Những nhà làm bóng đá chắc chắn phải đau đầu khi nhìn vào những gì Morocco đã làm được tại World Cup 2022.
Sự thần kỳ của Morocco
Để nói về người chiến thắng, đôi khi chỉ cần nhìn vào kẻ chiến bại. Đội thất bại trước Morocco, Tây Ban Nha, là ứng cử viên số một cho chức vô địch sau lượt đầu tiên.
Chiến thắng 7-0 trước Costa Rica với hơn 1.000 đường chuyền cùng việc không để đối thủ sút dù chỉ một lần là minh chứng cho sức mạnh của Tây Ban Nha. Các nhà cái khi ấy đẩy Tây Ban Nha lên vị thế ứng cử viên cho chức vô địch ngang với Pháp và Anh, những đội tuyển ghi 6 bàn ở lượt một.
Hành trình tạo dựng Tây Ban Nha của Luis Enrique cũng nhận được sự kiêng nể từ toàn thế giới. Nhà cầm quân đoạt cú ăn ba mùa giải 2014/15 mạnh dạn loại bỏ gần như toàn bộ công thần để xây dựng đội hình mới xung quanh các nhân tố trẻ với bộ khung và triết lý của Barca.
Ba năm làm việc với Enrique ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của Tây Ban Nha trên nhiều khía cạnh từ tâm lý, nhân sự đến niềm cảm hứng. Hình ảnh hỗn loạn từ trong ra ngoài đáng quên tại World Cup 2018 hoàn toàn là chuyện của ngày hôm qua.
Morocco của HLV Walid Regragui làm nên lịch sử khi lần đầu tiến vào tứ kết World Cup. Ảnh: Reuters. |
Morocco không có điểm tích cực nào trong số này. HLV trưởng của đại diện châu Phi, ông Walid Regragui, mới dẫn dắt đội tuyển này từ tháng 8. Ông Regragui chưa từng có kinh nghiệm làm việc cấp ĐTQG, thậm chí bóng đá đỉnh cao của nhà cầm quân này chỉ là chức vô địch châu Phi.
Khi đó, nhà cầm quân này gần như hét lên "Đá hay à? Nhìn đi, xem ai đá hay?" trong phòng họp báo để trả đũa các phóng viên vốn chỉ trích ông dữ dội vì lối đá phòng ngự tiêu cực.
Người tiền nhiệm của ông Regragui, nhà cầm quân đưa Morocco qua chiến dịch vòng loại Vahid Halilhodzic bị sa thải chỉ 3 tháng trước khi World Cup khởi tranh vì thất bại ở CAN Cup hồi đầu năm (bị loại ở tứ kết) và trên hết là vì mâu thuẫn với ngôi sao Hakim Ziyech. Giữa quyền lợi của một cá nhân (Ziyech) và người tạo ra sức mạnh tập thể cho đội tuyển (Halihovic), LĐBĐ Morocco rất bất ngờ lại chọn vế đầu tiên.
Vì vậy, không bất ngờ khi Morocco bị hoài nghi, thậm chí đánh giá thấp trước khi World Cup khởi tranh. Guardian khi viết về đại diện châu Phi này trước giải đã phải rất khó khăn để giữ sự khách quan với dòng nhận xét: "Achraf Hakimi là một cầu thủ phi thường nhưng sự hỗn loạn trên vị trí HLV trưởng là thử thách thật sự cho 'Sư tử Atlas' tại World Cup".
Các ngôi sao của Morocco tại giải lần này cũng không được đánh giá cao ngoại trừ Hakimi. Ziyech, người được "bảo kê" để trở lại đội tuyển thực tế chỉ dự bị tại Chelsea. Máy quét Sofyan Amrabat chỉ là cầu thủ tầm trung tại Fiorentina, đội cũng chỉ loanh quanh giữa BXH Serie A.
Nordin Amrabat, Mehdi Benatia, những nhân tố giúp Morocco chơi cực hay ở vòng bảng World Cup 2018 đều vắng mặt tại Qatar. Tổng giá trị đội hình của Morocco chưa bằng 1/3 của Tây Ban Nha. Hakimi chỉ là ngôi sao cô đơn tại World Cup 2022.
Với những đội tuyển tới World Cup với lực lượng cùng cách quản lý kiểu Morocco, việc bị loại ngay từ vòng bảng là điều được phần đông dự đoán.
Đúng chất ngựa ô
Morocco trên thực tế không phải nền bóng đá thiếu tiếng tăm tại đấu trường World Cup. Năm 1986, đại diện châu Phi hòa Anh, thắng cả Bồ Đào Nha để lọt vào vòng 16 đội với tư cách đầu bảng và chỉ chịu thua Tây Đức bởi bàn thắng phút 88 của Lothar Matthaus. Năm 1998, Morocco ghi tới 5 bàn ở vòng bảng.
Xuyên suốt lịch sử, Morocco luôn được biết đến là đại diện mang nhiều tính châu Âu nhất của khu vực châu Phi. Về địa lý, Morocco chỉ cách Tây Ban Nha hơn một giờ bay qua eo biển Gibraltar. Gần sát châu Âu và giáp biển, văn hóa Morocco chịu ảnh hưởng lớn của lục địa già khi giao thương giữa hai khu vực sầm uất từ nhiều thế kỷ.
