Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cứ lên mạng lại thấy 'phốt' của trung tâm tiếng Anh

Học sinh, phụ huynh lên mạng tìm trung tâm tiếng Anh để đăng ký học nhưng những gì họ tìm được lại là loạt bài viết khen chê lẫn lộn, gây hoang mang và càng khó chọn nơi học.

Học sinh, phụ huynh có thể dễ dàng tìm các bài chê trung tâm tiếng Anh trên mạng. Ảnh: Medium.

"Chưa bao giờ mình nghĩ tìm trung tâm IELTS lại mệt mỏi như thế. Mình tìm 10 trung tâm thì 8 nơi có ‘phốt’, 2 nơi còn lại đọc phản hồi, thấy chất lượng không ổn, chưa kể mấy trường hợp spam tin nhắn, chơi xấu nhau".

Đây là bài viết của một tài khoản Facebook kể lại quá trình tìm trung tâm tiếng Anh dạy IELTS uy tín để đăng ký học. Theo lời kể của người này, việc tìm trung tâm tiếng Anh dạy IELTS hiện nay khá khó vì cứ lên mạng lại thấy bài "phốt".

Một lần, người này được một phụ nữ tư vấn chọn trung tâm tiếng Anh nhưng sau đó phát hiện người phụ nữ này đang cố tình "hắt nước bẩn" cho trung tâm khác để kéo học viên về trung tâm của mình.

phot trung tam tieng Anh anh 1

Bài viết của một dân mạng phản ánh tình trạng tìm trung tâm tiếng Anh.

Trong phần bình luận, nhiều người cũng bày tỏ họ gặp tình trạng tương tự khi tìm trung tâm tiếng Anh. "Bất lực, tìm mãi không được" là điều mà nhiều người phải thốt ra khi bàn về vấn đề này.

"Bây giờ mình thấy muốn học IELTS chất lượng nhất chắc thuê gia sư thôi chứ trung tâm thì không tin được", một người bình luận.

Nhìn đâu cũng thấy "phốt"

Khi tìm từ khóa "phốt trung tâm tiếng Anh" trên Facebook hoặc TikTok, người dùng không khó để bắt gặp loạt bài viết, video tố các trung tâm gian dối, chất lượng không đảm bảo, giáo viên nói dối về bằng cấp, thu học phí nhưng không dạy... Những bài viết như vậy thường thu hút lượng tương tác khá lớn từ các học sinh và cả giáo viên dạy tiếng Anh.

Không chỉ đăng bài viết, nhiều cá nhân còn lập trang hoặc hội nhóm trên Facebook để "bóc phốt" thuận lợi hơn.

phot trung tam tieng Anh anh 2

Các nhóm đánh giá hoặc "phốt" trung tâm tiếng Anh thu hút hàng chục nghìn thành viên.

Ví dụ, TikToker Bảo Trần - người từng tố một số giáo viên tiếng Anh gian dối điểm IELTS - đã lập trang "Trùm phốt giới tiếng anh" (hơn 3.000 lượt thích) và nhóm công khai "IELTS và những người bạn" (hơn 36.500 lượt theo dõi) để bản thân và những người khác đăng bài vạch trần các trung tâm tiếng Anh được cho là kém chất lượng.

Không riêng hội nhóm của TikToker này, nhiều hội nhóm khác cũng được lập ra để đánh giá hoặc tố các trung tâm tiếng Anh. Hai nhóm có đông thành viên nhất Zing tìm được trên Facebook là nhóm công khai "Review Trung Tâm Tiếng Anh" với hơn 91.000 lượt theo dõi và nhóm kín "TRÙM PHỐT Tiếng Anh có tâm" với hơn 84.000 thành viên.

Các hội nhóm khác cũng có lượng người tham gia khá lớn, từ khoảng 2.500 cho đến hơn 50.000 người. Các bài đăng trong nhóm chủ yếu là bài đánh giá chất lượng trung tâm, nhờ tư vấn nơi học hoặc bài tố trung tâm kém chất lượng.

