Sáng 21/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn báo cáo Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa XIV.
Để chuẩn bị cho kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được hơn 3.400 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Trong đó, hơn 1.000 ý kiến phản ánh qua đoàn đại biểu quốc hội, hơn 2.400 ý kiến qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Trong các ý kiến, gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các cử tri nhấn mạnh đến vấn đề xử lý tham nhũng.
Ông Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhiều đại án tham nhũng được xử lý
Các cử tri ghi nhận việc Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, tiếp thu và giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước. Người dân khẳng định luôn tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”.
Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để kiểm soát nợ công, xử lý những vấn đề phức tạp, “điểm nóng” gây bức xúc trong xã hội. Đẩy mạnh tinh giản biên chế, sắp xếp, đổi mới bộ máy theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả hoạt động; thực hiện rà soát công tác cán bộ, nâng cao tính công khai, minh bạch trong tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ.
Hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai một cách chủ động, tích cực, góp phần thúc đẩy hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Ý kiến cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục có chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có "vùng cấm".
Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cử tri tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước, việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.
Thời gian qua, tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước, một số nơi kỷ luật, kỷ cương hành chính bị buông lỏng. Ngoài ra, tình trạng tội phạm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp…
Còn nhiều vấn đề lo lắng, bức xúc
Tại kỳ họp lần này, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội quan tâm đến 5 vấn đề chính.
Về sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, các cử tri lo ngại trước tình trạng sản xuất, lưu thông hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, thực phẩm tẩm hóa chất vẫn khá tràn lan trên thị trường. Việc này gây hại cho sức khỏe người dân.
Về y tế, giáo dục và đào tạo, tình trạng sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Còn nhiều sự việc, người nhà bệnh nhân có hành vi bạo lực đối với thầy thuốc, nhân viên y tế.
Thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: Tùng Chi. |
Trong giáo dục, thái độ, hành vi ứng xử của một bộ phận học sinh, giáo viên và phụ huynh đã làm xấu đi hình ảnh người thầy và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Trong hơn 3.400 ý kiến, các cử tri cũng kiến nghị xử lý các bất cập liên quan đến quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên và môi trường; an ninh, trật tự, an toàn xã hội và quản lý đô thị; kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Riêng việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, cử tri thể hiện sự tin tưởng hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước với nhiều kết quả cụ thể, đáng ghi nhận. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”. Các cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu đã bị đưa ra xử lý .
Nhưng nhiều vụ việc chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự “vào cuộc”, có biểu hiện né tránh.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ đưa ra 6 kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp.
Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ trung ương xuống địa phương. Thứ hai, Đảng, Nhà nước tiếp tục có giải pháp hiệu quả phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý nghiêm các đối tượng.
Chặt phá rừng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Ảnh: N.H. |
Thứ ba, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, thực hiện nghiêm túc quy hoạch đô thị, nhất là quy hoạch khu dân cư và hạ tầng cơ sở; đánh giá kỹ tác động môi trường khi triển khai xây dựng dự án. Các địa phương phải rà soát chất lượng các dự án, chung cư, đảm bảo an toàn cháy nổ.
Thứ tư, Chính phủ phải vào cuộc quyết liệt làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cán bộ bao che cho các đối tượng chặt phá rừng.
Thứ năm, thời gian tới, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai.
Thứ sáu, tại kỳ họp này, đề nghị Quốc hội, các ĐBQH phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm đối những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại kỳ họp như: dự án Luật tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)… Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tăng cường tiếp xúc thường xuyên, tiếp xúc chuyên đề và trực tiếp ở cơ sở để đông đảo cử tri có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của mình.
Sáng 21/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc. Ở kỳ họp này Quốc hội chỉ làm việc trong thời gian 20 ngày (không tính ngày nghỉ) và bế mạc vào 15/6. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ thông qua 8 luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác...