Buổi tiếp xúc cử tri quận 2 của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM sáng 4/12 tiếp tục nóng lên bởi những chất vấn của người dân liên quan đến việc bồi thường, tái định cư cho người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTM Thủ Thiêm).
Cử tri đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến lời hứa đưa Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội, về năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội và HĐND trong suốt thời gian xảy ra sai phạm đất đai ở đây.
"HĐND phải lấy lại quyền lực của mình, thực hiện vai trò giám sát của mình. Nếu quý vị không lên tiếng, không giám sát thì không ai làm được. Các vị phải hợp tác với người dân Thủ Thiêm để chấm dứt ngay việc khiếu kiện kéo dài hàng chục năm qua", cử tri đề xuất.
"Chúng tôi bầu ra các vị nhưng chúng tôi cô đơn"
Cử tri Đào Bé (phường Cát Lái) đặt câu hỏi cho đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê về lời hứa sẽ trình Ban dân nguyện của Quốc hội về KĐTM Thủ Thiêm.
“Tôi theo dõi suốt cả kỳ họp Quốc hội đều không thấy nói gì về vấn đề tại Thủ Thiêm. Vậy cuộc họp vừa rồi, ông Khuê đã trình bày như thế nào và Ban dân nguyện trả lời như thế nào, xin trả lời cho dân biết”, ông Bé chất vấn.
Cử tri Trần Thị Mỹ (78 tuổi) cho rằng không có chuyện mất bản đồ Thủ Thiêm. Ảnh: Quang Huy. |
Từ đó, cử tri Bé đặt thêm vấn đề về trách nhiệm giám sát và giải trình của đại biểu Quốc hội về việc xử lý sai phạm dựa trên kết luận của Thanh tra chính phủ.
Cử tri Ngô Nhật Minh (phường An Khánh) đặt thêm câu hỏi về việc ngày 28/11, UBND quận 2 kiến nghị UBND TP cho tiếp tục thu hồi diện tích đất còn lại (khoảng 6,5 ha) để đẩy nhanh tiến độ các công trình đang dang dở trong KĐTM Thủ Thiêm.
"UBND quận 2 kiến nghị 'dùng biện pháp hành chính để thu hồi đất đai'. Vậy biện pháp hành chính ở đây là gì? Phải chăng là cưỡng chế thu hồi như trước đây?”, cử tri nêu thắc mắc.
Nhiều phát biểu nhận được sự hưởng ứng của các cử tri tại hội trường. Ảnh: Quang Huy. |
Giải trình với cử tri về lý do vụ Thủ Thiêm chưa được thảo luận tại Quốc hội kỳ họp vừa qua, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết ngay sau buổi tiếp xúc cử tri tháng 10/2019, Đoàn đại biểu Quốc hội đã có văn bản chính thức gửi đến Ban dân nguyện về các bức xúc và yêu cầu của cử tri.
"Không phải Đoàn đại biểu Quốc hội không đề đạt, mà là quyết định thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi thảo luận và chọn lọc các vấn đề đang được quan tâm thì vụ Thủ Thiêm được xếp lại, chưa trả lời tại kỳ họp này", ông Khuê thông tin.
Ông Khuê cũng cho biết, trước buổi tiếp xúc cử tri hôm nay, lãnh đạo Ban dân nguyện Quốc hội đã đồng ý sớm thành lập đoàn công tác phối hợp với Đoàn ĐBQH TP để đẩy mạnh vấn đề Thủ Thiêm lên nhằm giải quyết các kiến nghị và bức xúc của người dân.
Nếu làm đúng pháp luật thì không ai đi kiện cả
Nói tới kết luận của Thanh tra Chính phủ về diện tích 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết (phường Bình Trưng Tây) đặt câu hỏi với cơ sở của kết luận này khi bản đồ quy hoạch 1/5000 của Thủ Thiêm đã mất.
“Thanh tra Chính phủ phải có cơ sở thì mới đưa ra phán quyết công bình được. Nếu không có cơ sở thì kết luận đó không có giá trị”, cử tri Tuyết nhận định.
Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP.HCM lắng nghe ý kiến của cử tri. Ảnh: Quang Huy. |
Cử tri Nguyễn Huy Hoàng bức xúc dẫn chứng lại kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quận 2 lập Ban bồi thường giải phóng mặt bằng trái luật và đặt câu hỏi: "Biết trái luật tại sao vẫn bắt chúng tôi chấp hành?".
Anh Hoàng đưa thêm đề nghị về việc đưa vụ Thủ Thiêm vào diện theo dõi đặc biệt của Ban Bí thư và nói thêm: "Nếu làm đúng như quy hoạch của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì chúng tôi không ai đi kiện cả".
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ với những bức xúc của cử tri và cam kết sẽ trao đổi với các bộ ngành trung ương để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm dựa trên tinh thần "không được tiếp diễn sai sót nào khác". Ông Khuê cho biết Đoàn ĐBQH đã ghi nhận ý kiến của các cử tri và cam kết tiếp tục thực hiện trách nhiệm giám sát trong thời gian tới.