Phần lịch sử đến giữa thế kỷ 20 của Morocco gắn liền với sự bảo hộ của Pháp càng khiến tính châu Âu ở quốc gia này trở nên đậm đặc. Bóng đá không tránh khỏi ảnh hưởng.
Phần lớn ngôi sao của Morocco tìm đường tới châu Âu dễ hơn hẳn phần còn lại. Công xưởng xuất khẩu cầu thủ số một châu Âu, Bồ Đào Nha, gần sát Morocco. Tiếng Pháp là ngôn ngữ phổ biến thứ ba tại quốc gia này, càng khiến đường tới xứ sở lục lăng trở nên dễ dàng với Morocco.
Hakimi chưa từng sút phạt đền ở cấp CLB và đã chọn cách đá panenka trước một thủ môn bắt phạt đền rất tốt là Unai Simon. Ảnh: Reuters. |
Mustapha Hadji, ngôi sao lớn nhất của Morocco trong thập niên 90, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp tại Pháp trước khi tới Bồ Đào Nha chơi bóng. Hakimi, ngôi sao lớn nhất hiện tại của Morocco, trưởng thành từ lò đào tạo của Real Madrid và giờ đã chơi bóng từ Đức, Italy và đương nhiên, cả tại Pháp. Ở nơi nào, Hakimi cũng gây ấn tượng vì khả năng hòa nhập nhanh chóng, điều hiếm thấy ở các cầu thủ châu Phi.
Vì chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi châu Âu, lối đá cũng như tính cách của Morocco không khác gì một đại diện tầm trung của lục địa già. Trước Tây Ban Nha, Morocco bóp nghẹt hàng công của đối thủ với cự ly giữa các tuyến chỉ rơi vào tầm 5 mét. Cùng khả năng phản công sắc lẹm dựa vào tốc độ của Hakimi hay Boufal, Morocco trông hệt như một CLB đang thi đấu tại Italy hay Tây Ban Nha.
Việc đề ra đấu pháp chuẩn chỉnh cùng khả năng làm việc cường độ cao giúp Morocco gặt hái quả ngọt. Họ chủ đích kéo Tây Ban Nha vào loạt luân lưu, điều "La Roja" không hề chuẩn bị tinh thần cho tới trước trận và nghiền nát đối thủ bằng thứ vũ khí tâm lý sắt đá.
2 trong 4 pha đá luân lưu thành công của Morocco đi thẳng vào giữa khung thành. Họ có lẽ đã nghiên cứu và nhận ra Unai Simon không phải thủ môn có xu hướng chọn cách bắt bài trên loạt penalty bằng cách đứng im. 6 trong các pha bắt phạt đền thành công của thủ môn này ở cấp CLB đều không diễn ra theo kịch bản này. Tại EURO 2020, Simon đẩy 3 quả luân lưu trước Thụy Sĩ và Italy, đều từ các tình huống đổ người nhanh sang bên trái khung thành.
Hai cú đá phạt đền thẳng vào giữa của Morocco được thực hiện bởi hai ngôi sao sáng nhất: Ziyech và Hakimi. Trong đó, cú panenka của Hakimi xứng đáng đi vào lịch sử. Athletic mô tả về cú đá này: "Achraf Hakimi, dưới sự theo dõi của hàng chục triệu người trên khắp thế giới và một sân vận động đầy những cổ động viên cuồng nhiệt, cố gắng mang về chiến thắng vĩ đại nhất cho Morocco, đã lùi lại sáu bước, chạy có chủ đích và đưa bóng qua vạch vôi với lực vừa đủ để bóng chạm lưới".
"Trong khoảnh khắc đó, khi bóng nâng độ cao từ từ về phía khung thành và hẳn là dễ dàng bị Unai Simon cản phá - ranh giới giữa niềm vui và nỗi đau, ma thuật và điên rồ, thật mong manh. Kịch tính của loạt sút luân lưu, cách nhẫn tâm và tàn nhẫn nhất để thua một trận đấu, đã lên một tầm cao mới. Các CĐV Morocco, có lẽ quá sợ hãi để xem, đã nín thở khi trái bóng trôi về phía thảm họa có thể xảy ra, trong khi phần còn lại của thế giới có nhướn cao cổ để theo dõi kết quả".
Dĩ nhiên, Hakimi làm được. Và Morocco giành chiến thắng vĩ đại nhất lịch sử. Ở cấp CLB, Hakimi đã từng sút phạt đền? Câu trả lời là không phải hiếm mà chưa bao giờ.
Từng ở cùng tập thể với Cristiano Ronaldo, Karim Benzema, Marco Reus, Romelu Lukaku, Lionel Messi, Kylian Mbappe, Hakimi không đến lượt làm điều này.
Dữ liệu của Tây Ban Nha với Morocco hay Hakimi trên chấm luân lưu gần như là con số 0, cũng như kinh nghiệm ở trò chơi cân não của chính ngôi sao này. Nhưng Hakimi đã chọn cách đẹp nhất, liều lĩnh nhất và cả lãng mạn nhất để kết thúc trận đấu, để mở ra lịch sử cho đại diện châu Phi.
Điều kỳ diệu Morocco trước Tây Ban Nha đã diễn ra như thế.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...