Tan, nhân vật mới nổi gần đây của cư dân mạng Trung Quốc, chọn làm nghề gác mộ khi mới tốt nghiệp. Ảnh: SCMP. |
Cô gái họ Tan (22 tuổi) đã trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi tự hào chia sẻ những hình ảnh lên mạng xã hội vào tuần trước về nơi làm việc yên bình của mình - một nghĩa trang bên sườn núi ở thành phố Trùng Khánh.
“Để tôi cho bạn xem môi trường làm việc của một người canh mộ gen Z. Đó là công việc đơn giản và nhẹ nhàng, có chó mèo và cả Internet", Tan tự gọi mình là "người giữ mộ" vì cô sống ngay trong nghĩa trang, tại một khu ký túc xá với đồng nghiệp.
Ví công việc này như cuộc nghỉ hưu sớm, Tan cho hay nó cho cô nhiều thời gian rảnh rỗi, không gian làm việc đẹp, môi trường làm việc không nhiều thị phi và cũng không yêu cầu phải đi lại nhiều.
Công việc của Tan bao gồm tiếp khách, bán mộ và quét dọn mộ thay cho người thân của người quá cố với mức lương 4.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 13,9 triệu đồng). Cô làm việc 6 ngày/tuần từ 8h30 đến 17h với 2 giờ nghỉ để ăn trưa.
Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, thu nhập trung bình hàng năm ở Trùng Khánh năm ngoái là 33.800 nhân dân tệ, tương đương 2.800 nhân dân tệ/tháng. Theo đó, mức lương của Tan cao hơn cả thu nhập trung bình tháng tại địa phương.
Công việc canh mộ cho phép Tan có mức lương trên trung bình, ăn trưa 2 tiếng và nhiều thời gian cho các hoạt động giải trí. Ảnh: Douyin. |
Clip về công việc của Tan lan truyền nhanh chóng trên mạng. Nhiều cư dân mạng thắc mắc lý do cô chọn làm công việc này ngay khi mới tốt nghiệp do nghĩa trang thường được coi là nơi làm việc không may mắn và khó chịu.
Một bộ phận cư dân mạng khác lại ủng hộ với quyết định của Tan, cho thấy sự phát triển của văn hóa làm việc "uể oải" trong thế hệ Z Trung Quốc.
Xã hội Trung Quốc đang chứng kiến phong trào xã hội "nằm yên", hay còn gọi là tangping, trong những năm gần đây. Những người hưởng ứng phong trào này là những người trẻ tuổi chấp nhận làm công việc bình thường để sống qua ngày như cách để phản đối các kỳ vọng dài hạn và phi thực tế.
Làm một người canh mộ, Tan có thể ăn vặt trong giờ làm với đồng nghiệp. Ảnh: Douyin. |
"Ngày xưa, công việc như vậy bị coi là không may mắn nhưng giờ đây, nó lại là công việc yên bình đối với người hiện đại", một trong những bình luận được nhiều người thích nhất dưới video của Tan viết.
"Tôi cũng thích công việc này. Bạn không cần phải đối phó với mọi người, và không có chuyện thị phi nơi công sở", một bình luận khác viết.
Từng học chuyên ngành Mai táng và Quản lý nghĩa trang ở trường đại học, Tan trả lời rằng công việc hiện tại cũng là công việc đúng nghĩa của cô.
"Đây chỉ là một công việc bình thường. Tôi chỉ đang làm một việc mà tôi thấy bình thường", cô cho hay mình thấy hài lòng với công việc hiện tại và sẽ gắn bó với nó lâu dài.
Thị trường dịch vụ tang lễ của Trung Quốc đã mở rộng đáng kể trong những năm gần đây khi dân số già đi nhanh chóng. Theo công ty nghiên cứu Huajing Research của Trung Quốc, vào năm 2020, loại hình dịch vụ này được định giá 257 tỷ nhân dân tệ (36 tỷ USD).
Mục Giáo dục gửi tới độc giả gợi ý những tác phẩm hay về tuổi trẻ, học đường. Đó có thể là lựa chọn phù hợp cho người yêu sách, thích khám phá cuộc sống học sinh, sinh viên xưa và nay.