Bất kể trời nắng hay mưa, vào 6h30 mỗi ngày, cụ Nguyễn Viếng lại bắt xe ôm từ nhà mình tại tổ 2 (khu phố 5, phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai) ra vỉa hè đường Đồng Khởi (phường Tam Hòa, TP Biên Hòa) bán vé số. Người đi đường quen thuộc với hình ảnh ông cụ có dáng người nhỏ, gầy guộc, da đen sạm, tay cầm tập vé số ngồi im lặng trên chiếc xe lăn.
Cụ Nguyễn Viếng gắn với nghiệp bán vé số mưu sinh suốt 40 năm qua. Ảnh: Ngọc An |
Cụ Viếng sinh ra và lớn lên tại Đông Hà (Quảng Trị). Năm lên 15 tuổi, đôi mắt của ông bỗng nhiên bị khô và rơi vào trạng thái mù lòa. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, cụ xin người thân trong gia đình được vào nam lập nghiệp.
Trong ngôi nhà chưa đầy 40 m2, cụ Viếng vừa xếp tập vé số vào chiếc ba lô cũ vừa kể: “Hồi đó, tôi xin vào học tại một trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Sài Gòn. Đến năm 1975, tôi gặp và nên duyên vợ chồng với người phụ nữ mù (bà Nguyễn Thị Thọ) rồi cả hai về Đồng Nai hành nghề bán vé số mưu sinh. Giờ đây, thời gian đã hơn 40 năm nhưng tôi vẫn gắn bó với nghề”.
Theo lời cụ, những ngày còn trẻ, hai vợ chồng dắt díu nhau đi khắp ngã đường, khu phố bán vé số. Về sau, sức khỏe người vợ suy yếu, bệnh tật nên một mình ông phải gánh vác.
“Khó khăn, túng thiếu nhưng tôi luôn tự an ủi bản thân và động viên vợ. Mỗi lần nghĩ đến cảnh đói nghèo, tôi lại muốn lao vào làm việc để tích góp tiền bạc, xây dựng cuộc sống tốt hơn”, ông lão mù lòa bộc bạch.
Hàng ngày, ông nhận 150 đến 200 tờ vé số từ một đại lý phân phối gần nhà rồi đến đường Đồng Khởi bán. Không ít lần cụ ông mù lòa trở thành nạn nhân của những kẻ cướp giật.
Năm 2002, trong lúc chuẩn bị ra điểm bán ở gần đài Truyền hình Đồng Nai thì ông bị một thanh niên điều khiển xe máy chạy áp sát, giật chiếc túi chứa toàn bộ vé số và tiền bạc.
Cụ kể, lúc bị cướp, cụ chỉ biết ngồi bệt xuống đường rồi khóc nấc. Lần đó, gia đình không chỉ mất thu nhập mà vợ chồng ông còn trở thành con nợ của đại lý vé số.
"Để có cơm ăn, vợ chồng tôi phải đến các khu dân cư, khu chợ xin tiền, gạo. Nhục nhã nhưng nếu không đi xin thì sẽ chết đói. Sau 1 tháng làm hành khất, tôi góp được một số tiền để trả nợ và có vốn để tiếp tục với nghề bán vé số", cụ ông ngậm ngùi.
Mỗi ngày việc bán vé số giúp cụ Viếng tạo nguồn thu nhập nuôi sống gia đình và chi phí thuốc thang cho người vợ. Ảnh: Ngọc An |
Bà Nguyễn Thị Thọ, vợ cụ Viếng tâm sự, người thông cảm, sẻ chia cùng hoàn cảnh khó khăn với vợ chồng tôi nhiều nhưng người cướp bóc, lừa gạt cũng không ít.
"Tháng trước, có thanh niên đến mua vé số, đưa tờ 20.000 đồng nhưng lại nói tờ 500.000 đồng. Chồng tôi tin tưởng nên đưa tiền ra thối nên bị lừa”, nà nói và cho biết thêm, để tránh rủi ro, cụ Viếng phải thuê người đứng gần để theo dõi, cảnh giới.
Theo cụ Viếng, trung bình mỗi ngày cụ bán được 150 tờ vé số, thu nhập trên 100.000 đồng. Khoản tiền không nhiều nhưng giúp cụ có chi phí trang trải cuộc sống, lo thuốc chữa bệnh cho người vợ.
Cụ Nguyễn Viếng cho biết, 6 người con gái của cụ đã lập gia đình nhưng họ đều có hoàn cảnh khó khăn nên không thể phụ dưỡng cha mẹ.
“Tôi chỉ mong những đứa con cố gắng lao động để có cuộc sống tốt hơn. Tôi đang đi bán vé số được nên có thể kiếm tiền để trang trải. Hơn nữa, tôi muốn tự lực cánh sinh, không muốn trở thành gánh nặng cho người thân hoặc bất cứ người nào khác”, cụ ông mù lòa chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Trinh, Chủ tịch UBND phường Tam Hiệp xác nhận, hoàn cảnh gia đình cụ Nguyễn Viếng thuộc diện hộ nghèo và đang được hưởng các chế độ trợ cấp của nhà nước. Ngành chức năng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình cụ.
"Dù khó khăn nhưng cụ rất lạc quan, luôn lao động để gây dựng cuộc sống", ông Trinh cho hay.