Cửa hàng 10m2: Sáng kinh doanh đồ đám ma, chiều bán lẩu
Để tiết kiệm chi phí, dù kinh doanh mặt hàng chẳng mấy liên quan, nhiều người vẫn buộc phải chia ca dùng mặt bằng để kinh doanh trong thời kỳ ế ẩm.
Trong một diện tích mặt bằng chưa đầy 10m2 nhưng có tới 5m mặt đường tại ngã tư Sở, Hà Nội, chị Hương, chủ một quán vịt nướng cho biết cửa hàng này chị thuê chung cùng với 3 người nữa, sau đó chia ca để kinh doanh. "Ngoài tôi bán vịt nướng buổi tối còn có một chị bán phở buổi sáng, trưa và một người khác bán hàng nước cả ngày. 3 gia đình chung nhau diện tích cửa hàng nhỏ này, chủ yếu là dùng cất đồ và nấu nướng, còn lại bàn ghế được bày ra vỉa hè lấy chỗ cho khách ngồi", chị Hương cho biết.
Chủ cửa hàng này chia sẻ, trước đây, toàn bộ diện tích này được chị thuê để kinh doanh hàng vịt nướng vào buổi tối. Nhưng giá thuê bất ngờ tăng gấp đôi kể từ tháng 12 năm ngoái khiến chị phải tìm người chia sẻ mặt bằng để gánh bớt chi phí này. "Mỗi người chịu một phần tiền thuê nhà, bàn ghế góp để dùng chung. Số tiền tiết kiệm tuy không nhiều, nhưng cũng bù đắp cho phần hao hụt vì buôn bán ế ẩm do Hà Nội mưa rét liên tục".
Thuê chung mặt bằng là cách nhiều người kinh doanh sử dụng để tiết kiệm chi phí. |
Không chỉ kinh doanh chung trong cũng một ngành, nhiều người buôn bán các sản phẩm khác nhau, thậm chí có vẻ đối lập cũng rủ nhau thuê chung mặt bằng rồi chia ca để kinh doanh. Dưới biển hiệu của một quán lẩu nướng, phở bò gà ở góc đường gần chợ Mơ, người bán vòng hoa, bức trướng xếp đồ tràn ra vỉa hè để kinh doanh. Chủ cửa hàng cho biết, lẩu, phở chỉ bán vào buối tối, sáng để dành cho việc bán hoa.
"Nhiều người chia nhau tiền dùng mặt bằng, vì cửa hàng đều là thuê cả. Cũng có nhiều trường hợp không dùng chung không gian bên trong, nhưng dựa vào tường hay bày ra chiếm mặt tiền cũng bị tính chi phí. Mỗi tháng, thay vì trả một nửa tiền thuê lên tới gần 2 triệu, những người này có thể chỉ mất khoảng vài ba trăm ngàn", một người bán hàng tại khu phố này cho hay.
Thậm chí, nhiều người còn lên mạng đăng tìm người thuê chung cửa hàng nhằm chia sẻ chi phí. Yêu cầu có thể đơn giản là "cần một chỗ đặt tủ kính", hoặc "chỉ bán hàng vào buổi tối vì ngày bận đi làm", nhưng "phải kinh doanh mặt hàng khác nhau". Tuy nhiên, theo một thành viên trên một diễn đàn dành cho phụ nữ khá đình đám, việc thuê chung cửa hàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
'Hợp đồng ký với chủ nhà có điều khoản không được phép cho thuê lại mặt bằng, nhưng vì kinh doanh khó khăn, chi phí đội lên nhiều nên buộc phải làm 'chui', không giấu khéo có thể bị đuổi, mất cả chỗ làm ăn quen. Chưa kể người thuê chung chưa trả tiền nhà thì bỗng nhiên biến mất, đồ dùng bán hàng cũng bị họ 'dọn hộ' mà không biết làm thế nào", thành viên này tâm sự.
Hạ Minh
Theo Infonet