Trên các hội nhóm này, phần lớn người "bóc phốt" thường ẩn danh hoặc dùng tài khoản ảo để đăng bài. Các bài tố cũng chia thành nhiều dạng như tố cáo trực tiếp, nêu rõ thông tin của trung tâm, giáo viên hoặc tố cáo ẩn ý, chỉ nêu một số thông tin liên quan, không đề cập tên trung tâm hoặc tên giáo viên.

Bối rối vì review trên mạng chín người mười ý

Lúc tìm kiếm các trung tâm tiếng Anh dạy IELTS trên Facebook, Lê Đoàn Bảo Ngân, sinh viên năm hai tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận được rất nhiều tin nhắn mời gọi hoặc tư vấn tự động từ các tài khoản mạng xã hội của trung tâm. Những lúc nhận được tin nhắn này, Ngân đều bỏ qua.

phot trung tam tieng Anh anh 3

Tin nhắn tự động mỗi khi Bảo Ngân truy cập fanpage của các trung tâm tiếng Anh. Ảnh: NVCC.

Thay vì tin theo quảng cáo của trung tâm, Ngân thường đọc các bài viết đánh giá của người học để xem xét chất lượng đào tạo.

"Trung tâm nào cũng có ý kiến trái chiều. Tôi chọn đọc review (đánh giá) của học viên cũ hoặc cộng đồng mạng để tìm nơi học nhưng nhiều khi tôi cũng bối rối và hoang mang vì khen có, chê cũng có. Trung tâm được khen nhiều quá tôi cũng đề phòng vì sợ trung tâm bỏ tiền để mua lời khen", Ngân nói.

Ngọc Anh (học sinh lớp 10) cũng hoang mang vì mỗi lần lên mạng tìm thông tin về trung tâm tiếng Anh, em lại đọc được bài đánh giá xấu về trung tâm đó.

phot trung tam tieng Anh anh 4

Hàng loạt kết quả hiện ra, kèm tên của các trung tâm khi tìm từ khóa "phốt trung tâm tiếng Anh".

Nơi Ngọc Anh sống không có quá nhiều trung tâm tiếng Anh như các thành phố lớn mà chỉ có một số chi nhánh của trung tâm quy mô lớn nên lựa chọn của em cũng hạn chế hơn. Điều khiến Ngọc Anh khó xử nhất là tất cả trung tâm tại địa phương đều đã bị "phốt" trên Facebook ít nhất một lần.

Sợ tốn tiền oan, Ngọc Anh không dám chọn học các trung tâm đó vì sợ chất lượng tệ như lời trên mạng nói. Cuối cùng, sau vài tháng đắn đo, nữ sinh quyết định từ bỏ các trung tâm tiếng Anh để học cùng một giáo viên có tiếng tại địa phương.

Phương Uyên (sinh viên đại học, đồng thời là trợ giảng tiếng Anh tại Hà Nội) không thấy hoang mang khi đọc phốt của các trung tâm tiếng Anh nhưng bản thân cô lại khá buồn vì thị trường học tiếng Anh bị biến chất và trở thành nơi đấu tố, "bóc phốt" nhau.

Uyên cho biết đôi khi lên mạng, dù không cố ý tìm kiếm, cô vẫn đọc được những bài đăng, video đánh giá tích cực về một trung tâm nào đó. Trước đây, Facebook được chọn là nơi để đăng bài "phốt", nhưng hiện tại Uyên thấy nhiều người đã chuyển địa bàn qua TikTok.

phot trung tam tieng Anh anh 5

Nhiều bài viết tố cáo trung tâm tiếng Anh dạy không đảm bảo, giáo viên không đủ trình độ.

