Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Cử tri trẻ ngày càng yêu cầu cao hơn ở đại biểu Quốc hội'

"Cử tri trẻ yêu cầu cao hơn ở ứng cử viên. Họ đặt ra yêu cầu và kỳ vọng người đại diện cho mình phải đáp ứng được", Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận.

bau cu dai bieu Quoc hoi anh 1

Là ứng cử viên đại biểu Quốc hội trẻ nhất tại đơn vị TP Thủ Đức (TP.HCM), ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, chia sẻ đây vừa là áp lực, vừa là cơ hội để trưởng thành hơn. Chương trình hành động của ông tập trung vào ba nhóm vấn đề về an sinh xã hội; quản lý đô thị; và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Trong buổi trò chuyện với Zing, ông Tuấn chia sẻ góc nhìn riêng về TP Thủ Đức và kỳ vọng của cử tri nơi với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Cùng với đó là niềm vui của một "thủ lĩnh thanh niên" khi quan sát sự trưởng thành của thế hệ cử tri trẻ ngày càng có trách nhiệm và quan tâm hơn đến tình hình đất nước.

"Rất tin mô hình TP Thủ Đức sẽ thành công"

- Là người sống và làm việc chủ yếu tại Hà Nội nhưng ứng cử đại biểu Quốc hội tại TP.HCM, ông suy nghĩ gì khi xây dựng chương trình hành động của mình?

- Đây là lần đầu tiên tôi được Hội đồng Bầu cử Quốc gia giới thiệu để ứng cử đại biểu Quốc hội ở TP.HCM và cũng có những khó khăn nhất định với tôi khi ứng cử tại đây.

Tôi luôn muốn mình phải có áp lực, có thách thức để công việc ngày mai tốt hơn hôm nay

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn

Thứ nhất, tôi không phải là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở đây nên hiểu biết về con người, văn hóa của thành phố không bằng các ứng cử viên khác. Thứ hai, với sự khác biệt nhất định trong văn hóa vùng miền thì việc tiếp xúc với người dân như thế nào để lắng nghe chính xác những thông tin, nguyện vọng, gửi gắm của cử tri là một cái khó.

Tuy nhiên, tôi cho rằng những khác biệt đó không ảnh hưởng đến việc tôi xây dựng chương trình hành động hay ghi nhận, giải đáp tâm tư, gửi gắm của người dân. Vì dù ở miền Bắc hay miền Nam thì đều là công dân của Việt Nam, đều mong muốn một Việt Nam phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về lần đầu tiên ứng cử đại biểu Quốc hội. Ảnh: Y Kiện.

Rõ ràng việc trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội là một áp lực vì dù làm công việc gì thì mình cũng phải nỗ lực để làm tốt nhất, tốt hơn mong muốn và kỳ vọng của mình. Đó mới là tinh thần của người trẻ. Chính vì vậy, tôi luôn muốn mình phải có áp lực, có thách thức để công việc ngày mai tốt hơn hôm nay.

Tuy nhiên, áp lực đấy không đến từ sự thể hiện bản thân mà đến từ chính tình cảm của mình với công việc mình đang làm, với nhân dân TP.HCM.

- TP Thủ Đức, nơi ông ứng cử, đang là địa phương được áp dụng mô hình thành phố trong thành phố. Một số ý kiến lo ngại việc áp dụng mô hình này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân quá cẩn thận, quá cầu toàn, khó đổi mới, sáng tạo. Ông nhận định thế nào về quan điểm này?

Tôi rất tin mô hình TP Thủ Đức sẽ thành công, như TP.HCM đã thành công và là nơi khởi nguồn cho nhiều chính sách đổi mới của đất nước

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn

- Qua tiếp xúc với lãnh đạo TP Thủ Đức, tôi nhận thấy cách tiếp cận của thành phố với các vấn đề phát triển trong tương lai là bài bản, khoa học, có định hướng và có cả những thử nghiệm trong giai đoạn đầu.

