ăn thì đặt, chị tổng hợp số lượng, nhờ người nhà ở quê mua và gửi xe đò lên. Dần dần nhu cầu tăng, không chỉ chả cá thu mà còn nhiều loại hải sản tươi sống khác. Thấy làm ăn được, chị quyết định mở rộng kinh doanh bằng cách mở cửa hàng.
Cách cửa hàng chị Linh hơn 200m, cửa hàng Tràng An, chuyên kinh doanh đặc sản của các tỉnh miền Bắc cũng vừa khai trương với đủ các món, từ chè (Thái Nguyên), miến dong (Hà Nội), măng khô (Tuyên Quang), bánh đậu xanh (Hải Dương), các loại thịt gác bếp (Sơn La), bún (Hà Nội), rượu Làng Vân (Bắc Giang)… Và cũng như chị Linh, chủ cửa hàng này cho biết, sau một thời gian bán đặc sản miền Bắc theo kiểu “xách tay” khá đắt hàng, chị mở luôn cửa hàng. Hàng tươi bán mỗi ngày tại cửa hàng chị như bánh chưng, bún tươi, các loại rau xanh được người nhà đóng thùng, gửi máy bay vào mỗi buổi sáng.
Vú sữa Lò Rèn, đặc sản của Tiền Giang là trái cây được nhiều khách ưa chuộng tại một cửa hàng đặc sản ở đường Thảo Điền, quận 2. |
Để cạnh tranh, việc cung cấp và phân phối rất được các cửa hàng chuyên kinh doanh loại hàng hóa này đặc biệt chú trọng, nhằm giành thiện cảm với khách hàng. Đặc biệt với các cửa hàng “sinh sau đẻ muộn” thì hàng tươi ngon, giao tận nơi, chế độ hậu mãi tốt là phương châm. Một số cửa hàng không chỉ bán mà còn hướng dẫn khách cách chế biến món ăn theo đúng hương vị tại nơi xuất xứ món đặc sản đó một cách tận tình; hướng dẫn khách cách chọn thực phẩm tươi ngon, cách phân biệt hàng thật, hàng nhái. Thậm chí có cửa hàng, như Vườn Quê tại đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 còn tỉ mỉ lên thực đơn hàng ngày cộng với cách chế biến để các bà nội trợ ít thời gian không phải đắn đo suy nghĩ “hôm nay ăn gì”.
Chị Dương, chủ cửa hàng thực phẩm Vườn Quê, cho biết nét riêng, đặc biệt khiến người tiêu dùng không thể bỏ cửa hàng chị chính là các loại hải sản Phan Thiết được đặt ghe câu, tức ghe tàu đánh bắt gần bờ, không ở lại dài ngày trên biển nên cá, mực tươi ngon. Cứ mỗi buổi sáng ngư dân đi đánh bắt về, người nhà chị ở Phan Thiết thu mua, sau đó gửi xe vào TP HCM nên cửa hàng chị thường tấp nập khách từ 4 giờ chiều đến tối. “Hiện nay cứ ra ngõ là gặp cửa hàng đặc sản vùng miền, nếu không kinh doanh bằng uy tín, chất lượng và đặc trưng riêng thì không thể tồn tại”, chị Dương nói.
Cùng với các cửa hàng thật, các gian hàng online cũng liên tục được lập nên để chào bán đặc sản vùng miền. Đông nhất và nhạy bén nhất là các chị em dân văn phòng với lợi thế nguồn khách hàng ổn định là đồng nghiệp. Trên các trang mạng muare, vatgia, lamchame... đâu đâu cũng thấy quảng cáo bán đặc sản quê, từ bơ sáp Đắk Lắk, dừa Bến Tre, rau Đà Lạt đến cá bống kho Sơn Trà, cua Huỳnh đế Phú Quý, chuột đồng Đồng Tháp… với giá còn rẻ hơn mua ở chợ, siêu thị.
Dân kinh doanh đặc sản vùng miền cho rằng, để cạnh tranh tốt thì người bán phải có nguồn hàng ở quê để đảm bảo hàng đúng chất lượng. Trong ảnh: rau Đà Lạt, đặc sản không thể thiếu ở nhiều cửa hàng. |
Chị Liên, bán hàng trên diễn đàn lamchame, cho biết bán hàng online không mất tiền thuê mặc bằng, hàng lấy tận gốc ở quê, bán lẻ tận tay người tiêu dùng nên giá khá mềm mà vẫn có lãi. Đây là yếu tố đầu tiên khiến nhiều người mở gian hàng online bán đặc sản quê. Để cạnh tranh, theo chị Liên, người bán phải có người thân quen làm đầu cầu ở quê để đi mua hàng, chọn hàng, để vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc vừa đảm bảo nguồn hàng đúng chất lượng, đúng xuất xứ.
Vì là các đặc sản vùng miền trên cả nước, nên giá thành cũng cao hơn các sản phẩm cùng loại thông thường trên thị trường. Tuy nhiên, với mong muốn có những món ăn vừa ngon vừa lạ thì giá cả không còn là yếu tố quyết định để các bà nội trợ chọn mua các mặt hàng này.
Bà Hạnh, khách hàng thường xuyên của cửa hàng đặc sản Hà Nội trên đường Điện Biên Phủ- Bình Thạnh, cho biết dù là người miền Nam, nhưng bà vẫn thường mua các loại đặc sản riêng của các tỉnh miền núi phía Bắc, như măng lưỡi lợn, trâu gác bếp, miến… vì bà muốn bữa cơm gia đình thêm đặc biệt hơn, cũng muốn tìm mua những món mới lạ để mọi người trong gia đình thử. Ngoài ra, đặc sản vùng miền cũng là thứ bà chọn mỗi khi biếu người thân, bạn bè.
H.Linh
Theo Infonet