Trên giấy khai sinh, cụ Một tên thật là Hà Cừu (sinh năm 1915, đã 100 tuổi). Nhà của cụ nằm đơn độc bên dòng sông ở thôn Phong Ngũ (xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Giữa trưa tháng 6 trời nắng nóng, nhưng nhà cụ vẫn tấp nập người ra vào. Ngoài việc thăm hỏi sức khỏe người cao tuổi nhất làng, nhiều bà con đến để thưởng thức những điệu hò khoan hoặc bài chòi (một giai điệu mang âm hưởng dân ca xứ Quảng) do cụ thể hiện.
Sinh ra trong một gia đình có 4 anh em, mọi người đều cao từ 1,6 m trở lên. "Lúc nhỏ tôi cũng như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến 15 tuổi, tôi thấy chiều cao của mình chỉ dừng lại ở 1,1 m. Không biết tại sao mình lại thấp như vậy", cụ Một nói.
Cụ Một bên cạnh con dâu và chắt nội. Cụ có hơn 40 cháu, chắt. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Những người cháu của cụ cho biết, gia đình không có ai thấp bé. Kể cả 5 người con của cụ đều cao ráo, có người trên 1,7 m.
Anh Hà Cung, cháu họ của cụ Một nói: "Ngày xưa cuộc sống cơ cực, cụ đi ở đợ nên không biết chữ. Nhưng ngược lại, số phận cho nội nhiều tài năng và trí nhớ tuyệt vời", anh nói.
Tiếp chúng tôi, cụ ông kể, vào những năm 1930, gia đình rất nghèo. Tuổi thơ là những tháng ngày làm thuê, ở đợ kiếm ăn qua ngày.
"Thấp bé cũng có cái lợi. Hồi trước, vùng này giặc Pháp chiếm đóng. Tất cả thanh niên trong làng bị bắt đi lính. Còn tôi quá lùn nên được ở nhà. Ngoài quán xuyến mọi chuyện sinh hoạt và đồng áng, tôi còn đi chăn trâu thuê, ở đợ cho người ta", cụ ông 100 tuổi kể.
Do suốt ngày đi làm thuê nên cụ không được đến trường. Mặc dù không biết chữ nhưng người dân làng Phong Ngũ gọi cụ là "từ điển sống". Cụ ông có tài đọc thơ, hát một bài chòi rất hay, nhiều người mê.
Chính nhờ khả năng văn nghệ mà sau khi người vợ đầu qua đời (do mắc bệnh) cụ đã được cô gái xinh nhất làng đồng ý theo về rồi sinh 5 người con (2 trai, 3 gái).
Ở làng Phong Ngũ, cụ Một là một trong số rất ít người có khả năng nói thành thạo tiếng Pháp. Cụ kể, cũng vì nghèo đói và sống cảnh lang thang khắp nơi nên có dịp "học lỏm" tiếng Pháp.
Cụ Một tên thật là Hà Cừu, sinh năm 1915. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Sau khi cưới vợ 2, lần lượt 5 người con chào đời. Để có tiền nuôi gia đình, cụ phải đi bộ lên Đà Lạt xin chăn bò sữa thuê cho một trang trại của ông chủ người Pháp.
"Công việc hàng ngày của tôi là xúc phân bò đi đổ và vắt sữa", cụ kể. Làm thuê cho người Pháp kiếm được đồng tiền không dễ. Vất vả cả ngày nhưng nếu có sai sót nhỏ là bị người Pháp đánh đập.
Nhờ có năng khiếu, chỉ trong thời gian ngắn, cụ có thể giao tiếp thông thạo bằng tiếng Pháp. "Lúc đầu, tôi học tiếng Pháp để nói lại chủ mỗi khi họ đánh mình. Nhưng sau đó, nghe tôi nói thành thạo nên họ nhờ làm phiên dịch", ông lão kể lại.
Bí quyết sống lâu là đi bộ
Anh Hà Đức Tường (32 tuổi, cháu nội cụ Một) tự hào kể về ông: “Ông tôi năm nay đã 100 tuổi, nhưng trí nhớ không ai sánh bằng. Nhiều chuyện xảy ra cách đây 80 năm ông vẫn nhớ".
Là người trực tiếp chăm sóc cụ Một, bà Nguyễn Thị Quỳnh (65 tuổi, con dâu út của cụ) cho biết, dù rất nhỏ con nhưng cụ hiếm khi đau ốm.
Tuổi cao nhưng ngày nào cụ cũng đi bộ từ đầu thôn đến cuối xóm. Con cháu khuyên đi lại nhiều lỡ xảy ra chuyện nguy hiểm, nhưng cụ không chịu.
Bí quyết sống thọ của cụ Một là đi bộ, ăn đúng bữa. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Cụ bảo đi bộ như thế vừa khỏe, vừa thăm được bà con trong vùng. Cụ xem uống cà phê mỗi sáng, đi bộ, hát bài chòi và nói tiếng Pháp như là thú vui hàng ngày. "Mỗi lúc trái gió trở trời, cụ có cảm mạo đôi chút nhưng chỉ cần nghỉ vài ngày là khỏi chứ ít khi phải dùng thuốc", bà Quỳnh nói.
"Tôi sống thọ là nhờ chế độ ăn uống, sinh hoạt đều đặn, sáng nào cũng uống ly cà phê, ăn đúng bữa. Tôi thấy thanh niên bây giờ ngày nào cũng nhậu thì sớm về với tổ tiên", cụ Một phê bình giới trẻ.