Không một quá trình đổi mới nào không chông gai, khó khăn, trắc trở. Trong chông gai, người ta mới thể hiện được khát vọng vươn lên, ý chí, bản lĩnh của người lãnh đạo. Tôi rất tin mô hình TP Thủ Đức sẽ thành công, như TP.HCM đã thành công và là nơi khởi nguồn cho nhiều chính sách đổi mới của đất nước trong hơn 35 năm qua.

- Từ góc nhìn của một ứng viên đại biểu Quốc hội, ông nghĩ thế nào về chính sách, cơ chế để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá thực hiện những công việc tiên phong?

- Nghị quyết Đại hội XIII đã đặt ra yêu cầu xây dựng cơ chế để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, năng động, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Tuy nhiên, trên thực tế, để phân biệt giữa người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung với những người cục bộ, không tuân thủ pháp luật, người vì lợi ích nhóm... không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Do đó, những quy định này phải xây dựng một cách kỹ càng, lấy ý kiến rộng rãi của các giới, cán bộ lão thành, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân. Chính nhân dân là người giám sát tốt nhất, biết rõ đâu là người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, vì lợi ích chung chứ không phải vì lợi ích bản thân.

Đồng thời, vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng khi phải tạo được không gian sáng tạo để những người như vậy có thể phát huy được năng lực của mình. Lãnh đạo phải có sự tin tưởng khi giao nhiệm vụ cho cán bộ cấp dưới, đồng thời có phương thức, cơ chế để giám sát, cảnh báo, phòng ngừa từ sớm, từ xa trước khi cán bộ rơi vào sai lầm, khuyết điểm.

Về mặt quy định, cơ chế rất cần thiết. Nhưng sự gương mẫu, trong sáng của cán bộ cũng hết sức quan trọng.

3 thay đổi nhận thức của thanh niên về bầu cử

- Trong các buổi vận động bầu cử tại TP Thủ Đức, các cử tri trẻ đã gửi gắm ông kỳ vọng gì?

- Qua buổi tiếp xúc với các cử tri trẻ tại Đại học Quốc gia TP.HCM, tôi thấy thanh niên quan tâm đến rất nhiều vấn đề, thể hiện trình độ, nhận thức của mình. Băn khoăn các bạn đặt ra không chỉ giải quyết nỗi niềm riêng mà còn là sự quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước như chuyển đổi số; phát triển nhanh và bền vững; nâng cao nền tảng đạo đức xã hội…

Cử tri trẻ là những người biết suy nghĩ, biết lo cho việc chung của thành phố, đất nước

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn

Tôi nghĩ cá nhân tôi đang tụt hậu so với các bạn thanh niên. Tôi không thể giỏi bằng các bạn trong từng lĩnh vực của họ nên tôi luôn có ít nhiều bất ngờ khi gặp mỗi bạn trẻ.

Từ câu hỏi của các bạn, chúng ta có thể thấy vui, có niềm tin vì cử tri trẻ là những người biết suy nghĩ, biết lo cho việc chung của thành phố, đất nước.

- Với kinh nghiệm gần 20 năm làm công tác Đoàn, hội, quan sát cử tri trẻ qua ít nhất 4 kỳ bầu cử, ông nhận thấy thanh niên có sự chuyển biến nhận thức thế nào với bầu cử?

- Qua theo dõi sự tham gia của cử tri trẻ vào các hoạt động liên quan đến bầu cử, chúng tôi nhận thấy ba sự thay đổi.

Thứ nhất, các bạn có sự quan tâm cụ thể và có trách nhiệm hơn đến hoạt động bầu cử và các ứng cử viên. Cách các bạn đặt ra câu hỏi, nêu yêu cầu rất sát với sự phát triển của đất nước hiện nay.

Thứ hai, cử tri trẻ yêu cầu cao hơn ở ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND. Họ đặt ra yêu cầu và kỳ vọng những người đại diện cho mình phải đáp ứng được, giúp cho đất nước phát triển.

