Là người trực tiếp ra thăm sau khi "cụ" rùa nổi lên phơi nắng dưới chân tháp rùa ngày 8/12, Phó giáo sư Hà Đình Đức (người hơn 20 năm nghiên cứu bảo tồn rùa ở hồ Gươm) mừng rỡ khi chứng kiến "cụ" rùa đã bình phục hoàn toàn các vết thương được điều trị 3 năm trước đó.
Ông cho biết khi cả đoàn chèo thuyền từ xa đã thấy "cụ" rùa đang phơi nắng dưới chân tháp. Khi tiến lại gần "cụ" không hề có phản ứng sợ sệt, rụt cổ, rụt chân lại mà duỗi tứ chi ra phơi nắng cách bờ chỉ khoảng 2 m.
Kiểm tra các vết thương, ông vui mừng khi thấy hai vết thương trên mai do móc chùm của những người câu cá gây ra đã lành lặn. Những vết thương này có diện tích bằng cả bàn tay từng làm viên loét trên mai.
Ngoài ra các vị trí viêm, nhiễm khuẩn ở dưới chân trước bên phải, cổ và miệng rùa đã khỏi hoàn toàn. Các vết thương này chỉ còn lại vết lang màu trắng không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo Phó giáo sư Đức, so với thời thời điểm năm 2011, cụ rùa đã khỏe hơn nhiều. Phần mai bóng nhẫy một màu xanh dương rất đẹp, toàn thân đầy đặn hơn.
Trước đó, đoàn kiểm tra cụ dài 2,1m (trong đó, phần mai dài 1,26m; phần cổ vươn ra lên tới 84 cm). Chiều ngang rộng 1,03m và nặng 169 kg.
Vết thương trên mai cụ rùa do móc câu chùm đã khỏi hoàn toàn sau 3 năm điều trị. Ảnh: Hà Đình Đức. |
Với kinh nghiệm nghiên cứu rùa và hồ Gươm hàng chục năm, ông Đức nhận định "cụ" rùa nổi không phải do nguyên nhân ô nhiễm môi trường sống hoặc do thiếu ôxy. Bởi 95% thời gian sống của rùa là ở dưới nước, dưới bùn.
Loài rùa có thể ăn và nghỉ ngơi hàng tháng dưới lớp bùn sâu mà không cần ăn thêm hoặc lên bờ. Có thể rùa nổi nhiều lần khác kể cả vào ban đêm nhưng ít người biết.
Ông Đức cũng nhấn mạnh, nạn rùa tai đỏ hoành hành ở hồ Gươm có thể là một trong những nguyên nhân khiến "cụ" rùa thường xuyên xuất hiện những năm trước bởi loài này phát triển rất nhanh với số lượng cá thể lớn cạnh tranh nguồn thức ăn là tảo, rong rêu, ốc, tôm cá khiến "cụ" phải tăng cường di chuyển tìm mồi.
100 ngày cứu "cụ" rùa
Nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ trong công trình nghiên cứu, ông Đức cho biết cơ duyên với "cụ" rùa kể từ tháng 10/1991 khi ông nhận được lời đề nghị nghiên cứu về cụ rùa ở hồ Gươm từ Sở Văn hóa Hà Nội. Với tình yêu hồ Gươm và loài rùa có truyền thuyết gắn liền với lịch sử, văn hóa của thủ đô, ông đồng ý và bắt tay vào công cuộc nghiên cứu thông qua những lần xuất hiện, bơi dọc bờ hồ song song với phố Đinh Tiên Hoàng.
Chứng kiến "cụ" nhiều lần nổi lên với nhiều vết thương, lở loét vùng đầu, cổ và chi trước, phó giáo sư Đức kiến nghị tiến hành vây bắt để khám, điều trị cho "cụ".
Nhớ lại quá trình 100 ngày vây bắt, kiểm tra và điều trị, vị phó giáo sư ngỡ như mới vừa xảy ra. Từng công đoạn trong quá trình ông đều nhớ như in. Theo đó, lần đầu tiên vây bắt đầu tiên vào ngày 8/3/2011 với sự hỗ trợ của các nhà khoa học cùng các ban ngành liên quan dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người dân thủ đô tuy nhiên không thành. Phải tới lần thứ ba ngày 3/4/2011, nhóm nghiên cứu của ông mới có thể đưa "cụ" rùa vào bờ an toàn.Khi đưa vào lồng, rùa di chuyển chậm chạp đặc biệt ở hai chi trước do có vết lở loét, viêm nhiễm rộng với diện tích cỡ vài bàn tay. Thậm chí, trên mai rùa có hai vết rách lớn do lưỡi lục của người câu cá có xu hướng nghiêm trọng.
Những ngày đầu, "cụ" rùa không ăn thức ăn dù được chăm sóc cẩn thận. Chứng kiến cảnh trên Phó giáo sư Đức và nhóm nghiên cứu không khỏi xót xa. Ông đã phối hợp với viện nghiên cứu thủy sản tiến hành sử dụng thuốc đặc trị bôi lên các vết thương.
Để đảm bảo sức khỏe cụ rùa sớm hồi phục, hàng ngày Phó giáo sư Hà Đình Đức cùng các cộng sự thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe cũng như tăng cường chế độ dinh dưỡng cho "cụ".
Ngoài việc điều trị bằng thuốc đặc trị các vết thường, vị phó giáo sư còn đề nghị ngăn chặn và tiêu diệt loài rùa tai đỏ ở hồ Gươm, đồng thời phối hợp với Công ty công viên Hà Nội đắp 3.000 bao cát che các hộc đá sắc nhọn xung quanh tháp để cụ rùa di chuyển thuận lợi tránh bị thương.
Ông Đức cũng cho biết hiện nay ở hồ Gươm, không còn vấn đề gì ảnh hưởng tới cụ rùa. Công tác an ninh được theo dõi sát sao hơn.
"Bất cứ hành động nào dù là người dân câu cá hay thải rác cũng được cảnh báo nhắc nhở. Rùa tai đỏ dù không tiêu diệt hết nhưng đã hạn chế nên cụ rùa có môi trường tốt hơn", ông chia sẻ.