Có thể đọc review trên mạng nhưng cần có chọn lọc

Bàn về tình trạng cứ lên mạng lại thấy "phốt" của trung tâm tiếng Anh, cô Hương Quỳnh, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, nhận định một vài bài "phốt" trên mạng sẽ không quá ảnh hưởng đến trung tâm đó. Lý do là hiện nay, nhu cầu học tiếng Anh rất nhiều, học sinh và phụ huynh đôi khi không biết đến những bài viết đó, không biết chọn lọc thông tin hoặc không có nhiều lựa chọn nên vẫn bất chấp đăng ký ở trung tâm đó.

Bản thân cô Quỳnh cũng từng là học sinh, sinh viên, cũng từng dành thời gian để tìm nơi học tiếng Anh nên cô hiểu tâm lý của các học sinh, phụ huynh hiện nay. Cô Quỳnh cho biết trước đây, cô thường chọn trung tâm của giáo viên có tiếng trong ngành và chuyên môn cao. Cô không quan trọng danh tiếng của trung tâm vì nhiều trung tâm nổi lên nhờ chiêu trò quảng cáo, marketing chứ không phải nổi tiếng nhờ chất lượng dạy học.

Cô Quỳnh khuyên các học sinh nên chọn các trung tâm tiếng Anh được sáng lập hoặc đồng sáng lập bởi các thầy cô có chuyên môn tiếng Anh cao. Khi gặp các bài "phốt", học sinh nên tìm thêm thông tin xác thực từ các nguồn khác để có cái nhìn đa chiều hơn.

Trong trường hợp trung tâm có quá nhiều bài chê, phản ánh chất lượng kém, học sinh cũng nên cân nhắc thật kỹ, đồng thời có thể hỏi thêm những người từng là học viên hoặc nhân viên từng làm việc tại trung tâm.

"Thời đại ngày nay, thông tin đa chiều, bên cạnh những bài phản ánh đúng cũng có nhiều bài viết mang tính chất bôi nhọ do các trung tâm đối thủ tạo ra để hạ bệ đối phương. Dù thế nào, chúng ta cũng cần tìm hiểu kỹ từ nhiều nguồn chứ không nên chỉ tin vào một bài viết duy nhất", cô Quỳnh đưa ra lời khuyên.

Phương Uyên cũng nêu quan điểm tương tự. Cô cho rằng dù là bài "phốt" đúng hay bài "phốt" để hạ bệ đối thủ, người học cũng nên có cái nhìn đa chiều, biết chắt lọc thông tin để đánh giá chính xác, không nên tin toàn bộ thông tin được đưa lên mạng.

Nếu vẫn còn hoang mang và bị nhiễu loạn thông tin bởi các bài đăng trên mạng, học sinh có thể ưu tiên nhờ tư vấn từ người quen, những người từng có kinh nghiệm và trải nghiệm học thực tế. Sau khi được tư vấn, học sinh có thể tìm đến các bài review trên mạng để tham khảo thêm.

Nói thêm về việc các trung tâm tiếng Anh bị "phốt" trên mạng, Phương Uyên cho rằng các trung tâm cũng cần lắng nghe các góp ý, đánh giá của người học để cải thiện những điểm chưa tốt.

Khi nhu cầu học tiếng Anh tăng cao, học sinh, phụ huynh cũng kỹ tính hơn trong việc chọn nơi học nên việc các trung tâm chịu khó đầu tư, cải thiện sẽ có thể gỡ điểm từ những bài đánh giá xấu, đồng thời ghi điểm tốt hơn trong mắt người học.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Trung tâm tiếng Anh bị tố thu tiền nhưng không dạy, dọa đánh học sinh

Hàng chục học sinh tố cáo trung tâm tiếng Anh ANA ở TP.HCM thu 10-25 triệu đồng học phí/học viên nhưng không dạy học đúng cam kết ban đầu, thậm chí còn đe dọa và bắt ép học sinh.

Minh Uyên - Thái An

Bạn có thể quan tâm