Thứ ba, kênh tiếp cận thông tin của các bạn từ hoạt động bầu cử bây giờ không giống cách đây 5 năm. Hiện, các bạn tiếp cận thông tin chủ yếu qua nền tảng số thay vì các tọa đàm hay phương tiện truyền thông chính thống.

bau cu dai bieu Quoc hoi anh 2

Ông Tuấn cho rằng ngày nay cử tri trẻ yêu cầu cao hơn ở đại biểu Quốc hội và HĐND. Ảnh: Y Kiện.

Việc này có hai mặt. Thông tin sẽ nhanh nhạy, kịp thời hơn và đến được với đông đảo người dân. Nhưng nếu không kiểm soát thông tin kỹ, không có những biện pháp để đảm bảo an toàn trong quá trình tiếp cận thông tin, thì các bạn sẽ bị lợi dụng để đưa thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến ứng cử viên, tác động đến tâm lý cử tri khi thực hiện quyền bầu cử. Thậm chí là ảnh hưởng đến thành công chung của cuộc bầu cử.

Ở góc độ của tổ chức Đoàn, hội, chúng tôi tăng cường cung cấp thông tin trên nền tảng số, sản xuất sản phẩm truyền thông phù hợp với tâm lý của cử tri trẻ. Đồng thời, chúng tôi cùng các thành viên của Ban chỉ đạo 35 chủ động đấu tranh trên mạng xã hội để ngăn chặn, phòng ngừa, loại bỏ những thông tin xấu độc, không đúng sự thật về cuộc bầu cử.

- Là một ứng cử viên trẻ, ông có lời khuyên nào cho thanh niên, đặc biệt là những người có mục tiêu trở thành đại biểu Quốc hội, HĐND trong tương lai?

- Tôi nghĩ câu chuyện người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời quê hương năm 21 tuổi, mang trong mình quyết tâm tìm ra con đường cứu nước chính là bài học điển hình nhất cho thế hệ thanh niên ngày nay.

Thứ nhất là phải luôn có tình cảm với quê hương, đất nước, cơ quan, đơn vị mình. Nếu không có tình cảm đó, không bao giờ bạn mong muốn làm điều gì tốt đẹp, đột phá để thay đổi hiện trạng cả.

Thứ hai là phải luôn tìm ra hướng đi mới, thay đổi, sáng tạo hàng ngày, còn nếu đi theo lối mòn thì rất khó để thay đổi hiện trạng.

Thứ ba là biết kết hợp tiến bộ nhân loại với giá trị trường tồn, truyền thống của dân tộc. Trong sự kết hợp đó cần kiên định để tìm ra cái tốt và phù hợp nhất cho mình.

Thứ tư là luôn chú ý, chăm lo cho thế hệ tương lai. Bác Hồ ra đi năm 1911 và về nước ngày 28/2/1941 thì đến ngày 15/5/1941, Bác đã thành lập đội Nhi đồng cứu quốc, là tiền thân của Đội thiếu niên tiền phong bây giờ.

Thanh niên ngày nay cần học tập Bác, biết chăm lo cho thế hệ tương lai ngay từ hiện tại để đưa đất nước phát triển đi lên.

- Xin cảm ơn ông!

Đơn vị bầu cử số 1 (TP Thủ Đức) gồm: Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Sang, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM; ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trong chương trình hành động, ông Phan Nguyễn Như Khuê cam kết sẽ nghiên cứu đóng góp vào việc ban hành các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết đồng bộ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm các chính sách an sinh xã hội...

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sang tập trung vào các chính sách xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; theo dõi đến cùng việc giải quyết những kiến nghị, bức xúc của cử tri; nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp...

Cử tri Thủ Đức: Chúng tôi phải ra nghĩa trang tập thể dục

"Con cháu phải ra nghĩa trang để đạp xe, tập thể dục vì không có chỗ. Thành phố đáng sống thì mỗi phường nên xây dựng một công viên", cử tri Thủ Đức kiến nghị.

Thu Hằng thực hiện

Bình luận

Bạn có thể quan tâm