Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cụ ông mù loà chục năm làm 'ánh sáng' cho vợ ở Quảng Nam

Câu chuyện về cụ ông Đoàn Trưng (84 tuổi) què quặt, mù lòa ngày qua ngày mò mẫm thổi cơm, đun nước, bón cháo cho vợ tật nguyền khiến ai cũng cảm động.

Căn nhà tuềnh toàng của hai vợ chồng cụ Đoàn Trưng.

Anh Doãn Duy Trung - Cộng đồng từ thiện Nguyện Ước Xanh - đã tâm sự với chúng tôi sau khi thắp xong nén nhang phúng viếng hương hồn cụ bà Võ Thị Xá (vợ cụ ông Đoàn Trưng), trú tại tổ 2 thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, Thăng Bình, Quảng Nam.

Bám níu sống qua ngày….

Miền ven biển Bình Nam (huyện Thăng Bình) xưa nay vốn được biết đến vùng đất cát trắng khô cháy cằn cỗi, nghèo khó bậc nhất của tỉnh Quảng Nam. Cuộc sống người dân nơi đây quanh năm suốt tháng bám biển mưu sinh, ngoài ra không trồng trọt, chăn nuôi hay thậm chí chẳng trồng được một thứ rau màu gì để sinh sống qua ngày. Nhưng giữa miền quê còn lắm nghèo khó này lại “thêu dệt” nên những câu chuyện cảm động về tình người.

Câu chuyện về cụ ông Đoàn Trưng (84 tuổi) què quặt, mù lòa ngày qua ngày vẫn âm thầm, lặng lẽ mò mẫm thổi cơm, đun nước, bón cháo, thậm chí lết ra ngoài giếng múc từng gáo nước xách vào tắm cho vợ mù lòa, nằm liệt giường là tấm gương sáng ngời về tình cảm vợ chồng nơi vùng cát.

Cụ Nguyễn Phiên là người bạn già cùng thời với cụ Trưng và được nghe kể về cuộc đời đầy sóng gió cụ Trưng: “Thời trai trẻ, ổng cũng như bao thanh niên trai tráng khác của làng. Người không có bị co rút, què quặt và mù con mắt trái như ri. Trước ngày giải phóng, ổng đi làm lụng mưu sinh bị dính bom mìn, chất độc da cam. 

Từ đó đến nay, thân thể bị chất độc ăn mòn, chân tay co rút cụt dần như thể bị bệnh cùi (bệnh phong) nên không làm lụng gì được, đi viện thì không có tiền. Rồi 10 năm trở lại đây, vợ lại mù lòa, bị tai biến nên mọi gánh nặng đè lên đôi vai còm cõi của ổng. Giờ bả mất đi, khỏe đâu không thấy chứ nỗi buồn cô độc tuổi già cũng khổ. Thật tội nghiệp!”.

Khuôn mặt của cụ Trưng ngay từ lần đầu gặp đã làm cho chúng tôi có cảm giác hơi sợ bởi nhiều dị dạng khác thường. Người còng sát đất, đôi tay co quắp, sần sùi nhìn rất khó coi. Nhưng sau cái sợ hãi ban đầu là niềm cảm thương ùa đến với chúng tôi. Cũng một phận người mà cụ phải chịu mang một kiếp đọa đày như thế...

Cũng trong dòng ký ức nhập nhòa bởi đã đi qua quá nhiều vất vả và biến cố trong cuộc đời, cụ Trưng không nuốt được nước mắt khi nói về căn bệnh - hay nói đúng hơn là dị tật đến với cụ bất ngờ.

Sau năm đó, con mắt bên trái của cụ không còn nhìn thấy nữa. Chục năm trở lại đây, vợ cụ lại bị mù lòa hai con mắt, tiếp đó là tai biến nằm liệt giường, chân tay đau nhức và co rút không tự đi lại được, mọi sinh hoạt phải nhờ cụ lo giúp. Khi chúng tôi đến thăm,  cụ Trưng đang lúi cúi mò mẫm để thắp hương cho vợ.

Ngồi tiếp chuyện, cụ Trưng cho biết cụ bị thương tật ở chân và tay trước năm 1975 do một tai nạn bom mìn hóa học (loại mìn khi nổ rất lợi hại, bắn ra những hạt nhỏ bằng hạt gạo, nhưng gây cháy rất mạnh, dính đâu là cháy đó) nên tay chân nay chỉ còn da, gân bọc xương.

Từ lúc ấy, mang trên mình căn bệnh “lạ” ấy, cụ Trưng đã chịu không ít sự nhòm ngó, dị nghị và sợ hãi của nhiều người. Nhưng rồi, cụ cũng vẫn cố gắng vượt qua tất cả để sống, để đi cho trọn cái kiếp người mình đã mang với cái nghiệp nặng hơn những người may mắn khác để cùng vợ bám níu sống qua ngày. 

Nhiều lần, cụ thường ngồi khóc một mình bởi không biết tâm sự cùng ai mà cũng không ai có thể chia sẻ, bầu bạn. Những lúc nhìn thấy anh em cùng trang lứa lớn lên khỏe mạnh, lao động, cụ chỉ biết than thân rồi lại tự an ủi mình phải cố gắng.

Tình người nơi miền cát nghèo…

Chục năm chăm vợ nằm liệt giường, tứ chi bất động, đôi mắt mù lòa, cụ ông chia sẻ bằng cái giọng trầm trầm: “Thương bả lắm, nhưng chẳng biết làm chi được ngoài việc sức đến đâu lo bả đến đó. Thức khuya, dậy sớm già không sợ mô. Già cũng đã từng nhiều lần lê từng bước chân khó nhọc ra tận giếng để xách từng gàu nước mà mò mẫm đường vào trong nhà tắm cho bả.

Có lần vì xách nước vào vệ sinh cho bả trong đêm khuya, mắt mờ nên đã nhiều phen té chúi đầu xuống đất, nhưng may mắn trời thương không bị chi hết. Nhưng giờ bả cũng đi rồi…”.

Đám tang cụ bà Võ Thị Xá tuy không tươm tất, đầy đủ như mọi nhà khác, nhưng đó là cái nghĩa, cái tình của bà con chòm xóm nơi miền quê nghèo này.

Những người hàng xóm của cụ Trưng cảm phục nói: “Chừng ấy năm hết vợ chăm chồng rồi đến chồng chăm vợ khiến không ai không cảm động. Thời nay, hiếm có người chồng tật nguyền, mù lòa nào mà chịu thương chịu khó chăm vợ ngần ấy năm như ông ấy. Cũng bởi vì không có tiền nên cụ Xá cũng giấu giếm mà cố gồng mình chống chịu. Nghĩ mà thương, cụ Xá chết không phải vì bệnh nặng mà vì không có tiền…”.

10 năm qua, vợ chồng cụ Trưng sống bằng tình thương và sự đùm bọc của bà con chòm xóm. Có bát cháo ngon, nải chuối chín thơm hay thậm chí củ khoai lang nóng hổi cũng sẻ chia cùng hai cụ. Nhờ tình cảm của những người dân quê tốt bụng này mà hai cụ sống lay lắt qua ngày. 

Căn nhà cụ đang ở cũng được chính quyền xã làm cách đây chục năm, nay đã xuống cấp. Thêm vào đó, căn bênh cũ cứ hay tái phát, vì không có tiền đến bệnh viện nên đã tự nín cơn trong cơn đau và để bệnh tình ngày một nặng hơn. Được biết, cụ cũng có 2 cô con gái nhưng đều lấy chồng xa quê và hoàn cảnh gia đình cũng nghèo khó, mấy năm mới về thăm ba mẹ một lần.

Vì hoàn cảnh đơn chiếc, bệnh tật và con cái xa quê nên khi nghe tin vợ cụ Trưng qua đời, bà con làng xóm đã của ít lòng nhiều đi gom góp đủ mua một cái quan tài, hoa quả, hương đèn. Tuy đám tang cụ không được tươm tất  hay đầy đủ lễ nghi như mọi gia đình khác, nhưng cũng là nghĩa tình và tấm lòng người dân xóm nghèo.

Nay vợ cụ Trưng cũng đã mất, cụ Trưng chỉ biết sống lủi thủi một mình nơi mái tranh nơi miền xóm cát nghèo khó. “Là người, nhưng họ chưa một ngày được sống như một con người. Cả đời cụ chỉ biết lê lết đôi chân co quắp, quờ quạng đôi mắt mù lòa trong căn nhà nhỏ, ẩm thấp nơi xóm nghèo, làm bạn với đôi dép mòn vẹt, chiếc chõng tre ọp ẹp và 4 bức tường đen thủi. 84 năm cuộc đời đã qua, vợ chồng cụ đã cùng bám níu mà sống lay lắt qua ngày bằng tình thương của những người tốt bụng xung quanh mình”, cụ Nguyễn Phiên tâm sự.

“Ngó rứa chứ còn bả sống có vất vả, cực nhọc bao nhiêu cũng được. Bả đi rồi buồn lắm” .

Ông Phan Thanh Tư - Trưởng thôn Nghĩa Hòa - tâm sự: "Gần nửa thế kỷ, gia đình cụ Trưng luôn nằm trong danh sách hộ nghèo đói khẩn cấp của địa phương. Quê còn nghèo, cuộc sống người dân vẫn biết còn lắm gian khó nhưng với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, dẫu biết sự giúp đỡ ấy chẳng thấm vào đâu để cụ sống qua ngày. Cụ mù lòa, tàn tật, già yếu thì cuộc sống những ngày còn lại của cụ Trưng sẽ ra sao?"

Cụ Trưng đưa 2 tay què quặt, run rẩy, quờ quạng, dòng nước mắt từ đôi mắt mù lòa chảy dài trên khuôn mặt hốc hác tuổi già, miệng thì cứ mãi mếu máo. Giọng cụ Trưng mỗi lúc một nhỏ dần nhỏ dần rồi lặng thinh trong cái nhìn xa xăm vô định…

http://laodong.com.vn/xa-hoi/cu-ong-que-quat-mu-loa-chuc-nam-lam-anh-sang-cho-vo-179530.bld

Theo Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm